Tài chính

Chứng khoán BOS đặt mục tiêu lãi 50 tỷ năm 2022, hủy phương án tăng vốn

(VNF) - HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (HNX: ART) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mức doanh thu thuần là 110 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế là 50 tỷ đồng.

Chứng khoán BOS đặt mục tiêu lãi 50 tỷ năm 2022, hủy phương án tăng vốn

ĐHĐCD Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS dự kiến tổ chức ngày 27/6.

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (dự kiến tổ chức ngày 27/6), HĐQT của BOS sẽ trình đại hội đồng cổ đông xem xét, chấp thuận đề nghị chấm dứt tư cách thành viên HĐQT của bà Hương Trần Kiều Dung kể từ ngày 8/4/2022 và bà Trịnh Thị Thúy Nga kể từ ngày 5/4/2022.

Bà Dung và Nga trước đó đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam vì có liên quan đến vụ án thao túng giá cổ phiếu FLC.

Bên cạnh đó, HĐQT BOS cũng nhận được đơn từ nhiệm thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 của bà Phan Thị Bích Phượng. Đại hội đồng cổ đông thường niên lần này của BOS sẽ tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT (4 thành viên) và ban kiểm soát (1 thành viên) nhằm đảm bảo quy định theo pháp luật.

Theo báo cáo của HĐQT BOS, năm 2021, doanh nghiệp này đạt hơn 94,4 tỷ đồng doanh thu thuần; lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 37,1 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, BOS đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 110 tỷ đồng và lãi trước thuế 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 35% so với thực hiện năm 2021.

Cũng tại đại hội lần này, HĐQT sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc hủy phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ do công ty chưa nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với phương án phát hành riêng lẻ và thời gian vừa qua công ty có nhiều biến động.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục thông báo tìm các các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Trịnh Văn Quyết, là nhân viên kế toán thuộc ban kế toán, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC), liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập công ty.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quyết, Huế liên hệ và cùng những người thân trong gia đình thành lập 20 công ty, đồng thời mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở 450 tài khoản chứng khoán đứng tên Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán (120 tài khoản mở tại Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác) với mục đích để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán.

Tiếp đó, các tài khoản này mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu) đồng thời, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa. Tiếp đó, các tài khoản đặt lệnh mua/bán rồi lại hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán, gồm: FLC, ROS, ART, HAI, AMD và GAB, thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tin mới lên