Tài chính quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm liên tiếp, Dow Jones mất sạch thành quả từ đầu năm

(VNF) - Chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm thứ 3 liên tiếp vào ngày 19/1, khi cả ba chỉ số đều xuống dốc trước những dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục đẩy mạnh việc tăng lãi suất dù các lạm phát đã giảm nhiệt.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm liên tiếp, Dow Jones mất sạch thành quả từ đầu năm

Dow Jones đã giảm điểm 3 phiên liên tiếp.

Kết phiên giao dịch ngày 19/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 252,40 điểm, tương đương 0,76%, còn 33.044,56, ghi nhận ngày giảm thứ 3 liên tiếp và đánh mất toàn bộ mức tăng phần trăm đã ghi nhận từ đợt phục hồi đầu năm mới 2023.

Tính từ đầu năm tới nay, Dow Jones đã giảm 0,28%, còn chỉ số Dow 30 (giá cổ phiếu tổng hợp của 30 công ty đại chúng lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán New York và NASDAQ) đã giảm 0,31%.

Trong cùng phiên, S&P 500 giảm 0,76% xuống 3.898,85 và Nasdaq Composite giảm 0,96%, kết thúc phiên ở mức 10.852,27. Nhưng trái với Dow Jones, cả hai chỉ số này vẫn có mức tăng trưởng dương tính từ đầu năm tới nay.

Chỉ tính trong tuần này, cả ba chỉ số chính đều đang ghi nhận mức thua lỗ khoảng 2%, riêng Dow Jones giảm 3,67% và đang trên đà ghi nhận hiệu suất hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022.

Ngày 19/1, báo cáo của Bộ Lao động về số lượng đơn xin bảo hiểm thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái cho thấy thị trường lao động đang phục hồi. Đây được các nhà đầu tư coi là dấu hiệu không mấy khả quan cho chặng đường lãi suất của Fed.

Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty thương mại và dữ liệu tiền tệ Oanda, cho biết: “Bất chấp tất cả các đợt sa thải sau đại dịch trong lĩnh vực công nghệ lớn, thị trường việc làm vẫn phát triển. Nếu thị trường lao động có dấu hiệu bất ổn, Fed mới có khả năng giữ nguyên lãi suất".

Những bình luận gần đây của các quan chức Fed tiếp tục nhấn mạnh sự khác biệt giữa quan điểm của ngân hàng trung ương về lãi suất cuối kỳ và kỳ vọng của thị trường. Chủ tịch Fed Boston, bà Susan Collins lặp lại ý kiến ​​​​từ các nhà hoạch định chính sách, ủng hộ quan điểm lãi suất sẽ tăng vượt quá 5%. Đây cũng là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ ảm đạm hơn trong tuần này.

Tuy nhiên, một bình luận từ phía Phó chủ tịch Lael Brainard cho biết Fed vẫn đang "thăm dò" mức lãi suất cần thiết để kiểm soát lạm phát đã giúp kiềm chế lại mức giảm của các chỉ số Phố Wall trong ngày 19/1.

Về những báo cáo thu nhập mới, cổ phiếu Procter & Gamble đã giảm 2,11% sau những cảnh báo về chi phí hàng hóa gây áp lực lên lợi nhuận, mặc dù đã nâng dự báo doanh thu cả năm.

Cổ phiếu Netflix cũng kết phiên giảm hơn 3% trước thềm công bố tình hình kinh doanh quý IV, nhưng đã phục hồi lại sau giờ giao dịch, nhờ báo cáo về lượng người đăng ký mới và thông tin nhà sáng lập công ty, Reed Hastings sẽ từ bỏ vai trò CEO để chuyển về làm chủ tịch điều hành.

Các nhà phân tích hiện dự đoán thu nhập hàng năm từ các công ty thuộc S&P 500 sẽ giảm 2,8% trong quý IV, theo dữ liệu của Refinitiv, so với mức giảm 1,6% vào đầu năm.

Xem thêm >> Kết thúc chuỗi tăng điểm, Phố Wall 'rực lửa' trong ngày giao dịch tệ nhất tháng

Tin mới lên