Tài chính

Chứng khoán tuần 11-15/12: Khối ngoại bán ròng hơn 400 tỷ đồng, ETFs tái cơ cấu danh mục

(VNF) - Sau tuần giảm sâu đầu tháng 12, thị trường vẫn tiếp tục điều chỉnh nhưng mức giảm đã có phần hãm mạnh nhờ lực cầu khá tốt của nhà đầu tư.

Chứng khoán tuần 11-15/12:  Khối ngoại bán ròng hơn 400 tỷ đồng, ETFs tái cơ cấu danh mục

VN-Index giảm điểm vì ETFs, mặc cho khối ngoại bán ròng hơn 400 tỷ đồng

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 5 điểm xuống còn 935,16 điểm tương ứng mức giảm 0,53%, HNX-Index giảm 2,2 điểm xuống còn 111,61 điểm tương ứng mức giảm 1,93%, UPCOM-Index tăng 0,19 điểm lên mức 54,66 điểm tương ứng mức tăng 0,35%. 

Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 181,25 triệu đơn vị trên phiên, sụt giảm 12,19% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 59,38 triệu cổ phiếu trên phiên, giảm 11,24%.

Về phía nhóm ngành, ngân hàng giảm mạnh 2,92%, tài chính giảm 2,66%, viễn thông giảm 2,78%, công nghiệp giảm 0,18%, các nhóm ngành còn lại đều tăng điểm nhưng mức tăng không lớn, mạnh nhất với công nghệ thông tin tăng 2,93%, dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4%, hàng tiêu dung tăng 2,34%, nguyên vật liệu tăng 1,29%...

Khối ngoại tuần qua

Khối ngoại đã bán ròng 9,58 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 401,1 tỷ đồng trong tuần qua, giảm 40% về lượng và 66% về giá trị so với tuần trước đó (mua ròng 15,99 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.179,71 tỷ đồng).

Trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện duy nhất 1 phiên mua ròng ngày 13/12 và 4 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 13,28 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 493,85 tỷ đồng, giảm 5,46% về lượng và hơn 58% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, khối này đã mua vào 76,08 triệu đơn vị, giá trị 3.301,2 tỷ đồng (tăng 11,67% về lượng nhưng giảm 5,35% về giá trị so với tuần trước đó) và bán ra 89,36 triệu đơn vị, giá trị 3.795,05 tỷ đồng (tăng 8,74% về lượng nhưng giảm 18,64% về giá trị so với tuần trước).

Việc được quỹ VNM thêm vào trong rổ danh mục của kỳ cơ cấu lần này khiến cổ phiếu TCH trở thành tâm điểm mua vào của nhà đầu tư ngoại trong tuần qua, đặc biệt là phiên cuối tuần – phiên chốt danh mục của các quỹ ETFs.

Theo đó, cổ phiếu TCH được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tuần qua với tổng khối lượng 8,12 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 199,6 tỷ đồng.

Các mã được mua ròng mạnh tiếp đó gồm VNM (363.600 đơn vị, giá trị 70,38 tỷ đồng), CII (2,05 triệu đơn vị, giá trị 69,58 tỷ đồng), BMP (676.650 đơn vị, giá trị 60,8 tỷ đồng)…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần về giá trị đạt 400,75 tỷ đồng, tương đương khối lượng 6,58 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 3 phiên mua ròng vào đầu tuần và 2 phiên bán ròng cuối tuần. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 2,03 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 31,59 tỷ đồng, trái lại tuần trước bán ròng 2,4 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 28,93 tỷ đồng.

Cụ thể, khối này đã mua vào với khối lượng 5,7 triệu đơn vị, giá trị 113,5 tỷ đồng (giảm 11,4% về lượng và 9,21% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 3,68 triệu đơn vị, giá trị 81,91 tỷ đồng (giảm 58,4% về lượng và 46,79% về giá trị so với tuần trước)

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VCG với khối lượng 1,74 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 33,92 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí tiếp theo, HUT được mua ròng 528.900 đơn vị, giá trị 5,9 tỷ đồng và VGC được mua ròng 41.728 đơn vị, giá trị 10,01 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu PVS bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 375.400 đơn vị, giá trị tương ứng 7,34 tỷ đồng. Tiếp đó cũng là mã thuộc họ dầu khí, PVC bị bán ròng 191.650 đơn vị, giá trị 2,12 tỷ đồng.

Diễn biến giao dịch

Các chỉ số thị trường khởi đầu tuần với nhiều khó khăn khi lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Nhiều thông tin không được khả quan về các vụ án kinh tế diễn ra trong ngành dầu khí đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý giới đầu tư. Áp lực bán lan tỏa trên diện rộng với tâm điểm hướng đến nhóm cổ phiếu dầu khí đã kéo VN-Index lùi sâu.

Điểm tích cực là đà giảm sâu đã thúc đẩy dòng tiền bắt đáy hoạt động sôi nổi trở lại. "Lòng tham" được kích hoạt đã tạo động lực cho đà hồi phục mạnh của các chỉ số thị trường về cuối phiên. Thanh khoản thị trường nhờ đó cũng tăng trưởng mạnh so với các phiên đầu tuần.

Sau phiên giao dịch đột biến ngày 12/12, thị trường lấy lại sự ổn định khá tốt. Nhờ đó, sắc xanh cũng lan tỏa rộng trên thị trường. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng lại được đề cao, kéo theo sự sụt giảm mạnh của thanh khoản trong các phiên giữa tuần.

Phiên cuối tuần, tâm lý thị trường đã trở nên cởi mở hơn và thúc đẩy sắc xanh lan tỏa tích cực. Tuy vậy, đà hồi phục đã không thể kéo dài trong bối cảnh thị trường đối diện với hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs.

 Lực bán ròng mạnh của các quỹ này đã tác động mạnh lên nhóm cổ phiếu dẫn dắt và khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm khi kết phiên. Thanh khoản thị trường vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh quen thuộc trong các phiên tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs.

Top cổ phiếu tăng/giảm

Tuần qua, cổ phiếu CIG đã tăng trần 5 phiên liên tiếp kéo giá cổ phiếu này từ mức 2.140 đồng/cổ phiếu lên mức 2.970 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong gần 4 tháng qua (từ ngày 18/8 đến nay), tương ứng tăng 38,79%.

Được biết, thông tin liên quan tới CIG trong thời gian gần đây là việc thoái vốn của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ. Cụ thể, từ ngày 30/11 đến ngày 29/12, ông Lê Huy Lân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đăng ký bán toàn bộ gần 1,48 triệu cổ phiếu CIG, trong khi đó bà Trần Thị Thu Hiền vừa thông báo đã bán xong toàn bộ 1,95 triệu cổ phiếu CIG và rút tên khỏi danh sách cổ đông lớn của Công ty.

Cổ phiếu IBC tăng 20% nhờ việc chuyển sàn niêm yết. Chính thức gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 10/2016 và sau hơn 1 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, IBC đã chính thức chuyển sàn sang niêm yết trên sàn HOSE.

Chính thức chào sàn HOSE trong phiên cuối tuần ngày 15/12 nhưng với việc tăng kịch trần cũng đủ giúp IBC ghi tên trong bảng xếp hạng tuần này với thứ hạng khá cao trước bối cảnh thị trường chung và các cổ phiếu phân hóa mạnh. 

Cổ phiếu APC tăng 12.31% trong tuần qua và vẫn không ngừng ghi nhận chuỗi tăng trưởng kể từ tháng 07/2017. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ vẫn đang dổ vào cổ phiếu này nhằm "tranh thủ" đón đầu kết quả kinh doanh quý 4/2017. 

Chiều ngược lại, Cổ phiếu PNC của công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam lại đón nhận một tuần giao dịch khá tiêu cực khi giảm mạnh cả5 phiên, trong đó 2 phiên đầu tuần đã giảm sàn. Theo đó, giá cổ phiếu PNC bị đẩytừ mức 35.350 đồng/cổ phiếu xuống còn 26.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 23,9% và là mãgiảm mạnh nhất tuần qua.

Cổ phiếu ROS giảm 10.81% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ hoạt động thoái hàng của giới đầu tư khi các quỹ ETFs thực hiện bán ròng mạnh cổ phiếu này nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư quý 4/2017 trong phiên cuối tuần.

Nhận định tuần tới

Thanh khoản vẫn chỉ đang duy trì ở mức trung bình cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng. Ngân hàng cùng các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, PLX, MSN đang là đầu tàu dẫn dắt xu hướng hồi phục của thị trường. 

Bên cạnh đó thì đà tăng cũng lan ra trên diện rộng khi các mã cổ phiếu vừa và nhỏ mang tính thị trường đang thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư đã lần lượt tăng trần.

Dầu khí là nhóm ngành chính đã kìm hãm sự phục hồi của thị trường khi giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm. biên độ của thị trường trong những tuần gần đây là khá rộng nên các phiên tăng điểm chưa có được tính bền vững, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi và chờ đợi thêm những diễn biến của thị trường do dòng tiền thông mình vẫn chưa quay lại.

Nhà đầu tư lướt sóng có thể xem xét mở vị thế mua thăm dò tại các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền như ngân hàng, tài chính...

Các nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn hơn tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu cơ bản có kỳ vọng tăng trưởng tích cực quý IV và cả năm 2017.

Tin mới lên