Tài chính

Chứng khoán tuần 11-15/9: VN-Index vững mốc 800 dù ETF làm thị trường 'rung lắc'

(VNF) - Sắc xanh tiếp tục được nối dài trong tuần giữa tháng 9 vừa qua, cùng với đó, thị trường rung lắc khá mạnh khi các quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục.

Chứng khoán tuần 11-15/9: VN-Index vững mốc 800 dù ETF làm thị trường 'rung lắc'

Ảnh minh họa

Kết thúc tuần, VN-Index tăng 4,62 điểm lên mức 806,82 điểm tương ứng tăng 0,58%, HNX-Index tăng 0,57 điểm lên mức 104,49 điểm tương ứng mức tăng 0,55%, UPCOM-Index tăng 0,21 điểm lên mức 54,61 điểm tương ứng mức tăng 0,39%.

Thanh khoản trên cả hai sàn diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 138,8 triệu đơn vị trên phiên giảm nhẹ 1,33% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 44,89 triệu cổ phiếu trên phiên tăng trưởng 21,09%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 333 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó bán ròng trên HOSE với hơn 385,5 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với gần 52 tỷ đồng.

Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh ở VCB, với giá trị đạt 214, 17 tỷ đồng, VIC bị bán ròng 126 tỷ đồng, FLC bị bán ròng 89,64 tỷ đồng, VNM bị bán ròng 104,13 tỷ đồng…

Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng ở PLX với giá trị đạt 144,27 tỷ đồng, HBC được mua ròng 97,57 tỷ đồng, MSN được mua ròng 73,19 tỷ đồng…

Trong tuần này, hầu hết các ngành đều tăng điểm, chỉ có ngành hàng tiêu dùng giảm 0,14%. Cụ thể, ngành ngân hàng tăng 0,17%, tài chính tăng 0,23%, công nghiệp tăng 1,43%, dầu khí tăng 1,75%, dịch vụ tiêu dùng tăng 3,94%...

Thị trường khởi đầu tuần với nhiều khó khăn khi sắc đỏ chiếm ưu thế . Áp lực điều chỉnh gia tăng ở nhóm cổ phiếu blue-chip và điều đó khiến các chỉ số thị trường liên tục lùi sâu về cuối phiên.

Sau phiên điều chỉnh đầu tuần, thị trường nhanh chóng lấy lại sự cân bằng trong các phiên giao dịch tiếp theo. Là tâm điểm hút mạnh dòng tiền, nhóm cổ phiếu blue-chip đã trở thành đầu tàu của thị trường trong các phiên hồi phục. Dù sự đồng thuận vẫn chưa xuất hiện nhưng nhờ sự luân chuyển chủ động của dòng tiền ở các cổ phiếu dẫn dắt như PLX, GAS, VIC, MSN…mà nhịp tăng của thị trường được giữ ở mức ổn định.

Dưới sự dẫn dắt của nhóm blue-chip, các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chuyển biến tích cực hơn với sắc xanh lan tỏa trên diện rộng. Độ rộng của sắc xanh liên tục được cải thiện qua các phiên giúp cải thiện tâm lý của giới đầu tư trên thị trường.

Tuy vậy, điểm trừ là vẫn có khi thanh khoản và điểm số vẫn chưa có sự song hành trong các phiên hồi phục. Lực mua nâng giá là khá tốt nhưng vẫn cho thấy tâm lý khá thận trọng. Sức nóng chỉ thực sự diễn ra ở các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và được kỳ vọng gặt hái kết quả kinh doanh quý III/2017 khả quan như HAX, FPT, MWG, TCM … Trong khi đó, phần còn lại của thị trường vẫn diễn ra khá trầm lắng.

Phiên cuối tuần, giao dịch giằng co chiếm ưu thế trở lại khi sự e ngại dâng cao trên thị trường. Đây là điều thường thấy trên thị trường vào thời điểm các quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục. Với tâm điểm thay đổi cổ phiếu trong danh mục thuộc về nhóm cổ phiếu blue-chip, hoạt động mua, bán ròng của khối ngoại đã gây khá nhiều khó khăn lên thị trường.

Đáng chú ý, dù xuất hiện giao dịch của các quỹ ETF nhưng thanh khoản thị trường lại không có sự tăng trưởng đột biến như thường lệ. khối lượng giao dịch chỉ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ. Tuy vậy, với mức độ tập trung giao dịch ở nhóm blue-chip, giá trị giao dịch khớp lệnh lại ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trên HOSE.

Về nhóm cổ phiếu đáng chú ý, cổ phiếu HAR tăng mạnh 22,27% sau thông tin Ông Nguyễn Gia Bảo, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã chứng khoán HAR) vừa báo cáo đã mua xong 5 triệu cổ phiếu HAR đăng ký trước đó, nâng lượng sở hữu tại An Dương Thảo Điền lên gần 11,73 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 12,12%.

Cổ phiếu HII tăng 17,67% sau thông tin chủ tịch An Phát - Yên Bái (HII) cam kết sẽ luôn đặt lợi ích cổ đông công ty lên hàng đầu, và sẽ đẩy mạnh hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) một cách minh bạch nhất. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ đảm bảo duy trì chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông ở mức 20-30% mỗi năm, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) tăng trưởng ổn định 30%. Biên lãi ròng tăng khoảng 2% mỗi năm.

Cổ phiếu MCP tăng 16,8% dù không có thông tin nào đưa ra.

Cổ phiếu CLW giảm 14,59% sau thông tin sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhắc nhở CLW công bố thông tin ký kết hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017.

Cổ phiếu CCL giảm 8,73 % sau thông tin ông Nguyễn Thái Nguyên, cổ đông lớn, đã bán ra 885.530 cổ phiếu.

Cổ phiếu QCG giảm 7,76% dù tuần trước đó Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã giao Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè kiểm tra việc sử dụng đất của các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển - Nhà Bè do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. 

VN-Index chính thức đạt mức đỉnh mới, giúp xóa đi phần nào lo ngại về việc chỉ số sẽ sớm đi vào điều chỉnh. Kể từ thời điểm đi lên từ đáy 761 đến nay, VN-Index mới chỉ chứng kiến 3 phiên giảm điểm. Tuy vậy, khả năng điều chỉnh vẫn còn.

Các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội mua vào cổ phiếu triển vọng tốt trong nửa cuối năm để đón sóng kết quả kinh doanh quý 3, tập trung vào các nhóm mang tính dẫn dắt như ngân hàng (MBB), bất động sản (DXG) và nhóm có khả năng thu được lợi nhuận cao do hưởng các yếu tố thuận lợi trong 2 quý cuối năm, dự kiến giúp kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể như sắt - thép (HPG, SMC, NKG), cảng biển (GMD), cao su thiên nhiên (PHR, DPR,...).

Tin mới lên