Tài chính

Chứng khoán tuần 14-18/8: Thêm một tuần VN-Index giảm điểm

(VNF) – Các phiên trong tuần thường giảm mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch, do áp lực bán ra lớn. Tuy vậy, với các phiên giảm điểm liên tiếp trong tuần thì lực mua bắt đáy dường như đã xuất hiện, và giúp thị trường đảo chiều hồi phục trở lại dù không mạnh.

Chứng khoán tuần 14-18/8: Thêm một tuần VN-Index giảm điểm

VN-Index tiếp tục có một tuần giảm điểm

Kết thúc tuần giao dịch giữa tháng 8, VN-Index giảm 3,11 điểm xuống còn 768,97 điểm tương ứng mức giảm 0,4%, HNX-Index giảm nhẹ 0,03 điểm xuống còn 100,83 điểm tương ứng mức giảm 0,03%, UPCOM-Index giảm 0,19 điểm xuống còn 54,51 điểm tương ứng mức giảm 0,35%.

Thanh khoản trên cả hai sàn sụt khá mạnh. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 168,9 triệu đơn vị trên phiên tương ứng giảm 19,69% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 48,5 triệu cổ phiếu trên phiên tương ứng giảm 34,51%. Nếu không có phiên chào sàn của cổ phiếu VPB đạt tới 58 triệu cổ phiếu được giao dịch, thì thanh khoản có thể sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.489 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên HOSE với hơn 1.481,5 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 7,5 tỷ đồng. VPB là cổ phiếu thu hút mạnh nhất lực cầu khối ngoại với giá trị mua ròng đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch mua ròng đột biến từ VPB thì khối ngoại vẫn mua ròng hơn 89 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần qua.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất ở HPG với giá trị gần 73 tỷ đồng, DXG được mua ròng 67 tỷ đồng, VCI được mua ròng 52,64 tỷ đồng, VNM được mua ròng 56,18 tỷ đồng...Chiều ngược lại, MSN bị bán ròng 64,69 tỷ đồng, SSI bị bán ròng 44,58 tỷ đồng, KBC bị bán ròng 40,73 tỷ đồng, VIC bị bán ròng 45,47 tỷ đồng...

Với những tín hiệu hồi phục không mấy tích cực, tâm lý lo sợ của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng, và kéo theo lực bán tăng mạnh trong các phiên giao dịch ngay từ đầu tuần. Lực bán tăng trong khi dòng tiền mua vào dường như rút lui khỏi thị trường , đã khiến các chỉ số thị trường liên tục lùi sâu. Dù thị trường vẫn xuất hiện điểm sáng từ một vài cổ phiếu dẫn dắt như SAB và nhóm ngân hàng nhưng hiệu ứng lan tỏa trên không đủ để "kích hoạt" một sự hồi phục trở lại.

Về cuối tuần, thị trường giảm mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch trước áp lực bán lớn. Dòng tiền dường như được dồn hết vào cổ phiếu VPB với thanh khoản lên tới 2.200 tỷ đồng, chiếm 1/3 thanh khoản của toàn thị trường. Tuy vậy, với các phiên giảm điểm liên tiếp trong tuần thì lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và giúp thị trường đảo chiều tăng điểm trở lại.

Dù đà tăng không quá mạnh so với phiên liền trước nhưng so với mức giá mở cửa phiên thì phiên cuối tuần là một phiên hồi phục khá ấn tượng. Động lực cho phiên đảo chiều vẫn xuất phát từ các cổ phiếu Blue-chip trong đó nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu Ngân hàng với sự xuất hiện của BID, VCB, MBB, CTG,...

Tuần qua, ngành dầu khí tăng mạnh 1,97%, ngành nguyên vật liệu tăng 1,33%, công nghiệp tăng 0,61%,....Chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin giảm 1,65%, dược phẩm giảm 1,23%, ngân hàng giảm 0,86%, dịch vụ tài chính giảm 0,91%...

Cổ phiếu HVG tăng 9,83% nhiều khả năng đến từ thông tin công ty cổ phần Hùng Vương quyết định thanh lý các khu đất chiến lược hiện tại nhằm cơ cấu lại hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Nguyên nhân giải thể công ty con và bán bất động sản, theo Hùng Vương giải trình là để tập trung các nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Do vậy, cần thanh lý các bất động sản để thu hồi dòng vốn, chuyển hướng đầu tư tốt hơn.

Cổ phiếu VIS tăng 9,36% sau thông tin công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng vừa báo cáo đã mua 341.202 cổ phiếu VIS của công ty cổ phần Thép Việt Ý, nâng lượng sở hữu cổ phiếu này từ gần 48,14 triệu cổ phiếu lên gần 48,48 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ sở hữu 65,66% vốn điều lệ Thép Việt Ý.

Cổ phiếu KPF tăng 11,67% dù không có thông tin nào được đưa ra.

Cổ phiếu TSC giảm 23,74% nhiều khả năng do dòng tiền đầu cơ vẫn đẩy mạnh chốt lời sau khi cổ phiếu này ghi nhận chuỗi bứt phá ấn tượng trong thời gian dài trước đó.

Cổ phiếu HAI giảm 19,56% sau thông tin Tổng giám đốc công ty đã bán ra 200.000 cổ phiếu.

Cổ phiếu PTC giảm 11,69% dù chưa có thông tin nào được đưa ra.

Thị trường có lẽ đang bị bao phủ bởi sự nghi ngờ và điều đó thể hiện rõ trong những phiên gần đây nhất. Hầu hết, chỉ số VN-Index giao dịch ở biên độ hẹp, tăng giảm đan xen vào nhau, cho thấy thị trường dễ phản ứng tiêu cực với thông tin nhạy cảm bất lợi hơn là cởi mở với thông tin tốt. Cũng vì thế mà giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ dễ dàng áp dụng chiến thuật mua nhanh bán nhanh, khiến áp lực bán luôn luôn xuất hiện. 

Do đó, điều quan trọng của thị trường là làm sao liên tục duy trì đà tăng vừa để cho nhà đầu tư cảm thấy an tâm nắm giữ, vừa thu hút thêm nhà đầu tư mới. Khi khối lượng giao dịch có xu hướng tăng lên, và đó là cơ sở để có kỳ vọng mới. Trước mắt, nhà đầu tư nên thực hiện chiến lược đứng ngoài thị trường chờ đợi "thời cơ" khi khối lượng giao dịch được gia tăng đáng kể.

Tin mới lên