Tài chính

Chứng khoán tuần 17-21/7: VN-Index về mức thấp nhất trong 1 tháng

(VNF) - Sau hai phiên điều chỉnh mạnh đầu tuần, cường độ bán đã suy giảm đáng kể và giúp giao dịch thị trường dần lấy lại sự cân bằng trong hai phiên giao dịch tiếp theo, nhưng thanh khoản thị trường cũng liên tục sụt giảm về cuối tuần.

Chứng khoán tuần 17-21/7: VN-Index về mức thấp nhất trong 1 tháng

Ảnh minh họa

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 15,74 điểm xuống còn 761,86 điểm tương ứng với mức giảm 2,02%, HNX-Index giảm 2,47 điểm xuống còn 97,96 điểm tương ứng với mức giảm 2,46%, UPCOM-Index giảm 0,38 điểm xuống còn 56,35 điểm tương ứng với mức giảm 0,67%.

Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 193.3 triệu đơn vị/phiên, tăng nhẹ 2,53% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 60,3 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 9,9%. Điểm đáng lưu ý là dù tăng trưởng theo tuần, nhưng thanh khoản trung bình ngày trên HOSE lại liên tục thụt lùi về cuối tuần.

Tính tổng cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 121 tỷ đồng, đáng chú ý, ngày 17/7 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh,lên tới giá trị gần 98 tỷ đồng. Về phía cổ phiếu được mua ròng, VCI dẫn đầu với giá trị mua ròng gần 209 tỷ đồng, HPG được mua ròng 79 tỷ đồng, PLX được mua ròng 52 tỷ đồng, VCB được mua ròng 38 tỷ đồng...Chiều ngược lại, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất thuộc về HSG với giá trị bán ròng hơn 160 tỷ, tiếp theo đó là SSI bị bán ròng 107 tỷ, KBC bị bán ròng 53 tỷ, CTG bị bán ròng 45 tỷ...

Nhóm cổ phiếu Blue-chip vẫn là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất với GAS, VCB, BID, CTG, MWG, MBB, VNM… đều giảm giá khá mạnh. Nhóm VN30 theo đó cũng không khả quan hơn khi sắc đỏ chiếm ưu thế toàn diện với hơn 23 cổ phiếu giảm giá.

SAB là cái tên nổi bật nhất trong tuần này với mức tăng 7,28% sau buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 17/7, ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, dự kiến trong tháng 7 này các doanh nghiệp sẽ trình phương án thoái vốn lên Bộ. Theo ông Thắng, SAB sẽ có tờ trình thoái vốn lên Bộ Công Thương trước ngày 31/7 này. Dự kiến sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện bán vốn ngay trong năm 2017. Cùng với SAB, đóng góp vào sức tăng của VN-Index còn có QCG, NVL, SBT, LGC...

Trong tuần vừa qua, ngành ngân hàng giảm mạnh nhất với mức giảm lên tới 3,13%, tiếp theo đó là ngành nguyên vật liệu giảm 2,6%, ngành tài chính giảm 1,8%...chỉ có duy nhất ngành tiêu dùng tăng 1,53%.

Cổ phiếu HAR (+30,13%) vẫn đang nối dài chuỗi bứt phá ấn tượng qua 3 tuần liên tiếp. Thông tin Công ty này nhận chuyển nhượng lại 100% cổ phần chào bán của Công ty cổ phần Khu du lịch Đảo San Hô, chủ đầu tư dự án Nha Trang Coral Beach vẫn đang là động lực bứt phá chủ đạo của HAR trong tuần qua. Đáng lưu ý khi HAR cũng đã công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2017 với những kết quả khá tiêu cực. Cụ thể, doanh thu quý II/2017 chỉ đạt 8,4 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 4,6 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 88% và 81% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại P/E của HAR đang ở mức 104,35.

Cổ phiếu HAI (+30,79%) tiếp tục duy trì chuỗi bứt phá ấn tượng trong tuần qua. Việc đại hội cổ đông thường niên của Công ty này thông qua kết quả kinh doanh năm 2017, với những con số ấn tượng vẫn đang là động lực tăng trưởng chủ đạo ở cổ phiếu này. Cụ thể, doanh thu kế hoạch năm 2017 đạt hơn 1.615 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với mức lợi nhuận thực hiện của năm 2016.

Ngược lại, HAX (-20,23%) giảm mạnh trong tuần qua sau khi đón nhận thông tin không mấy tích cực liên quan đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể, dù doanh thu hợp nhất quý II/2017 đạt gần 1.035 tỷ đồng, tăng trưởng 21,3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2017 lại ghi nhận khoản lỗ ròng 7,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu BMP (-16,73%) giảm 11 phiên liên tiếp. Những lo ngại về sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh, cùng hoạt động bán ròng của khối ngoại ở cổ phiếu này được xem là những nguyên nhân chính cho đà lao dốc của cổ phiếu này trong thời gian qua. Đáng chú ý, gần 36,4 triệu cổ phiếu phát hành ngày 13/06/2017 sẽ về tới tài khoản nhà đầu tư. 

Khả năng cao xu hướng tăng trung hạn của thị trường chưa chấm dứt, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường ngân hàng vẫn đang dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Do đó, dòng tiền trong thời gian này có thể chỉ tạm rút khỏi thị trường trong các nhịp điều chỉnh ngắn hạn và có thể trở lại thị trường tại các vùng giá hợp lý, tại các cổ phiếu có yếu tố cơ bản.Vì vậy, trong giai đoạn này vẫn là nắm giữ trong danh mục các cổ phiếu có yếu tố cơ bản và chưa nên vội vàng mua lại khi thị trường chưa có các tín hiệu hồi phục tin cậy.

Tin mới lên