Tài chính

Chứng khoán tuần 20-24/11: Thị trường 'tăng nóng', bất chấp khối ngoại quay đầu bán ròng

(VNF) - Tính lan tỏa của thị trường trong tuần qua đã được minh chứng bởi đà tăng không chỉ dừng lại ở các cổ phiếu lớn, nhiều mã vừa và nhỏ cũng đã nhận được lực cầu và giao dịch khá tốt, đặc biệt trong 2 phiên cuối tuần.

Chứng khoán tuần 20-24/11: Thị trường 'tăng nóng', bất chấp khối ngoại quay đầu bán ròng

Thị trường 'tăng nóng', bất chấp khối ngoại quay đầu bán ròng

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 44,88 điểm lên mức 935,57 điểm tương ứng mức tăng 5,04%, HNX-Index tăng 2,52 điểm lên mức 110,83 điểm tương ứng mức tăng 2,33%, UPCOM-Index tăng 1,12 điểm lên mức 54,1 điểm tương ứng mức tăng 2,11%.

Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt tăng trưởng. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 187,8 triệu đơn vị trên phiên, tăng trưởng 9,46% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 55,6 triệu cổ phiếu trên phiên, tăng 12,17%.

Các ngành trong tuần đều tăng điểm nhờ thị trường chung đang rất hung phấn, dầu khí tăng mạnh nhất với mức tăng 8,65%, dịch vụ tiêu dùng tăng 6,09%, ngân hàng tăng 6,49%, tài chính tăng 5,58%, nguyên vật liệu tăng 1,12%...

Khối ngoại trong tuần

Khối ngoại tuần qua quay trở lại bán ròng, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 213 tỷ đồng, trong khi tuần trước mua ròng mạnh 736,26 tỷ đồng. Dù bán ròng nhưng ảnh hưởng từ khối ngoại không gây nhiều khó khăn cho thị trường, trước sự hưng phấn từ dòng tiền trong nước.

Trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 2,19 triệu đơn vị, tăng 29,59% so với tuần trước. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 165,46 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó mua ròng 472,03 tỷ đồng.

Trong đó, khối này đã mua vào 94,56 triệu đơn vị, giá trị 6.828,43 tỷ đồng (giảm 43,31% về lượng và giảm 61,26% về giá trị so với tuần trước đó) và bán ra 96,75 triệu đơn vị, giá trị 6.993,89 tỷ đồng (giảm 42,58% về lượng và 59,23% về giá trị so với tuần trước).

Trên sàn HOSE, VJC là mã được mua ròng mạnh nhất trong tuần về giá trị đạt 154,36 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,23 triệu đơn vị. Tiếp đó, CTD được mua ròng 138 tỷ đồng (592.520 đơn vị).

Còn xét về khối lượng, SSI là mã dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh với hơn 4,4 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 110,77 tỷ đồng.

Các mã được mua ròng mạnh tiếp đó như VNG (3,14 triệu đơn vị, giá trị 43,96); EIB (1,92 triệu đơn vị, giá trị 23,63 tỷ đồng); VRE (1,81 triệu đơn vị, giá trị 94,78 tỷ đồng)…

Chiều ngược lại, VIC dẫn đầu danh mục về giá trị với hơn 215 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng 2,76 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 là NVL bị bán ròng 196,71 tỷ đồng, tương đương khối lượng 3,27 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, VNM bị nhà đầu tư nước ngoài quay ra bán ròng với khối lượng 412.890 đơn vị, tương ứng tổng giá trị 75,43 tỷ đồng. Ngoài ra, VNM vẫn được khối này sang tay nhau lượng khủng với 19,41 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 3.367,3 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện duy nhất 1 phiên mua ròng ngày 23/11 và 4 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 1,83 triệu đơn vị, trong khi tuần trước mua ròng 1,58 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 48,98 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4,4 lần so với tuần trước (chỉ bán ròng 7,61 tỷ đồng).

Cụ thể, khối này đã mua vào với khối lượng 5,65 triệu đơn vị, giá trị 93,6 tỷ đồng (giảm 18,79% về lượng nhưng tăng nhẹ 3,2% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 7,48 triệu đơn vị, giá trị 142,58 tỷ đồng (tăng 39,26% về lượng và hơn 45% về giá trị so với tuần trước).

Diễn biến thị trường

Tuần giao dịch gần cuối tháng 11 này là tuần tăng điểm mạnh nhất của VN-Index trong hơn 8 năm qua. 

Nhóm cổ phiếu blue-chip vẫn là điểm nóng trên thị trường. Dòng tiền liên tục chảy vào các cổ phiếu trong nhóm với cường độ lớn giúp sự đồng thuận được duy trì qua các phiên. Trong đó, cổ phiếu như VIC, GAS, PLX, VNM,… cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB, CTG, BID, VPB… là những cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt chủ đạo trong các nhịp tăng. 

Về gần cuối tuần, dòng tiền chuyển hướng về các nhóm cổ phiếu còn lại là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Với sự sôi động của dòng tiền, sắc xanh bắt đầu lan tỏa rộng hơn ở những nhóm cổ phiếu này trong những phiên cuối tuần .Trong đó, đỉnh điểm của dòng tiền đầu cơ đến từ sự bứt phá của hàng loạt cổ phiếu như AMD, BCG, DGW, DLG, DXG, OGC...

Phiên cuối tuần, áp lực chốt lời gia tăng và khiến các chỉ số thị trường nhanh chóng xuất hiện các nhịp điều chỉnh với biến động mạnh ngay từ đầu phiên, tâm điểm chốt lời là ở nhóm cổ phiếu blue-chip. 

Tuy vậy, ảnh hưởng của áp lực điều chỉnh lên các chỉ số vẫn không quá lớn khi sự sôi động của dòng tiền vẫn được duy trì tốt, giúp các nhịp hồi phục xuất hiện trở lại và kéo theo sự lan tỏa sắc xanh trên thị trường khi hết phiên.

Cổ phiếu tăng/giảm đáng chú ý

Cổ phiếu PNC của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam tăng 39,64% sau 2 tuần liên tiếp lao dốc bởi thông tin thiếu tích cực đến từ mâu thuẫn kéo dài giữa nhóm cổ đông lớn và nhóm cổ đông nắm quyền điều hành PNC mà đại diện là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đương nhiệm, cổ phiếu này đã có màn lội ngược dòng ngoạn mục.

Cổ phiếu HVG tăng 23.95% trong tuần qua sau khi công ty này đã hoàn tất thương vụ thoái 54% vốn khỏi Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FCM) vào ngày 16/11 vừa qua.

Cùng với đó, bất chấp thị giá cao, SAB của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã bứt tốc và đón nhận 5 phiên tăng mạnh tương ứng mức tăng 13,86%. Như vậy, SAB đã vượt qua những tên tuổi lớn như CTD, VCS, VCF… để leo lên mức giá cao kỷ lục của thị trường với mức giá khủng 318.800 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 24/11).

Cổ phiếu HOT của Công ty cổ phần Du lịch – Dịch vụ Hội An giảm 18,18% trong tuần qua. Sau hơn 1 tháng bất động ở mốc tham chiếu, HOT đã có những phiên khớp vài chục đến 250 đơn vị nhưng đều là những phiên giảm khá sâu, đã đưa giá cổ phiếu này về mức 24.750 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 24/11), với tổng cộng mức giảm hơn 18%.

Được biết, đầu tuần qua Hội đồng quản trị Công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2017. Dù có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tiêu lợi nhuận chưa đạt được kế hoạch đề ra trong quý với số lãi 6,92 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch.

Cổ phiếu C47 giảm 17.44%trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc thoái vốn không thành công 8.96 triệu cổ phần Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Du lịch Khách sạn Hải Âu trong buổi đấu giá IPO cổ phần của khách sạn Hải Âu vào ngày 22/11 vừa qua.

Nhận định tuần tới

Trong giai đoạn gần đây, thị trường đã liên tục có diễn biến tích cực trên cả phương diễn điểm số và thanh khoản. Theo đó, các cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm vốn hóa lớn liên tục thu hút được dòng tiền và luân phiên nhau dẫn dắt chỉ số.

Xét trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, xu hướng tăng trung hạn của chỉ số vẫn được duy trì. 

Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi giá. Chỉ mua vào trong các nhịp điều chỉnh ở giá cổ phiếu, ưu tiên giao dịch cổ phiếu đầu ngành triển vọng tốt và các mã nhóm blue-chip.

Tin mới lên