Tài chính

Chứng khoán tuần 21-25/8: Thanh khoản cải thiện nhờ FLC

(VNF)- Sau phiên đầu tuần sụt giảm mạnh, tâm lý lạc quan của giới đầu tư trở lại vào phiên giữa và cuối tuần khi dòng tiền đầu cơ ăn theo cổ phiếu "họ" FLC bùng nổ.

Chứng khoán tuần 21-25/8: Thanh khoản cải thiện nhờ FLC

Riêng FLC chiếm tới hơn 10% thanh khoản thị trường

Kết thúc phiên tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,66 điểm lên mức 771,63 điểm tương ứng mức tăng 0,35%, HNX tăng 1,81 điểm lên mức 102,64 điểm tương ứng mức tăng 1,8%, UPCOM-Index giảm 0,16 điểm xuống mức 54,35 điểm tương ứng mức giảm 0,29%.

Thanh khoản trên cả hai sàn diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 175,5 triệu đơn vị trên phiên tăng nhẹ 3,91% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 43,5 triệu cổ phiếu trên phiên giảm mạnh 10,25%. Trong đó, nguyên nhân chính khiến thanh khoản cải thiện trên sàn HOSE chính nhờ FLC và FIT, khi 2 cổ phiếu này có thanh khoản cao nhất thị trường, chỉ riêng phiên 24,25/8 cổ phiếu FLC và FIT giao dịch đến gần 100 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch lên đến 1.000 tỷ đồng.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 162 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên HOSE với hơn 150 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 12,9 tỷ đồng.

Phía mua ròng, cổ phiếu HSG được mua ròng mạnh với giá trị đạt 105 tỷ đồng, tiếp theo, SBT được mua ròng 49 tỷ đồng, PLX được mua ròng 43 tỷ đồng...

Còn ở phía bán ròng, nổi bật với SKG bị bán ròng 42 tỷ đồng, HT1 bị bán ròng 43 tỷ đồng, HBC bị bán ròng 39 tỷ đồng...

Với tâm lý thận trọng đeo bám ở tuần trước, tâm lý bán tháo đã nhanh chóng tăng mạnh ngay từ đầu tuần giao dịch. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên diện rộng, kéo theo đà giảm sâu của các chỉ số thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng có tính dẫn dắt thị trường bị bán ra mạnh.

Sau hai phiên giảm điểm mạnh đầu tuần, thị trường đã lấy lại sự ổn định tâm lý trong các phiên giao dịch tiếp theo. Việc VN-Index giảm mạnh và "chạm" mốc hỗ trợ 760 điểm đã thúc đẩy lực mua xuất hiện trở lại. Áp lực bán cũng có sự suy giảm và hỗ trợ không nhỏ cho sự lan tỏa sắc xanh trên thị trường.

Và sau thông tin dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN được công bố, các cổ phiếu nhóm ngân hàng phản ứng tích cực và đã phần nào làm lan tỏa đà tăng ra phần lớn thị trường.

Về cuối tuần, VN-Index lấy lại sắc xanh nhờ FLC và FIT tăng mạnh, dòng tiền đầu cơ liên tục được đẩy vào thị trường. Đáng chú ý, phiên 24/8, FLC được khớp lệnh tới 58 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt gần 500 tỷ đồng. Cùng với đó, nhóm ngân hàng cũng hồi phục đáng kể dẫn dắt thị trường tăng điểm trở lại.

Cổ phiếu ngành công nghiệp tuần này tăng mạnh với mức tăng 2,31%, tiếp theo đó dược phẩm tăng 2,12%, cổ phiếu tài chính tăng 1,26%, dầu khí tăng 1,54%...Trong khi đó, nhóm viễn thông giảm 3,71%, công nghẹ thông tin giảm 0,05%.

Cổ phiếu FLC tăng mạnh 20,53% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ dòng tiền đầu cơ, "ăn" theo hoạt động giao dịch của cổ đông nội bộ khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết thực hiện mua vào 20 triệu cổ phiếu trong thời gian này.

Tương tự, FIT tăng mạnh 19,70% tăng mạnh trong tuần qua khả năng cao đến từ sự sôi động của dòng tiền đầu cơ, khi cổ phiếu này đã ghi nhận chuỗi giảm giá mạnh trong tuần giao dịch trước.

Cổ phiếu TDG tăng 13,49% dù không có thông tin được đưa ra

Cổ phiếu SKG giảm giá mạnh 20,65% khả năng lớn đến từ việc công ty này phải tạm nộp khoản truy thu thuế 57 tỷ đồng cho Chi cục thuế Phú Quốc. Bên cạnh đó, sự sụt giảm liên tiếp trong kết quả kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu này liên tục trượt dốc trong hơn 1 năm qua.

Cổ phiếu HAR giảm 18,77% khi giới đầu tư vẫn đang đẩy mạnh bán ra ở HAR trong tuần qua sau khi cổ phiếu này đã ghi nhận chuỗi tăng ấn tượng trong thời gian dài trước đó.

Cổ phiếu BTT giảm 17,42% dù không có thông tin nào được đưa ra.

Khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng, kèm theo sự trở lại của nhóm ngành dẫn dắt bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, đối với phần còn lại của thị trường, sự cải thiện chưa thực sự rõ nét trong bối cảnh tâm lý thận trọng vẫn hiện hữu.

Do vậy, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao thị trường trong trường hợp các tín hiệu phục hồi chắc chắn hơn được ghi nhận, đồng thời hạn chế việc giải ngân vội vã vào các cổ phiếu có tính thị trường cao trong giai đoạn mà các nhịp điều chỉnh vẫn có thể xảy ra. Các nhà đầu tư cần thận trọng hơn đối với quyết định gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong giai đoạn này song cơ hội vẫn còn hiện hữu đối với một số mã cơ bản tốt.

Tin mới lên