Tài chính

Chứng khoán tuần 30/10-3/11: Khối ngoại mua ròng 1.300 tỷ đồng, VN-Index 'vững vàng' trên 840 điểm

(VNF) - Thị trường đã có một tuần giao dịch với nhiều bậc cảm xúc khi chỉ số VN-Index biến động khá mạnh với những phiên tăng giảm xen kẽ nhau.

Chứng khoán tuần 30/10-3/11: Khối ngoại mua ròng 1.300 tỷ đồng, VN-Index 'vững vàng' trên 840 điểm

Khối ngoại mua ròng 1.300 tỷ đồng, VN-Index 'vững vàng' nằm trên 840 điểm

Kết thúc tuần qua, VN-Index tăng 3,36 điểm lên mức 843,73 điểm tương ứng mức tăng 0,4%, HNX-Index giảm 2,09 xuống mức 104,36 điểm tương ứng mức giảm 1,96%, UPCOM-Index tăng 0,2 điểm lên mức 52,79 điểm tương ứng mức tăng 0,38%.

Thanh khoản trên cả hai sàn cải thiện nhẹ. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 160 triệu đơn vị trên phiên tăng trưởng 7.2% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 44.6 triệu cổ phiếu trên phiên, tăng nhẹ 1.06%.

Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 34,41 triệu đơn vị với tổng giá trị lên tới 1.287,69 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó chỉ mua ròng 433.446 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng nhẹ 8,5 tỷ đồng.

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 30,59 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 1.174,92 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó bán ròng 11,07 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 163,03 tỷ đồng.

Cụ thể, khối này đã mua vào 94,73 triệu đơn vị, giá trị 3.148,63 tỷ đồng (tăng 52,2% về lượng nhưng giảm 34,49% về giá trị so với tuần trước đó) và bán ra 64,14 triệu đơn vị, giá trị 1.973,71 tỷ đồng (giảm 12,5% về lượng và 60,28% về giá trị so với tuần trước).

Với phiên mua thỏa thuận cực lớn trong ngày cuối tuần 3/11, cổ phiếu VIS đã trở thành mã được mua ròng mạnh nhất trong tuần, với khối lượng 14,73 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 377,1 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 là KDH được mua ròng 4,12 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 106,82 tỷ đồng.

Tiếp đó, BID được mua ròng 3,52 triệu đơn vị, giá trị 77,12 tỷ đồng, HAG được mua ròng 3,35 triệu đơn vị, giá trị 26,74 tỷ đồng…

Trái lại, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG về giá trị với 94,25 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2,53 triệu đơn vị.

Tuy nhiên xét về khối lượng, KBC là cổ phiếu dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh với 6,66 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 80,73 tỷ đồng. Tiếp đó, HSG bị bán ròng 3,33 triệu đơn vị, với tổng giá trị 74,88 tỷ đồng.

Về phía nhóm ngành, Ngành tiện tích cộng đồng tăng 2,99%, viễn thông tăng 2,28%, tài chính tăng 1,69%, công nghiệp tăng 1,24%...Chiều ngược lại, dầu khí giảm mạnh 6,33%, dịch vụ tiêu dùng giảm 1,94%, nguyên vật liệu giảm 2,96%...

Thị trường đã chuyển biến theo chiều hướng không mấy khả quan trong tuần qua. Sự lệch pha giữa chỉ số và cổ phiếu tiếp tục duy trì ở mức cao và khiến tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" chiếm ưu thế trên thị trường. Dù đà VN-Index tăng điểm nhưng xu hướng điều chỉnh mới là xu hướng chủ đạo trên thị trường trong tuần qua.

Cổ phiếu VNM cũng là một đại diện đáng chú ý ở nhóm blue-chip trong tuần qua khi thay thế rất tốt vai trò dẫn dắt của ROS trong các phiên giữa tuần. 

Đà tăng trưởng của VNM chủ yếu đến từ thông tin SCIC công bố mức giá khởi điểm chào bán 3.33% cổ phần nắm giữ với mức giá chào mua tối thiểu là 150,000 đ/ cổ phần. Tuy vậy, sức nóng ở cổ phiếu này cũng đã nguội đi về cuối tuần trước sự gia tăng của áp lực chốt lời khi VNM tiến vào vùng đỉnh cao nhất lịch sử của cổ phiếu này.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm lý lo lắng của giới đầu tư đã kích hoạt chuỗi tháo hàng ồ ạt trên thị trường. Sắc đỏ liên tục chiếm ưu thế qua các phiên khi số cổ phiếu giảm giá liên tục đạt mức tối thiểu 2 lần so với số cổ phiếu tăng giá. 

Nổi bật nhất trong làn sóng "tháo hàng" của giới đầu tư đến từ nhóm cổ phiếu đầu cơ có thị giá thấp với các phiên xả hàng mạnh ở nhiều cổ phiếu như HAR, OGC, HQC, AMD, HID, HAI, DHM, TSC, DAH… 

Phiên cuối tuần, thị trường với sự dẫn dắt của ROS vẫn là tác nhân quyết định đến VN-Index. Giúp VN-Index bứt phá mạnh mẽ và tái chiếm trở lại mốc 840 điểm. 

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng trở nên tích cực hơn với sắc xanh lan tỏa. Tuy vậy, đà tăng của thị trường vẫn có phần kém thuyết phục khi dòng tiền vào thị trường lại có sự suy yếu khá nhanh.

Cổ phiếu TIE tăng 39,83 %, dù giao dịch khá hạn chế với lượng khớp vài chục đến vài trăm đơn vị, nhưng cổ phiếu TIE đã tăng trần trong cả tuần, kéo giá cổ phiếu từ mức 5.800 đồng/cổ phiếu lên mức 8.110 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gần 40%.

Đầu tuần qua, Hội đồng quản trị Công ty đã quyết định chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với lô đất rộng 3.755,4 m2 tại Phú Quốc. Đồng thời, giao Tổng giám đốc – người đại diện theo pháp luật của công ty chủ động tìm đối tác, được toàn quyền thay mặt công ty đàm phán, quyết định giá trị chuyển nhượng và ký kết hợp đồng chuyển nhượng sử dụng bất động sản và các thủ tục liên quan.

Giá trị chuyển nhượng bất động sản không được thấp hơn 3 lần giá trị vốn sổ sách được ghi nhận trong báo cáo tài chính gần nhất và không bằng hoặc vượt quá 35% giá trị tài sản của công ty được ghi nhận trên báo cáo tài chính.

FMC tăng 13.07% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ hoạt động thoái vốn của cổ đông lớn khi Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) tiến hành thoái hơn 21.16 triệu cổ phiếu FMC (54.28% vốn) kể từ ngày 07/11 và quyết định tạm ứng cổ tức lần 2/2017 với tỷ lệ chi trả tiền mặt 15%. Ngày đăng ký cuối cùng dự kiến là ngày 22/11/2017 sắp tới.

Cổ phiếu ROS sau hơn 1 tháng ròng rã tăng điểm, hiện tại đã chạm mức 200.000 đồng/cổ phiếu với mức tăng gần 100%. Tuy nhiên, trong tuần qua, ROS đã có màn nhảy múa với những phiên tăng giảm mạnh xen kẽ nhau, kết thúc tuần, ROS tăng 9,23%, đây cũng là một trong những nhân tố chính tạo biến cho chỉ số chung của thị trường.

Cụ thể, với 3 phiên tăng trần và sát trần, cùng 2 phiên giảm sâu, giá cổ phiếu ROS kết tuần tại mức 214.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức tăng 9,23%. Dù biên độ tăng hãm mạnh so với 2 tuần trước, nhưng ROS vẫn có vị thế trong bảng xếp hạng những cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua trên sàn HOSE khi đứng thứ 10.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu tăng nóng một thời tiếp tục giao dịch tiêu cực trong tuần qua. Trong đó, HAI là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần khi bị kéo xuống mức giá 7.470 đồng/cổ phiếu, với tổng mức giảm 22,75%.

Trong tuần qua, ngày 2/11, là ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ 7:4 của HAI, giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, với mức giá bán cao hơn thị giá, nên trong phiên giao dịch không hưởng quyền này, giá HAI không bị điều chỉnh.

Cổ phiếu HAR giảm 21.76%, OGC giảm 19.81%, AMD giảm 15.85% và DHM giảm 15.63%. Trước diễn biến không khả quan của thị trường chứng khoán trong tuần qua, dòng tiền đầu cơ đã gia tăng sự e ngại và kéo theo áp lực thoát hàng diễn ra ồ ạt trên thị trường...

Thị trường đang thay đổi rất mạnh mẽ nhưng chỉ do tác động của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn.

Về cơ bản, trạng thái chung của thị trường rất tiêu cực khi hầu hết các nhóm ngành đều trong xu hướng giảm giá, cá biệt với nhóm tài chính (Chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng) còn tiêu cực hơn mặt bằng chung. Rủi ro toàn phần đã chiếm ưu thế áp đảo đến các chiến lực giao dịch.

Nhà đầu tư cần cẩn trọng và đặt mọi tình huống có thể trong xu hướng giảm giá trung hạn (06 tháng tới).

Tin mới lên