Tài chính quốc tế

Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì cách chống dịch của Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát vì sự xuất hiện của biến thể Omicron. Điều đó giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang gián đoạn nghiêm trọng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì cách chống dịch của Trung Quốc

Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì cách chống dịch của Trung Quốc

Theo Nikkei Asian Review, chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc đã gây áp lực lớn lên các cảng biển của nước này. Những hạn chế nghiêm ngặt cũng làm gián đoạn hoạt động hậu cần toàn cầu và chuỗi cung ứng vốn đang đứt đoạn.

Áp lực gia tăng trong bối cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng ở châu Âu và Mỹ do tình trạng thiếu hụt lao động và nhu cầu tăng mạnh sau đại dịch.

Hôm 22/12, Nhà Trắng khẳng định tình trạng tắc nghẽn đã giảm bớt trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nhiều công ty hậu cần cho biết tắc nghẽn không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Gián đoạn nghiêm trọng

Giá cước vận chuyển đã tăng vọt. Chỉ số Freightos Baltic - theo dõi giá thuê container trên 12 tuyến đường đông đúc nhất thế giới - tăng hơn 550% kể từ đầu năm 2020.

Ông John Chen - Phó chủ tịch khu vực châu Á của nhà cung cấp dịch vụ hậu cầu C.H. Robinson - đã làm việc 15 năm trong ngành. Nhưng ông chưa bao giờ thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài như vậy.

"Chúng tôi là những chuyên gia trong việc đối phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng", ông Chen nói với Nikkei Asian Review.

"Trước đây, mọi thứ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, nhưng giờ chúng đã kéo dài hơn. Ngành công nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu container, tắc nghẽn tại các bến cảng", ông chia sẻ.

Theo ông, điều này có thể kéo dài hơn nữa bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron.

"Quý IV thường là mùa cao điểm của các tuyến đường biển gần châu Á. Nhưng giờ, nó trở thành thời điểm thách thức nhất với chúng tôi", ông Tommy Hsieh - Chủ tịch của công ty vận tải biển Wanhai - nhận xét.

Trước đây, mọi thứ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, nhưng giờ chúng đã kéo dài hơn. Ngành công nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu container, tắc nghẽn tại các bến cảng

Ông John Chen, Phó chủ tịch khu vực châu Á của nhà cung cấp dịch vụ hậu cầu C.H. Robinson

"Tất cả công ty vận tải đều phải tuân theo những quy định mới của Trung Quốc, bao gồm cách ly đối với các thuyền viên người Trung Quốc. Điều đó gây ra nhiều khó khăn", ông thừa nhận.

Nhiều công ty phải chuyển sang vận tải bằng đường hàng không để kịp giao hàng hóa từ châu Á sang các thị trường phương Tây trước kỳ nghỉ lễ.

Một giám đốc điều hành tại nhà cung cấp của Dyson cho biết nhà sản xuất thiết bị gia dụng Anh đã buộc phải vận chuyển các mặt hàng bằng đường hàng không thay vì đường biển do tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng.

"Các vị có thể tin được không? Sản phẩm của Dyson quá lớn và họ chọn vận chuyển bằng đường hàng không, đắt hơn nhiều so với đường biển", vị giám đốc điều hành cảm thán.

"Nhưng họ có thể làm gì hơn? Dyson phải thực hiện các thỏa thuận với những nhà bán lẻ. Họ cũng muốn sản phẩm có mặt trên kệ kịp thời", người này nói thêm.

Lợi nhuận bị xói mòn

Nhưng vận chuyển bằng đường hàng không không phải lựa chọn cho tất cả. Ông Hsu Lung-luen - Chủ tịch nhà cung cấp thẻ đồ họa và bo mạch chủ ASRock - cho biết thời gian giao hàng tới Mỹ sẽ kéo dài từ 3-4 tuần đến 3 tháng. Còn với châu Âu, khoảng thời gian là 5 tuần đến 2-3 tháng.

"Nhưng chúng tôi không thể vận chuyển quá nhiều sản phẩm bằng đường hàng không. Bởi giá vận chuyển đã tăng lên 700 USD/kg. Một bo mạch chủ đã có thể nặng hơn 1 kg", ông chia sẻ.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu càng khiến công ty của ông Hu lao đao. "Chúng tôi không thể lên trước kế hoạch vận chuyển. Bởi chúng tôi cũng thiếu chip, linh kiện và có thể không lắp ráp kịp thành phẩm", ông thừa nhận.

Một nhà quản lý tại Wanhai cho biết các cảng của Trung Quốc đã đưa ra những chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhất thế giới.

Theo vị giám đốc này, nhiều công ty đã bỏ qua một số cảng bốc hàng ở Trung Quốc để đẩy nhanh tốc độ giao hàng tới các cảng phương Tây.

"Việc cập cảng Trung Quốc chắc chắn sẽ làm gián đoạn và chậm lịch trình. Những gì chúng ta có thể làm là loại bỏ một số cảng Trung Quốc", người này chia sẻ.

Nhưng ngay cả các cảng ở bờ Tây nước Mỹ cũng đang tắc nghẽn nghiêm trọng. Nguyên nhân là tình trạng thiếu hụt nhân viên tại cảng, tài xế xe tải và khung container. Điều này đồng nghĩa với việc dỡ hàng tốn nhiều thời gian hơn.

Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát vì sự xuất hiện của biến thể Omicron

Tính đến ngày 15/12, đã có hơn 100 tàu container xếp hàng dọc theo bờ biển chờ cập cảng Los Angeles và cảng Long Beach (Mỹ), theo dữ liệu từ Marine Exchange of Southern California.

"Chúng tôi không cho rằng tình trạng tắc nghẽn, nhất là ở bờ Tây nước Mỹ, sẽ sớm được xoa dịu", người phát ngôn của Wanhai nhận định.

"Nhiều công nhân cũng sẽ được nghỉ trong kỳ nghỉ cuối năm. Điều đó có thể ảnh hưởng đến công suất dỡ hàng", người này nói thêm.

Các công ty vận tải hàng hóa và giám đốc điều hành trong ngành đều cho rằng tình trạng gián đoạn hậu cần sẽ kéo dài sang năm sau.

Đối với các công ty, điều này có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận thấp đi bởi chi phí tăng lên. Ông Doris Hsu - Chủ tịch Globalwafers - cho biết tình trạng tắc nghẽn cảng đang đè nặng lên việc vận chuyển của công ty và đẩy chi phí tăng cao.

"Tình trạng hỗn loạn có thể kéo dài đến giữa năm 2022. Chi phí hậu cần và nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ đẩy chi phí của chúng tôi lên", ông Hsu chia sẻ.

Ông Yancey Hai - Chủ tịch Delta Electronics, nhà cung cấp giải pháp quản lý điện năng của Tesla và Apple - cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

"Cuối cùng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của các công ty", ông cảnh báo.

Tin mới lên