Diễn đàn VNF

Chương trình cải cách năm 2020: 'Chính phủ sẽ làm những thứ chưa từng có tiền lệ'

(VNF) – TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét động thái đầu năm của Chính phủ là rất tích cực với chương trình cải cách mở rộng, phương pháp cải cách mới, cụ thể và tinh thần cải cách mạnh mẽ. Nếu giữ được tinh thần này và chương trình cải cách được thực thi một cách triệt để thì kết quả năm nay được kỳ vọng sẽ rất tốt.

Chương trình cải cách năm 2020: 'Chính phủ sẽ làm những thứ chưa từng có tiền lệ'

TS Phan Đức Hiếu

TS Phan Đức Hiếu cho biết ngay từ đầu năm, các động thái của Chính phủ đã tỏ ra rất khác so với mọi năm. Những biểu hiện “rất khác” này nằm ở chương trình cải cách và phương pháp cải cách.

Chính phủ không đợi các bộ ngành nữa

Theo ông Hiếu, mọi năm, sau khi ban hành Nghị quyết 02 (về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020), Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị phát động toàn quốc.

Năm nay, Chính phủ không phát động nhưng ngay sau Tết dương lịch, Chính phủ đã có 3 cuộc họp quan trọng.

Cuộc họp gần đây nhất là ngày 6/1/2020 thảo luận về 2 chỉ số: khởi sự kinh doanh và tiếp cận điện năng. Đây là 2 chỉ số quan trọng, vừa có nhiều dư địa cải cách vừa có tác động rất lớn đến nền kinh tế.

“Mặc dù Nghị quyết 02 đã đưa ra các giải pháp cải cách nhưng cuộc họp lần này bàn thảo những giải pháp chi tiết hơn, thiết thực hơn để tạo ra sự cải cách tích cực, đồng thời đưa ra những áp lực mạnh hơn về thời gian. Cuộc họp hôm mùng 6 thậm chí còn bàn luận nếu phải thay đổi thể chế thì thay đổi cái gì, điều khoản gì, thay như thế nào…”, ông Hiếu thông tin.

Nhưng điều làm ông Hiếu cảm thấy tốt hơn mọi thứ là dự kiến lần này, Chính phủ sẽ chủ động thực thi cải cách chứ không đợi các bộ ngành nữa.

“Chúng ta biết Nghị quyết 02 giao bộ ngành thực thi các biện pháp, nhưng những kết quả trong các năm qua cho thấy rằng, nếu để các bộ sửa và trình Chính phủ thì không hiệu quả. Lần này, Chính phủ dự kiến trong khi chờ các bộ bãi bỏ thông tư thì Chính phủ - bằng thẩm quyền của Thủ tướng – sẽ ra quyết định bãi bỏ và quyết định đó có hiệu lực thi hành ngay.

“Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Tôi nhấn mạnh rằng đây là biện pháp rất quyết liệt, rất khác với trước đây. Trước đây, cứ ban hành nghị quyết, rồi có cơ quan theo dõi, đôn đốc thực hiện, rồi cử các đoàn công tác… Nhưng rõ ràng các cơ quan đó chỉ dừng ở việc đôn đốc thôi, còn lần này Chính phủ đã chủ động, thực hiện cải cách ngay nếu các bộ chậm trễ. Điều đó cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ đang biến thành hành động”, ông Hiếu bình luận.

Chương trình cải cách đã được mở rộng

Một động thái rất đáng chú ý ngay từ đầu năm của Chính phủ là thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Tổ công tác này do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trường.

Đánh giá về việc lập tổ công tác đặc biệt, ông Hiếu cho rằng không nên e ngại Chính phủ có quá nhiều tổ công tác. “Có thể có sự trùng lặp nào đó, nhưng nhiều tổ vẫn sẽ tốt vì tạo ra sự bổ sung cho nhau, thúc đẩy cải cách”.

Ông Hiếu cho hay tổ công tác đặc biệt có mấy điểm đáng chú ý, đặc biệt là đưa ra chương trình cải cách sâu rộng hơn cả so với các cải cách hiện nay.

“Cải cách hiện hành đang tập trung vào 5 nhóm: 10 thủ tục theo chỉ số môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy Chính phủ điện tử, cải cách kiểm tra chuyên ngành.

“5 nhóm này rất căn cơ, nhưng lần này cải cách của Chính phủ còn  bao trùm hơn, mở rộng hơn. Ngoài 5 nhóm trên, Chính phủ còn xem xét các quy định khác đang gây cản trở cho quá trình thực thi. Lần này, Chính phủ sẽ rà soát toàn bộ quy định pháp luật, bất kể dưới hình thức gì, chỉ cần gây ra rào cản cho sản xuất kinh doanh thì đều bãi bỏ”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, giải pháp này của Chính phủ mang tính quyết liệt, bởi trước đây các bộ luôn đấu tranh một quy định có phải là điều kiện kinh doanh không, nếu không phải thì dù quy định đó đang gây cản trở, các bộ cũng không cắt bỏ. Còn giờ thì không cần tranh cãi gì nữa, cứ cản trở là cắt bỏ. “Đây là nấc thang mới, toàn diện, có tác động trực tiếp”.

Cần áp dụng phương pháp một nghị định hướng dẫn nhiều luật

Ông Hiếu cho biết hiện đang tồn tại tình trạng cát cứ trong xây dựng pháp luật. Để tránh tình trạng này, trong chừng mực nào đấy, các bộ vẫn có thể tham mưu xây dựng các luật nhưng xây dựng nghị định thì phải chấm dứt.

“Nếu một luật giao cho một bộ xây dựng, rồi lại giao bộ đó xây dựng nghị định để hướng  dẫn luật thì không bao giờ giải quyết được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, dù có rà soát cũng không giải quyết được”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ông Hiếu nói trong một cuộc họp, ông đã đề nghị Chính phủ áp dụng phương pháp dùng một nghị định để hướng dẫn nhiều luật. Ví dụ các luật Xây dựng – Nhà ở - Kinh doanh bất động sản – Đất đai… có liên quan đến nhau thì chỉ dùng một nghị định để hướng dẫn nhóm luật này.

Việc dùng một nghị định hướng dẫn nhiều luật sẽ giúp giảm được số lượng văn bản. “Số lượng là điều quan trọng, bởi càng nhiều văn bản thì nguy cơ chồng chéo càng lớn. Nếu không chồng chéo thì cũng phân tán đầu mối. Cùng một vấn đề, doanh nghiệp phải chạy nhiều nơi”, ông Hiếu phân tích và cho rằng việc giảm bớt số lượng văn bản cũng có ý nghĩa giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí tìm hiểu pháp luật.

Vị viện phó của CIEM cũng cho biết thêm trong lần cải cách này, vai trò của các cơ quan theo dõi đã có thay đổi. “Không chỉ đơn thuần là ông đứng nhìn và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng. Bây giờ ông cũng là người làm, hỗ trợ chuyên môn, đưa ra cải cách và áp đặt xuống. Mục tiêu thực sự của cải cách không phải là xem ai làm tốt, ai làm chưa tốt mà là đảm bảo cải cách được thực thi, có tác động”.

“Tinh thần cải cách của Chính phủ là: cải cách  không phải vì World Bank xếp hạng mà vì lợi ích quốc gia. Chính phủ lấy tinh thần cải cách của World Bank để thực thi cải cách cho đất nước, vì sự phát triển của đất nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin mới lên