Thị trường

Chuyển biến trên thị trường kính xây dựng: Hưởng lợi trong nghịch cảnh

(VNF) - Kính tiết kiệm năng lượng đang được xem là quân bài giúp doanh nghiệp sản xuất kính Việt Nam đối diện với giai đoạn tới.

Chuyển biến trên thị trường kính xây dựng: Hưởng lợi trong nghịch cảnh

Sản lượng kính tại thị trường Việt Nam hiện nay đạt khoảng 4.190 tấn/ngày, tương đương 252,5 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm.

Hưởng lợi trong nghịch cảnh

Trong mấy chục năm qua, thị trường kính xây dựng Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình 10% – 15%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở đi, thị trường bắt đầu chững lại, do sự đi xuống của thị trường bất động sản và sau đó là dịch bệnh Covid-19. Ước tính, cầu thị trường trong năm 2021 giảm tới 30% so với năm trước. Dù vậy, nhìn ở khía cạnh khác, doanh nghiệp sản xuất kính nội địa lại được hưởng lợi do kính nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN không về ồ ạt như trước, vì vướng nhiều quy định phòng dịch lẫn chi phí logistics lên cao. Điều này dẫn tới 2021 lại là năm kinh doanh rất thành công của doanh nghiệp kính nội địa.

Xét về sản xuất, thị trường kính xây dựng Việt Nam khá “cô đặc” khi chỉ có khoảng 5 công ty. Các nhà máy có tiếng về kính gồm: Kính nổi Viglacera (Bình Dương), Kính siêu trắng Phú Mỹ (Vũng Tàu), Kính Việt Nhật (Bắc Ninh) và Kính Chu Lai (Ninh Bình). Riêng nhà máy kính Chu Lai (Quảng Nam) đã dừng để sửa chữa nguội 2 năm nay, dự kiến phải tới cuối năm 2022 mới có thể khởi động lại.

Trong 5 công ty sản xuất kính, Tổng công ty Viglacera – CTCP (HoSE: VGC) là đơn vị có thị phần lớn nhất, sở hữu và góp vốn vào ít nhất 3 công ty khác. Từ năm 2015 đến nay, doanh thu bán kính, gương của VGC chưa bao giờ dưới 800 tỷ đồng/năm. Năm 2021 là đỉnh cao doanh thu về bán kính, gương của công ty này, đạt 1.670 tỷ đồng, tăng trưởng 89% so với năm trước và cao hơn “đỉnh” cũ tới 27% (năm 2017: 1.311 tỷ đồng). Biên lãi gộp mảng kính, gương năm 2021 đạt 27,6%.

Ba tháng đầu năm 2022, doanh thu kính, gương của VGC vẫn trên đà tăng trưởng, đạt 859 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp đạt tới 39%. Đây có thể xem là quý đỉnh cao về kính, gương của VGC khi doanh thu quý này còn lớn hơn doanh thu mảng kính, gương của cả năm 2016 và chỉ kém vài chục % so với doanh thu mảng kính, gương các năm 2015, 2018, 2019, 2020.

Cục diện mới

Tuy nhiên, ngày vui không phải bất tận. Sau một năm thành công về kinh doanh, các doanh nghiệp kính nội địa bắt đầu phải lo lắng khi thị trường đang phát đi những tín hiệu khó khăn, như sự ít ỏi của các dự án bất động sản, giá nguyên vật liệu lên cao, sự trở lại của kính nhập khẩu… Đặc biệt, sản phẩm kính nhập khẩu từ ASEAN, vốn được miễn thuế, đang tạo ra sức ép không nhỏ về giá bán lên các nhà sản xuất kính nội địa. Một cuộc tranh đua lại được tái khởi động, trọng tâm là giá cả.

Để giành và giữ thị phần, doanh nghiệp kính nội địa không có cách nào khác là phải tiết giảm chi phí, tổ chức lại hệ thống phân phối, đa dạng hóa kênh bán hàng, đưa ra chính sách hấp dẫn hơn cho người mua…

Với doanh nghiệp đầu ngành như VGC, bên cạnh khâu quản trị, doanh nghiệp này còn có trong tay một quân bài khác, đó là sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng. Về bản chất, kính tiết kiệm năng lượng là kính trắng được phủ lên bề mặt nhiều lớp phủ đặc biệt, các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có thể giúp hạn chế mức tăng nhiệt từ mặt trời, cải thiện đáng kể khả năng cách nhiệt và cản nhiệt của kính, ngăn chặn các tia UV gây hại lên đến 99% và cho phép tối đa hóa ánh sáng tự nhiên vào nhà. VGC hiện có nhà máy tại Bình Dương, được đầu tư công nghệ của Đức, là nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á sản xuất kính tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ phủ mềm với công suất thiết kế 5 triệu m2/năm, trong đó giai đoạn I công suất 2,3 triệu m2/năm.

2 dòng sản phẩm tiêu biểu của kính tiết kiệm năng lượng VGC là kính phát xạ thấp Low-E và kính kiểm soát năng lượng mặt trời Solar Control. Các sản phẩm này có cấu trúc điển hình gồm từ 5 đến 8 lớp phủ. Đơn cử, kính Solar Control được phủ các lớp hợp kim Niken, Crom, Titan và các lớp phủ Ceramic giúp ngăn chặn hầu hết nhiệt từ mặt trời truyền qua kính. Nhờ đó lượng nhiệt vào nhà giảm đi đáng kể, giúp cho không gian bên trong nhà luôn mát mẻ.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa kính Solar Control và kính Low E là sự hiện diện của lớp bạc nguyên chất, trong hệ thống cấu trúc lớp phủ. Bạc là một loại vật liệu phát xạ thấp, có khả năng phản xạ cao nhiệt hồng ngoại nên kính Low-E có tính năng chống thất thoát nhiệt giữa hai môi trường rất tốt. Vào mùa đông, kính Low-E không cho phép nhiệt thoát từ bên trong nhà ra ngoài. Do đó, ngôi nhà luôn được giữ ấm.

Chuyên gia của VGC cho rằng kính tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng của thị trường kính xây dựng hiện nay. Dù có giá cao gấp đôi kính trắng song do cầu thị trường đang theo hướng cao cấp hóa, dòng sản phẩm này sẽ giúp VGC đi vững trong giai đoạn tới, vốn được nhìn nhận là sẽ khó khăn hơn khá nhiều so với năm qua.

Đây cũng là hướng đi được VGC xác định trong báo cáo thường niên: nghiên cứu phát triển các sản phẩm kính cao cấp, kính sử dụng làm phôi cho sản xuất pin năng lượng mặt trời và các sản phẩm kính gia công chất lượng cao, gương nano. Đáng chú ý, VGC sẽ nghiên cứu và đầu tư nhà máy kính nổi siêu trắng giai đoạn 2, nhà máy kính cán siêu trắng, nhà máy kính tiết kiệm năng lượng và nhà máy gia công kính tiết kiệm năng lượng mặt trời.

Tin mới lên