Diễn đàn VNF

Chuyển đổi số: Đông lực cho nông nghiệp vượt ngưỡng tăng trưởng

(VNF) - Xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, ngành nông nghiệp Việt Nam năm qua lập kỷ lục khi thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn cần có lời giải cho những thách thức trong năm 2023.

Mức tăng GDP cao nhất trong nhiều năm

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%), thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

Ngành nông nghiệp “có tin vui” trong năm vừa qua cho thấy chuyển biến thực tiễn từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” thành “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Nổi bật là chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Đồng thời khai thác tốt ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng.

Mô hình từ trang trại cho tới bàn ăn giúp người tiêu dùng kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất thực phẩm – Ứng dụng của chuyển đổi số hoạt động Marketing

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tiếp tục duy trì điểm sáng năm qua, ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu năm 2023 tăng trưởng  đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%...

Đối mặt nỗi lo “chạm ngưỡng”

Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tuy có tin vui trong năm 2022, nhưng biến đổi khí hậu toàn cầu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới ngày càng khó đoán định.

Việt Nam là một nước thường xuyên bị tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khiến nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những mối lo về việc nước biển dâng cao gây ngập lụt ở các đồng bằng, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên hay các đợt rét đậm ở Bắc Trung Bộ sẽ vẫn luôn là mối quan ngại.

Nhận định năm 2023 sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành nông nghiệp vẫn một số tồn tại như: tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ còn ít; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu nhập cho lao động nông nghiệp chưa cao.

Đặt ra vấn đề “Cần làm gì?” để không phải “chạm ngưỡng” tăng trưởng trong năm 2023, thực sự như một nỗi trăn trở với ngành nông nghiệp trong tương lai. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn nhận được góp ý cho lời giải bài toán: làm gì để đơn giản mà tốt hơn; làm gì để tiết giảm chi phí; làm gì để các đơn vị sẵn sàng hợp tác và đi cùng nhau?...

Chuyển đổi số nông nghiệp “từ trang trại đến bàn ăn”

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, các giải pháp số và đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong quản lý vận hành từ trang trại đến thành phẩm vẫn đang là hạn chế của ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm bớt được nhiều gánh nặng”.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoàng Hiệp

Mặc dù hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, tuy nhiên, theo TS Hiệp đây vẫn chưa phải là chiến lược dài hạn và còn manh mún. Bởi vậy, nông nghiệp Việt Nam thu hút chưa đến 1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi mức trung bình trên thế giới vào khoảng 3%. Số lượng nhà đầu tư cũng chưa nhiều, trong đó các nước như Đài Loan, quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan đã chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp.

Ở Việt Nam, 85% - 90% lượng hàng nông sản của nước ta đưa ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Bởi vậy, việc bị bán giá thấp, bị o ép vẫn là những câu chuyện thường ngày đối với hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu. Đó là chưa kể tới rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật…

Duy trì tăng trưởng cần thiết phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, việc đầu tiên phải xem xét tầm quan trọng về mô hình chuyển đổi ngành nông nghiệp của nước ta, đồng thời xác định mục tiêu chuyển đổi số, TS Hiệp cho biết.

Mục tiêu chính là phải phân tích được năng lực sản xuất nông nghiệp hiện tại từ đó mới đề xuất các giải pháp số hóa ngành phù hợp theo từng lĩnh vực. Đồng thời xác định định hướng trong quá trình chuyển đổi số và triển vọng ứng dụng công nghệ mới trong tương lai.

Cũng theo TS Hiệp, đối với bản thân doanh nghiệp, phải đặt kỳ vọng thực hiện được thì mới biết cách chuyển đổi số tốt nhất. Nếu chuyển đổi tốt sẽ tích hợp được các dữ liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc… Lãnh đạo doanh nghiệp phải xác định công nghệ được chọn là cầu nối và thậm chí thay đổi nhiều đặc điểm, thói quen cơ bản.

Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi cả quá trình giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông mới nhất, công nghệ mới nhất, quá trình lập kế hoạch, giám sát sản xuất với sự trợ giúp của giải pháp phần mềm như ERP, MES, PLM, Robotic…

Trong đó yếu tố năng lực cá nhân của nhà lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn đến việc chỉ đạo, khuyến khích và kiểm soát cấp dưới để đạt được mục tiêu đề ra và vai trò quyết định việc thực hiện chuyển đổi số là một bước đi quan trọng cho chiến lược phát triển bền vững.

Kỳ vọng kết quả thu được từ chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ là: thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để tạo, lập lịch, tổng hợp các luồng dữ liệu để tạo ra chuỗi sản xuất từ sản xuất nông nghiệp tiêu dùng với hội nhập quốc tế sâu rộng và các lĩnh vực của nền kinh tế số

Thứ hai, canh tác chính xác, tích cực sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tăng lao động, năng suất

Thứ ba, tích hợp các luồng dữ liệu từ nhà sản xuất nuôi trồng đến cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo kế hoạch trong ngành và khả năng cung cấp

Thứ tư, đảm bảo truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp (thẻ, chip, mã số, số nhận dạng, công nghệ, thiết bị, hệ thống) và cung cấp truy cập các nền tảng kỹ thuật mở khác nhau

Thứ năm, cung cấp các gói công nghệ giải pháp cho cá nhân và các bên tham gia vào thị trường, triển khai các nền tảng giao dịch trực tuyến và hệ thống quảng bá sản phẩm nông nghiệp

Tin mới lên