Tài chính

Chuyển động mới ở Bản Việt

(VNF) – Đang diễn ra những chuyển động mới ở Bản Việt, cho thấy Bản Việt của hiện tại không còn muốn ẩn mình trong "vùng trời cũ".

Chuyển động mới ở Bản Việt

Bản Việt đang không còn muốn ẩn mình trong "vùng trời cũ"

Cơ ngơi 200 triệu USD

Chứng khoán Bản Việt, một trong những cơ ngơi mang thương hiệu Bản Việt của Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng, dự kiến sẽ "sải cánh" trên sàn chứng khoán vào quý III/2017 với giá trị định giá ước tính khoảng 200 triệu USD, theo thông tin từ một bản tin mới đây của Chứng khoán HSC.

200 triệu USD cho một công ty chứng khoán thành lập khá muộn vào năm 2007 là mức định giá hẳn khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, bởi mức định giá này thậm chí còn cao hơn "ông lớn" kì cựu HSC khoảng 20 triệu USD dù vốn chủ sở hữu của Chứng khoán Bản Việt chỉ ở mức 1.276 tỷ đồng, bằng phân nửa HSC. Lý do, phần nhiều là xuất phát từ lợi nhuận và triển vọng lợi nhuận của Chứng khoán Bản Việt hiện đang lớn hơn đáng kể HSC.

Tính riêng trong năm 2016, lãi trước thuế của Chứng khoán Bản Việt đã cao hơn 30 tỷ đồng so với HSC, 415 tỷ so với 385 tỷ, và chỉ chịu thua SSI và TCBS. Trong khi lợi nhuận HSC có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, từ mức 481 tỷ đồng của năm 2014 xuống còn 271 tỷ đồng trong năm 2015 và tăng nhẹ lên 384 tỷ đồng vào năm 2016, thì lợi nhuận của Chứng khoán Bản Việt lại tăng gấp 2,2 lần, từ mức 183 tỷ đồng của năm 2014 lên 415 tỷ đồng vào năm 2016.

Khoảng 3 tháng trở lại đây, mức giá đặt mua cổ phiếu của Chứng khoán Bản Việt trên thị trường OTC bỗng nhiên liên tục tăng, đến nay đã tăng khoảng gần 50%, lên trên 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức định giá khoảng 200 triệu USD cho toàn bộ cổ phiếu của Chứng khoán Bản Việt.

Chứng khoán Bản Việt

Chứng khoán Bản Việt của Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng sẽ "sải cánh" trên sàn chứng khoán với giá trị định giá ước tính 200 triệu USD

Mặc dù mức giá cổ phiếu trên thị trường OTC không phản ánh một cách tương đối đầy đủ và chính xác giá trị thực của cổ phiếu trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán do thanh khoản thị trường này tương đối thấp, dễ thiết lập mặt bằng giá mới, nhưng phần nào cũng cho thấy "quyết tâm" ấn định giá trị định giá 200 triệu USD cho Chứng khoán Bản Việt trước khi lên sàn.

Cơ ngơi 200 triệu USD của một doanh nghiệp mang thương hiệu Bản Việt, mang logo biểu tượng hình phượng hoàng, đặc biệt thay, phần lớn lại không nằm trực tiếp trong tay Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng.

Theo báo cáo quản trị năm 2015, bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT chỉ nắm vỏn vẹn 8,97% cổ phần của Chứng khoán Bản Việt. Ngân hàng TMCP Bản Việt, từ chỗ là cổ đông lớn nắm trong tay 10,96% cổ phần vào năm 2013, đến hết năm 2015 đã không còn sở hữu cổ phiếu nào. Trong khi đó, vợ chồng Tổng Giám đốc Tô Hải lại nắm trong tay tới trên 30% cổ phần của Chứng khoán Bản Việt.

Vùng trời mới

Trước nay, Chứng khoán Bản Việt cũng như các doanh nghiệp mang thương hiệu Bản Việt khác, được biết đến là khá kín tiếng. Điển hình như hồi Masan bất ngờ thâu tóm thành công mỏ Núi Pháo từ tay Dragon Capital vào năm 2010, giới tài chính rộ lên tin Chứng khoán Bản Việt là đơn vị tư vấn cho Masan trong thương vụ này, nhưng rốt cuộc không có bên liên quan nào chính thức xác nhận thông tin.

Hay như thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, dù có nhiều đồn đoán rằng Chứng khoán Bản Việt là đơn vị tư vấn thương vụ này, nhưng không có thông tin chính thức nào được các bên đưa ra, dù là có hay là không.

Ngân hàng Bản Việt

Bản Việt sắp tới sẽ ra mắt công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, theo thông tin mới nhất từ Tạp chí Forbes

Một số thương vụ khác như IPO và niêm yết Masan, IPO PV GAS, thương vụ bán Big C, tư vấn phát hành cho Vietjet, đặc biệt là thương vụ cổ phần hóa Mobifone, dù đều là những thương vụ rất lớn, nhưng cái tên Chứng khoán Bản Việt không được đề cập một cách rầm rộ, thậm chí nhiều trường hợp có thể coi là âm thầm, kín tiếng.

Lên sàn, nghĩa là Chứng khoán Bản Việt đã không còn muốn ẩn mình trong "vùng trời cũ", có thể vì thời điểm giờ đã khác xưa nên Bản Việt cũng phải thay đổi, có thể vì "sải cánh" của một Chứng khoán Bản Việt 200 triệu USD, hay rộng hơn là "sải cánh" của nhóm công ty mang thương hiệu Bản Việt, giờ đây cần thiết phải được vẫy vùng trong "vùng trời mới" rộng lớn hơn.

Với khởi đầu ở Chứng khoán Bản Việt, cộng với xu hướng ngân hàng lên sàn và bắt buộc phải lên sàn ngày càng mạnh mẽ hơn, Ngân hàng Bản Việt – một trong những nhà băng kín tiếng nhất Việt Nam cũng sẽ lên sàn chứng khoán vào một ngày không xa?

Dấu hỏi trên cần thời gian để trả lời. Nhưng trước mắt, theo thông tin từ Tạp chí Forbes, Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng sẽ tìm "vùng trời mới" ở một lĩnh vực mới với sự ra mắt sắp tới của công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng mang thương hiệu Bản Việt. Nhiều khả năng, công ty tài chính tiêu dùng này sẽ trực thuộc Ngân hàng Bản Việt.

Tin mới lên