Ngân hàng

Chuyển động quyền lực tại các ngân hàng trước ngày lên sàn

(VNF) – Đang diễn ra những chuyển động về quyền lực rất đáng chú ý tại nhiều ngân hàng trước ngày lên sàn chứng khoán.

Chuyển động quyền lực tại các ngân hàng trước ngày lên sàn

Cán cân quyền lực tại Techcombank liệu có thay đổi khi HSBC thoái vốn?

Mấy năm gần đây, năm nào cũng có đến vài ngân hàng đặt lên bàn đại hội đồng cổ đông kế hoạch lên sàn chứng khoán, nhưng khi thì ngập ngừng không dứt khoát, lúc lại lo sợ thời điểm không thuận lợi, có ngân hàng còn gặp biến cố lớn khi rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, kế hoạch lên sàn của những "ông trùm tài chính" theo đó liên tục đổ bể.

Tuy nhiên, năm 2017 là một năm rất khác.

Ngày 9/1/2017, nghĩa là chỉ một tuần sau Tết Dương lịch, hơn 564 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.000 đồng/cổ phiếu.

Đến nay, sau nửa năm chào sàn, cổ phiếu VIB đã tăng tới trên 30%, đạt 22.800 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7.

Tiếp bước VIB, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng chính thức lên sàn UPCoM vào ngày 29/6 với mã chứng khoán KLB. Tính đến hết ngày 12/7, giá mỗi cổ phiếu KLB giữ ở mức 10.800 đồng, cao hơn mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.

2 ngân hàng lên sàn thành công chỉ trong nửa đầu năm 2017 đã có thể coi là bước tiến không nhỏ trong hành trình lên sàn chứng khoán của các ngân hàng theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, nếu so với tình trạng trì trệ trước kia. Nhưng không chỉ có vậy.

Cũng như vài năm trước, năm nay cũng có nhiều ngân hàng trình lên đại hội đồng cổ đông kế hoạch lên sàn UPCoM, những cái tên tiêu biểu có thể kể đến như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), hay Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).

Thế nhưng, khác với mọi năm, tại các ngân hàng có kế hoạch lên sàn kể trên đều đang diễn ra những biến động quyền lực đáng chú ý, cho thấy ngày lên sàn của các ngân hàng này đang cận kề hơn bao giờ hết.

Trước tiên có thể kể đến VPBank. Chỉ trong ngày 7/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận được đồng thời 3 thông báo giao dịch cổ phiếu của 3 người có liên quan đến Phó Chủ tịch VPBank Lô Bằng Giang.

Cụ thể, bà Nguyễn Thu Thuỷ - vợ ông Giang đăng ký nhận quyền sở hữu hơn 46,54 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 3,49% vốn điều lệ ngân hàng này. Giao dịch thực hiện thông qua thỏa thuận nội bộ.

Tương tự, bà Lô Hải Yến Ngọc – chị của ông Giang đăng ký nhận quyền sở hữu trên 44 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3,3% vốn điều lệ. Đồng thời, bà Lý Thị Thu Hà – mẹ của ông Giang cũng thực hiện nhận quyền sở hữu 21,24 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 1,59% vốn điều lệ.

Tính ra, tổng số cổ phiếu mà người nhà Phó Chủ tịch HĐQT Lô Bằng Giang đăng ký nhận quyền sở hữu trong đợt này lên đến 111,78 triệu cổ phiếu, tương đương 8,38% vốn điều lệ VPBank.

Nếu tính cả 1,4 triệu cổ phiếu ông Giang trực tiếp nắm giữ, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại VPBank lên đến trên 8,5%. Cũng có nghĩa, ông Giang hiện nắm trong tay quyền cổ đông lớn tại VPBank.

Trước đó, bà Kim Ngọc Cẩm Ly - vợ Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân đã nhận chuyển nhượng 290.992 cổ phiếu, qua đó nâng sở hữu tại VPBank lên hơn 46,4 triệu cổ phiếu, tương đương 4,311% vốn điều lệ.

Được biết, bản thân ông Quân hiên đang trực tiếp sở hữu hơn 26,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,502%.

Như vậy, vợ chồng Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân hiện sở hữu tổng cộng trên 6,8% vốn điều lệ VPBank, nghĩa là cũng nắm quyền cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Biến động quyền lực tại VPBank có thể chưa dứt khi tính đến 31/12/2016, Thành viên Ban kiểm soát Nguyễn Thị Mai Trinh đã nắm 4,52% vốn điều lệ VPBank; Chủ tịch Ngô Chí Dũng nắm 4,126%; Trưởng Ban Kiểm soát Nguyễn Quỳnh Anh nắm 3,62%. Với lượng cổ phần như trên, các cá nhân này tương đối dễ dàng nâng sở hữu lên trên 5%, qua đó trở thành cổ đông lớn của VPBank.

VPBank

Cán cân quyền lực tại VPBank đang thay đổi từng ngày

Nếu như những chuyển động tại VPBank chủ yếu liên quan đến sở hữu thì chuyển động tại LienVietPostBank vừa liên quan đến sở hữu, lại vừa liên quan đến vấn đề nhân sự.

Sau khi ông Dương Công Minh rời chức Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank để sang Sacombank, chiếc ghế Chủ tịch đã được nhường lại cho ông Nguyễn Đức Hưởng.

Trong một diễn biến mới đây, ông Nguyễn Hoàng Duy – con trai của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hưởng đã đăng ký mua vào thêm 3.000.000 cổ phiếu LienVietPostBank. Sau khi chính thức kết thúc giao dịch vào ngày 17/7 tới đây, ông Nguyễn Hoàng Duy sẽ nắm 4.412.000 cổ phiếu LienVietPostBank, chiếm 0,68% vốn điều lệ.

Được biết, hiện ông Nguyễn Đức Hưởng đang nắm giữ 32.005.200 cổ phiếu LienVietPostBank, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 4,95%.

Như vậy, tổng số cổ phiếu mà ông Nguyễn Đức Hưởng cùng con trai trực tiếp sở hữu tại LienVietPostBank dự kiến sẽ được nâng lên 36.117.200 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu 5,63%, qua đó nắm quyền cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Cùng với động thái của ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Cử - người đang sở hữu 9.484.000 cổ phiếu LienVietPostBank cũng có động thái đáng chú ý khi con gái của ông này đã đăng ký mua vào thêm 3.000.000 cổ phiếu, dự kiến nâng tổng sở hữu của cha con ông Nguyễn Đức Cử lên mức 13.833.480 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 2,14%.

Song song, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký mua vào thêm 2.000.000 cổ phiếu, dự kiến nâng sở hữu tại ngân hàng lên 4,62%.

Cùng đợt, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký mua vào thêm 2.000.000 cổ phiếu LienVietPostBannk, dự kiến nâng sở hữu lên 2,13%.

Minh Him Lam Hưởng Liên Việt

Sau khi thế chỗ ông Dương Công Minh để làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng sắp tới sẽ nắm quyền cổ đông lớn tại ngân hàng này

Với Techcombank, dù Masan vẫn là cổ đông lớn chi phối quyền lực nhưng trước ngày lên sàn, tại ngân hàng này đang diễn ra chuyển động rất đáng chú ý khi HSBC đã quyết định bán toàn bộ 172 triệu cổ phiếu của Techcombank.

Giới đầu tư cho rằng, quyết định bất ngờ của HSBC xuất phát từ việc ngân hàng này muốn dồn lực tập trung cho mặt trận kinh doanh riêng, cộng thêm với việc nhiều năm nay Techcombank vẫn liên tục duy trì chiến lược không chia cổ tức.

HSBC thoái vốn là cơ hội lớn cho nhiều "đại gia" muốn nhảy vào lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là với ngân hàng tiềm năng như Techcombank. Cán cân quyền lực tại một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có lợi nhuận cao nhất hệ thống đang phát đi những tín hiệu thay đổi.

Trong khi đó, tại Maritime Bank mặc dù không diễn ra chuyển động lớn trong cơ cấu sở hữu, nhưng đang có những tín hiệu đáng chú ý liên quan đến câu chuyện sở hữu chéo. Ở một diễn biến gần đây, Maritime Bank đã thực hiện chuyển nhượng hơn 81,3 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tương đương 4,75% vốn cho Công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam.

Được biết, Công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam trực thuộc Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam. Hiện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - vợ của Chủ tịch HĐQT Maritime Bank Trần Anh Tuấn – đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TNG Holdings. Bà Hường cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng sáng lập MaritimeBank.

Tin mới lên