Tài chính tiêu dùng

Chuyên gia: 'Cần ngồi lại để giải quyết vụ tăng phí tin nhắn SMS ngân hàng'

(VNF) - Phí SMS banking và chất lượng dịch vụ SMS brandname là 2 vấn đề mà các tổ chức tín dụng như ngân hàng phải thương thảo và tìm ra hướng giải quyết cùng với các doanh nghiệp viễn thông.

Chuyên gia: 'Cần ngồi lại để giải quyết vụ tăng phí tin nhắn SMS ngân hàng'

(Ảnh minh họa)

Phí SMS banking của một số ngân hàng tăng cao trong thời gian gần đây đã gây xôn xao và bức xúc trong cộng đồng người tiêu dùng. Trong đó mức phí cao nhất mà người tiêu dùng có khả năng phải trả cho dịch vụ này lên tới gần 1 triệu đồng/năm.

Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng đã khuyến khích người dùng chuyển sang thông báo qua app ngân hàng điện tử, một số thực hiện miễn, giảm toàn bộ phí chuyển tiền và duy trì kênh ngân hàng số. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các động thái này đã giúp ngân hàng tiết giảm được chi phí, cùng với đó hạn chế tối đa việc thu phí đối với khách hàng.

Trong nhiều năm gần đây, việc thanh toán điện tử trở nên càng phổ biến, đặc biệt tác động của dịch Covid-19 đã thúc đây thanh toán không tiền mặt. Nếu như trước đây, hoạt động thanh toán điện tử chỉ được thực hiện qua ATM, máy POS hay trực tiếp giao dịch tại ngân hàng thì giờ người tiêu dùng có thể thanh toán qua mã QR, qua ví điện tử, giao dịch thanh toán điện tử trên sàn thương mại điện tử cũng ngày càng phổ biến hơn.

Với sự phát triển của thanh toán điện tử thì tin nhắn SMS banking báo cáo biến động số dư cũng tăng dần theo số lượt thanh toán của người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng hiện nay cho các tổ chức tín dụng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ có khoảng 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng. Một tổ chức tín dụng quy mô lớn có khoảng 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Các tổ chức tín dụng khi áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng đều phải bù lỗ khi phải trả chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông. Với mức giá tin nhắn như trên, ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

Việc thu thêm phí của người tiêu dùng là quyết định mà chắc hẳn các ngân hàng đã phải qua nhiều bước tính toán vì trên thực tế, chi phí viễn thông cả hệ thống mà các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Việc phải chịu hoàn toàn gánh nặng chi phí này mà không có sự san sẻ với người tiêu dùng hay nhà mạng vô tình tạo áp lực lên vai các ngân hàng.

“Các bên nên cùng ngồi lại với nhau để đưa ra mức phí hợp lý, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của chính các nhà mạng, của các tổ chức tín dụng và của khách hàng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Cũng xoay quanh câu chuyện SMS giữa ngân hàng và nhà mạng, trong thời gian gần đây, không ít người tiêu dùng cho biết nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, các đối tượng tội phạm đã giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) nhằm lừa tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân thông qua các hình thức như mời gọi kiếm tiền, yêu cầu nhập thông tin cá nhân qua đường dẫn (link) lạ,....

Nhiều ngân hàng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng này và cho biết đang khẩn cấp phối hợp với đốii tác cung cấp dịch vụ, cơ quan chức năng và các bên liên quan để ngăn chặn các hanh vi trên.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng đang phải trả phí rất cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS brandname và chất lượng dịch vụ nhận về phải tương xứng.

“Nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp xử lý vấn đề tin nhắn giả mạo một cách triệt để”, ông Hùng nhấn mạnh.

Như vậy, vấn đề mà ngân hàng và các nhà mạng cần bắt tay cùng nhau giải quyết không chỉ có phí cước tin nhắn SMS banking mà còn có chất lượng dịch vụ SMS brandname.

Nếu vấn đề không được giải quyết có thể dẫn đến nhiều thiệt hại cho đôi bên. Trong đó việc khách hàng của các tổ chức tín dụng không sử dụng dịch vụ SMS banking sẽ trực tiếp gây thiệt đến các nhà mạng khi số lượng khách hàng của các tổ chức tín dụng lên tới vài chục triệu người.

Tin mới lên