Tài chính quốc tế

Chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu lạm phát đình trệ

(VNF) - Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng hiện tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có những dấu hiệu đáng lo ngại về lạm phát đình trệ, giá cả thị trường tăng trong khi việc sản xuất có dấu hiệu chững lại.

Chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu lạm phát đình trệ

Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu lạm phát đình trệ đáng lo ngại.

Dữ liệu sản xuất và kết quả nghiên cứu chính thức về kinh tế Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này đã giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới sản lượng thấp và giá thành tăng cao.

Đã nhiều tháng nay lạm phát giá đầu vào của kinh tế Trung Quốc đều ở mức cao. Nhưng tới tháng 10, lạm phát đã chuyển từ giá đầu vào sang giá đầu ra. Đây là một trong những dấu hiệu đáng lo ngại cho sự lạm phát đình trệ - một trong những kịch bản tồi tệ nhất với bất kỳ nền kinh tế nào.

Lạm phát đình trệ (stagflation)  là một trong những kịch bản tiêu cực nhất, không chỉ đối với nền kinh tế nói chung, mà còn bao gồm cả thị trường chứng khoán... Nói cách khác, lạm phát đình trệ là hiện tượng kinh tế được đánh dấu bởi tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ lạm phát cao.

Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 khi một cú sốc dầu mỏ khiến tình trạng giá cả leo thang kéo dài nhưng tăng trưởng GDP lại giảm mạnh.

Theo ông Trương Chí Vĩ – Trưởng chuyên gia kinh tế tại Pinpoint Asset Management, “những tín hiệu này xác nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể đã trải qua tình trạng lạm phát đình trệ”.

Ông Trương cho rằng áp lực lạm phát đang được truyền từ các công ty thượng nguồn xuống hạ nguồn. Thượng nguồn ở đây là nguyên liệu đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa, trong khi hoạt động hạ nguồn là những hoạt động gần gũi hơn với khách hàng, nơi sản phẩm được tạo ra và phân phối.

Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh ngân hàng ANZ tại Hong Kong là Raymond Yeung cũng phát biểu: “Chúng ta có thể thấy rõ ràng tình trạng lạm phát đình trệ công nghiệp ở Trung Quốc do chỉ số giá đầu ra tăng lên, đồng thời chứng kiến chỉ số giá cả tăng mạnh. Vì vậy, lĩnh vực công nghiệp rõ ràng đang ở trong tình trạng rất khó khăn”.

Cũng theo dữ liệu khảo sát mới nhất, chỉ số quản lý thu mua (PMI) chính thức cho tháng 10 của Trung Quốc ở mức 49,2, thấp dưới mức 50. Điều này chứng tỏ kinh tế Trung Quốc đang có sự thu hẹp nhất định.

Ông Trương Chí Vĩ nhận xét rằng chỉ số PMI gần đây của Trung Quốc là một trong những chỉ số thấp nhất kể từ khi PMI tồn tại vào năm 2005. Chỉ số PMI tháng 10 của Trung Quốc chỉ cao hơn thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 2/2020.

Theo những người tham gia khảo sát chỉ số PMI, sản lượng của nhà máy bị kìm hãm do nguồn cung điện giảm, thiếu nguyên liệu và chi phí đầu vào cao. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện năng nghiêm trọng, vì nước này phải vật lộn với tình trạng thiếu than.

“Điều này dẫn đến việc các công ty phải giảm hàng tồn kho và thời gian giao hàng lâu hơn. Đáng chú ý hơn, sự thiếu hụt này và giá nguyên liệu thô tăng cao đang dẫn đến giá đầu ra cao hơn”, Sheana Yue, trợ lý kinh tế tại Capital Economics, cho biết.

Xem thêm >> Lạm phát đình trệ đe dọa sự hồi phục kinh tế thế giới

Tin mới lên