Diễn đàn VNF

Chuyên gia chỉ ra các nhóm ngành sẽ đón tin vui trong mùa ĐHCĐ

(VNF) - Trong thời điểm mùa ĐHCĐ đến, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã chỉ ra 5 nhóm ngành mà cổ đông sẽ được đón nhận tin vui.

Chuyên gia chỉ ra các nhóm ngành sẽ đón tin vui trong mùa ĐHCĐ

Ông Trần Hoàng Sơn và ông Hồ Quốc Tuấn tại Talk show Phố Tài chính

Thông tin về mùa đại hội cổ đông với những kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn.. đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt, một số doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức ở mức cao, lên tới 35%.

Tại Talk show Phố Tài chính, ông ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân MBS cho rằng kỳ đại hội này là thời điểm để nhà đầu tư đánh giá lại kết quả kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp, về sự bứt phá sau đại dịch và khả năng tận dụng đà tăng giá hàng hoá.

Ông Sơn chỉ ra 5 nhóm ngành mà cổ đông có thể đón nhận tin vui trong kỳ ĐHCĐ này. Thứ nhất là nhóm ngân hàng. Trong 2 năm vừa qua khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch, nhà đầu tư đã rất quan ngại về việc gia tăng nợ xấu của nhóm ngân hàng, dẫn đến sự điều chỉnh rõ rệt của cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm giữa năm 2021 trở lại đây.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Sơn, trong năm 2021, nhiều ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, qua đó giảm áp lực trích lập trong năm 2022. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế cũng như các kế hoạch tăng vốn, các ngân hàng sẽ đạt được tăng trưởng cao hơn trong năm nay theo đánh giá của ông Sơn.

Thứ hai là nhóm các công ty chứng khoán. Giám đốc MBS cho rằng cổ đông của nhóm ngành này sẽ đón nhận các tín hiệu tích cực nhờ vào kế hoạch tăng vốn và thanh khoản thị trường ở mức cao so với mặt bằng chung của 2 năm qua.

Ông Trần Hoàng Sơn dự báo nhóm các công ty chứng khoán có thể trả cổ tức trung bình từ 10-15% trong năm nay, trong đó riêng MBS mức cổ tức có thể lên tới 16%, theo chiến lược năm 2022-2025 thì vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 10.000 tỷ đồng.

Các nhóm còn lại mà cổ đông có thể đón nhận tin vui là các nhóm liên quan đến cảng biển, logistic, liên quan đến hàng hoá như thép, phân bón, cao su và các nhóm về đến dịch vụ hàng không, du lịch.

Những nhóm kém sôi động theo đề cập của ông Sơn là các doanh nghiệp sản xuất nhựa hoặc ống nhựa, sản xuất săm lốp,…

Còn theo ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol (Anh), trước các yếu tố tác động đến kinh tế trong thời gian tới thì vấn đề sẽ nằm ở doanh nghiệp chứ không chỉ có ngành.

Ông Tuấn cho rằng sau đại dịch, các nhà đầu tư đều có tâm lý vui mừng khi mùa ĐHCĐ tới. Hầu hết doanh nghiệp đều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ vì xuất phát điểm thấp của giai đoạn bị ảnh hưởng do đại dịch trước đó.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Việt Nam mở cửa lại vào thời điểm lạm phát rất cao, trong khi nhiều quốc gia khác bắt đầu phục hồi kinh tế khi lạm phát chưa bật lên quá mạnh. Nhiều ngành đã cảm nhận được sức ép lạm phát, cộng thêm các vấn đề về xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến sự bất ổn đối với giá dầu, giá nguyên liệu.

Ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng nhà đầu tư không chỉ nên nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận mà nên nhìn vào tình hình 2 quý sắp tới, trong đó kế hoạch kinh doanh là một trong những điều đáng lưu tâm.

“Ai cũng thấy chi phí lạm phát tăng lên nhưng vấn đề là doanh nghiệp kiểm soát như thế nào để ứng phó”, ông Tuấn nói.

Ẩn số nằm ở 2 quý cuối năm

Đánh giá về diễn biến thị trường trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Sơn nhận định chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn về trung và dài hạn trong bối cảnh căng thẳng chính trị trên thế giới, lạm phát tăng cao trong thời gian qua.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2022, thanh khoản được đánh giá cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi nhiều thị trường khác điều chỉnh 15-20%, VN-Index gần như chỉ điều chỉnh nhẹ khoảng 6%. Thị trường đang tạo lập một nền giá cho nhịp phục hồi ngắn và trung hạn trước kỳ đại hội cổ đông tháng ba và tháng tư.

Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng dù thị trường trong những đầu năm tương đối thận trọng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng margin lại đang ở mức cao, tăng trung bình theo quý từ 15-19% trong nửa cuối năm 2021.

Theo thống kê của MBS thì khoảng 8/10 công ty chứng khoán có lượng margin trên vốn chủ sở hữu đã chạm mốc 150%, cho thấy sự quan tâm của các nhà đâu tư hiện nay.

Về vấn đề lạm phát, ông Sơn cũng chỉ ra rằng theo thống kê từ năm 1802 đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng từ 10-15%, nhưng kênh đầu tư chứng khoán vẫn có lợi suất cao nhất, khoảng 6,7% (lợi suất thực đã trừ đi lạm phát), cao hơn các kênh đầu tư khác như vàng, trái phiếu,…

Đánh giá về diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại, ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng vẫn có sự lạc quan nhất định, trong đó 2 quý đầu năm vẫn sẽ có những tăng trưởng khả quan khi mở cửa kinh tế trở lại, tuy nhiên ẩn số sẽ nằm ở quý III và quý IV.

Ông Tuấn kỳ vọng việc rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi sẽ chững lại và dòng vốn đầu tư sẽ quay trở lại khi nhà đầu tư nhận ra việc mở cửa kinh tế đem lại nhiều lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường Tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
Tin mới lên