Tiêu điểm

Chuyên gia đề xuất nâng cấp sân bay Biên Hoà, hoãn T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành

(VNF) - TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không vừa có đề xuất táo bạo: "Ngừng triển khai xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất và hoãn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Thay thế vào đó, sẽ đầu tư và khai thác lưỡng dụng sân bay quân sự Biên Hoà trong điều kiện sân bay Biên Hoà đang được xử lý dioxin với tiến độ rất khả quan".

Chuyên gia đề xuất nâng cấp sân bay Biên Hoà, hoãn T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành

Sân bay Biên Hoà

Hậu Covid-19 và một "Bình thường mới"

Theo TS Lương Hoài Nam, hậu Covid-19 sẽ đem đến một "bình thường mới" rất khác so với trước đây, ông cho rằng: "Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đang nói về "bình thường mới" hậu Covid. Tôi đã nghe cụm từ đó ít nhất từ các ông Andrew Coumo (Thống đốc tiểu bang New York), Henry Kissinger (cựu Ngoại trưởng Mỹ), Justin Trudeau (Thủ tướng Canada)".

"Bình thường mới" nghĩa là không trở (hay không thể trở về được) với thế giới có trước đại dịch Covid. Sẽ là một thế giới khác, rất khác".

Trong thế giới mới đó, nhiều thứ có trước đại dịch Covid sẽ phải xem xét lại cho phù hợp với nó. Một số thứ sẽ phải điều chỉnh. Một số thứ cần huỷ bỏ hẳn.

"Tôi chia sẻ tầm nhìn "Bình thường mới" và cụ thể đối với các dự án hạ tầng sân bay Việt Nam có 2 đề xuất:

Thứ nhất, ngừng triển khai xây dựng nhà ga số T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm, vốn đầu tư 11.000 tỷ VND tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Thứ hai, hoãn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành và thay thế bằng việc đầu tư và khai thác lưỡng dụng sân bay quân sự Biên Hoà trong điều kiện sân bay Biên Hoà đang được xử lý dioxin với tiến độ rất khả quan (bằng viện trợ vốn và công nghệ của Mỹ)".

Sân bay Tân Sơn Nhất

TS Lương Hoài Nam đánh giá: "Hạ tầng khu bay của sân bay Biên Hoà tương đương với sân bay Tân Sơn Nhất, vốn đầu tư để khai thác kết hợp hàng không dân dụng ở sân bay này ít hơn nhiều lần so với xây mới sân bay Long Thành, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ USD".

"Đền bù giải phóng mặt bằng thì cứ làm để giữ quỹ đất cho sân bay tương lai, nhưng xây dựng các hạng mục công trình sân bay nên hoãn lại (quỹ đất cho các sân bay lớn ở nước ngoài được chuẩn bị sẵn hàng chục năm trước khi xây dựng sân bay)".

Hậu Covid-19, "không nên bỏ hàng tỷ USD đầu tư sân bay"

Ông Lương Hoài Nam cũng cho hay: "Trước đó, tôi là người từng ủng hộ mạnh mẽ cả hai dự án hạ tầng sân bay nói trên. Nhưng đại dịch Covid đã làm thay đổi rất nhiều thứ, trong đó có hàng không hậu Covid, tôi không còn đủ lý do tiếp tục ủng hộ một số việc mình từng ủng hộ trước đây".

Là một người nghiên cứu chuyên ngành về hàng không, ông Lương Hoài Nam lý giải, "tôi để ý động thái hãng Boeing đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất máy bay tại Mỹ và sa thải hàng chục nghìn người lao động".

Ông Dave Calhoun, Tổng giám đốc Boeing, nói: "Khi thế giới chúng ta đứng lên từ đại dịch, quy mô đội máy bay thương mại, các chủng loại sản phẩm và dịch vụ khách hàng muốn và cần sẽ rất khác".

Ông cũng cho rằng, "quá trình phục hồi của ngành hàng không thế giới sẽ mất nhiều năm (chứ không phải tháng). Lúc này mà Boeing có sản xuất tiếp máy bay theo các đơn hàng đã ký thì rất nhiều hãng hàng không cũng không nhận máy bay nữa. Họ hết tiền và hết cả thị trường để bay. Bao giờ khai thác lại được hết số máy bay hiện có đã rất khó trả lời rồi, nói gì đến việc mua thêm máy bay?"

Theo ông Lương Hoài Nam, "với viễn cảnh rất không thuận lợi như vậy, không nên đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng tỷ USD vào các dự án hạ tầng sân bay nước ta chỉ vì các dự án đó đã theo đuổi từ trước đại dịch Covid".

Sân bay Long Thành

Siêu Dự án sân bay Long Thành "ngốn" 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD)

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được phê duyệt, quy mô đầu tư xây dựng Dự án đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), được đánh giá là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050.

Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thời gian và lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn một năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác… 

 

Tin mới lên