Ngân hàng

Chuyên gia: 'Giao dịch bằng Nhân dân tệ sẽ tăng'

(VNF) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu quan điểm về vấn đề đồng Nhân dân tệ (NDT) được đưa vào giỏ tiền dự trữ quốc tế.

Chuyên gia: 'Giao dịch bằng Nhân dân tệ sẽ tăng'

Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa đưa đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế

Trao đổi với báo chí về việc đồng Nhân dân tệ (NDT) được đưa vào giỏ tiền dự trữ quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, trên thị trường tiền tệ, tuy cùng một giỏ, nhưng sức ảnh hưởng của các đồng tiền (USD, Yên Nhật Bản, Euro, Bảng Anh) hiện cũng khác nhau.

Việt Nam hiện vẫn chú trọng giao dịch quốc tế bằng các đồng tiền nói trên tuy nhiên, giao dịch bằng đồng NDT cũng sẽ tăng dần. Lý do Việt Nam có quan hệ thương mại Trung Quốc nhiều, hay các khoản vay nợ, ODA trong thời gian tới tăng theo thời gian.

Đánh giá sự kiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế, ông Thành nói điều này cho thấy đồng tiền này đang mạnh lên, có ảnh hưởng quốc tế lớn hơn và vai trò trong tương lai đồng NDT sẽ được khẳng định hơn, giao dịch chính thức nhiều hơn trên thị trường quốc tế.

"Sự kiện sẽ tăng tính chất chính thức đồng tiền này. Việc đồng NDT vào giỏ của IMF cũng buộc Trung Quốc phải tuân thủ nguyên tắc bớt can thiệp vào thị trường hơn, nên đồng NDT trong thời gian tới sẽ linh hoạt hơn theo quy luật cung cầu thị trường", ông Thành nói.

Trước đó, IMF đã quyết định thêm đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế, hay còn gọi là giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) bên cạnh USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.

CNN Money trích dẫn lời Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde rằng, quyền định này thể hiện "một dấu mốc quan trọng" trong sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu. Đồng NDT đã đáp ứng yêu cầu về mức độ thả nổi cũng như mức độ phổ biến trong thanh toán quốc tế.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, thời điểm IMF nhận định đồng NDT sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong giỏ SDR. Hiện USD chiếm 41,9%, Euro 37,4%, Bảng Anh 11,3% và Yên Nhật 9,4%. Đây là đợt thay đổi danh mục SDR đầu tiên của IMF kể từ năm 1999, thời điểm Euro thay thế đồng Mác Đức và Franc Pháp.

Tin mới lên