Tài chính

Chuyên gia SSI: Chính sách tiền tệ không thể sử dụng cho quá nhiều mục tiêu

(VNF) – Theo các chuyên gia SSI, ngành ngân hàng hay chính sách tiền tệ không thể sử dụng cho quá nhiều mục tiêu mà cần phải dàn trải nhiệm vụ kích thích tăng trưởng cho tất cả các cơ quan với tư duy "kích cung" thay cho "kích cầu".

Chuyên gia SSI: Chính sách tiền tệ không thể sử dụng cho quá nhiều mục tiêu

Chính sách tiền tệ đang phải "cân" quá nhiều mục tiêu

Cần có cơ chế đặc biệt thu hút các dự án FDI lớn

Theo báo cáo vĩ mô tháng 9/2017 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), quý III/2017 ghi nhận sự tăng trưởng cao đột biến khi đạt 7,64% (quý I là 5,15%, quý II là 6,28%) là nhờ sự cải thiện mạnh của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo với sản phẩm vượt trội là điện tử.

Nhờ có Galaxy Note 8 ra mắt vào cuối tháng 8, chỉ số công nghiệp ngành điện tử đã tăng vọt 44,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất 32 tháng. Nhờ vậy, chỉ số công nghiệp điện tử 9 tháng được đẩy lên 25,1% (cùng kỳ tăng 13,4%).

Thực tế, sản xuất điện thoại có giá trị rất lớn (xuất khẩu điện thoại chiếm tới 1/5 tổng giá trị xuất khẩu cũng như GDP 9 tháng) nên tăng trưởng của ngành này có ảnh hưởng trọng yếu đến tăng trưởng GDP.

Bên cạnh điện thoại cũng phải kể đến các sản phẩm điện tử khác với giá trị xuất khẩu 9 tháng lên tới 18,4 tỷ USD, chiếm 12% tổng xuất khẩu và tăng mạnh 41% (cùng kỳ tăng 13,1%). Trong đó, sản phẩm tivi có sản lượng 8,5 triệu chiếc, tăng 31,6% so với cùng kỳ. Điểm khác biệt với Điện thoại là sản phẩm điện tử đã có mức tăng trưởng cao và ổn định suốt từ đầu năm.

Song song Samsung, một dự án FDI đình đám khác là Formosa sau thời gian khắc phục sự cố đã bắt đầu sản xuất từ cuối quý II và dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép với doanh thu dự kiến 16,8 ngàn tỷ VND trong năm 2017, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP.

Theo SSI, tăng trưởng của quý III một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của FDI và nhu cầu cần phải có những cơ chế đặc biệt nhằm thu hút các dự án FDI quy mô lớn.

Khai thác dầu thô tháng 9 đạt 1,06 triệu tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%, mức giảm lớn nhất 5 tháng.

Bù lại cho khai thác dầu thô, khai thác các khoáng sản khác lại có tăng trưởng cao 9,2% (cuối quý II là 7,7%), nhờ vậy GDP ngành khai khoáng trong 9 tháng mặc dù giảm 8,08% nhưng đây là mức giảm thấp nhất 3 quý (quý 1 và quý 2 giảm 10% và 8,2%).

"Nếu không tính khai khoáng, tăng trưởng kinh tế 2017 đạt mức cao nhất nhiều năm là 7,5%. Đây là con số đáng khích lệ và là tiền đề để tin tưởng tăng trưởng GDP 2018 sẽ trên 7% khi ngành khai khoáng phục hồi từ nền thấp 2017", các chuyên gia SSI nhận định.

Chính sách tiền tệ không thể sử dụng cho quá nhiều mục tiêu

Theo SSI, mặc dù khai khoáng tăng trưởng âm và nông nghiệp tăng trưởng thấp đã kéo lùi tăng trưởng chung trong 9 tháng đầu 2017 nhưng không tiềm ẩn rủi ro lớn. Ngược lại, cả hai đều hứa hẹn tạo tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo.

Giá dầu ổn định rất có thể sẽ giúp ngành khai khoáng có lại tăng trưởng dương trong năm 2018. Ngành Nông nghiệp đang được tập trung hỗ trợ để có tăng trưởng cao với những động thái chính sách có thể thấy được như việc sửa đổi luật Đất đai hay gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao.

SSI nhìn nhận, sự hồi phục có tính bền vững của ngành Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là một nhân tố vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là một ngành tạo ra giá trị mà còn là xương sống của nền kinh tế.

9 tháng đầu năm 2017, GDP ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,89%, mức cao nhất 7 năm với tác nhân quan trọng là quá trình xử lý nợ xấu và tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

"Điểm cần lưu ý là ngành ngân hàng hay chính sách tiền tệ không thể sử dụng cho quá nhiều mục tiêu mà cần phải dàn trải nhiệm vụ kích thích tăng trưởng cho tất cả các cơ quan với tư duy ‘kích cung’ thay cho ‘kích cầu’", các chuyên gia SSI nhấn mạnh.

SSI tin tưởng rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng và đây là kết quả của những nỗ lực nội tại rất lớn như thu hút FDI hay tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã diễn ra từ nhiều năm trước.

"Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 không còn là điều quá quan trọng bởi các cân đối vĩ mô đều ở trạng thái tốt và tăng trưởng trên 7% vào năm 2018 là trong tầm tay", SSI kết luận.

Tin mới lên