Diễn đàn VNF

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh: 'Trên đời chẳng có bữa trưa nào miễn phí'

(VNF) - Đánh giá về các các ứng dụng (app), trang website làm giàu nở rộ, với cam kết mức lãi suất sinh lời cao để lôi kéo người dùng tham gia, ông Lâm Minh Chánh, người sáng lập Trường quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp, cho rằng: "Trên đời chẳng có bữa trưa nào miễn phí".

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh: 'Trên đời chẳng có bữa trưa nào miễn phí'

Ông Lâm Minh Chánh, người sáng lập Trường quản trị kinh doanh BizUni.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video clip quảng cáo về ứng dụng MyAladdinz trên nền tảng điện thoại thông minh, nhằm lôi kéo người dùng tham gia ứng dụng.

MyAladdinz cung cấp một nền tảng cho phép các chủ gian hàng (người bán) và khách hàng (người mua) kết nối với nhau, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ bằng hệ thống đồng Gem (viên ngọc) và điểm thưởng (Point). Đồng Gem và điểm thưởng trên hệ thống app này, chủ yếu được sử dụng để mua các sản phẩm và dịch vụ từ các thương nhân trên hệ thống của MyAladdinz. 

Cụ thể, những ai muốn tham gia và tạo tài khoản trên ứng dụng thì bắt buộc phải có người giới thiệu. Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản thì khách hàng có thể nạp Gem (1 Gem = 1 USD) vào tài khoản (tối thiểu lần đầu phải nạp là 100 USD tương đương với 100 Gem).

Các đối tượng quảng bá, người dùng còn có thể sử dụng đồng Gems để thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… trong tương lai và có thể được hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn (quy đổi bằng điểm Point trên hệ thống) khi thực hiện một giao dịch.

Ngoài ra, các đối tượng còn lôi kéo người dùng bằng thông tin như thanh toán càng nhiều dịch vụ trên app thì càng được hoàn trả nhiều điểm Point. Dựa trên số điểm tích lũy của mỗi khách hàng, hệ thống hứa hẹn mỗi ngày, người tham gia đăng nhập app sẽ được cộng quy đổi 0,2% điểm Point thành đồng Gem, để từ đó tiếp tục mua sắm, giao dịch sản phẩm trên app.

Ngoài ra, hệ thống còn kêu gọi người tham gia giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống để được hưởng hoa hồng.

Cụ thể, nếu kêu gọi được một người tham gia vào App MyAladdinz, thì app sẽ trả cho người giới thiệu (gọi là F1) 80% số Gem người sau đóng tham gia hệ thống. Người tham gia cũng có thể giới thiệu cửa hàng vào bán hàng trên hệ thống.

MyAladdinz chia mức thưởng hoa hồng theo tỷ lệ % và theo cấp bậc, tối đa có 15 cấp bậc. Đây là hình thức trả thưởng, hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử, chưa được Bộ Công thương cấp phép.

Qua công tác nắm tình hình, Bộ Công an xác định phần mềm MyAladdinz (hay còn gọi là App MyAladdinz) hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet.

Bên cạnh App MyAladdinz, một số người dùng gần đây cũng phản ánh về việc nhận được lời mời chào tham gia ứng dụng mua sắm IBG để mua sắm tích điểm hoàn tiền lên đến 80%.

Số tiền 80% được hoàn lại khi mua sắm hàng hóa trên app, tiền sẽ được hoàn về hằng ngày theo 2 giai đoạn với mức 0,1% - 0,2% IBG trên tổng số Point bạn có. Khách hàng sẽ dùng số điểm đó để tiếp tục mua hàng hoặc bán trên sàn giao dịch.

Những người giới thiệu khi tham gia gói đầu tư app IBG, khách hàng có cơ hội nhân 5 lần số vốn chỉ trong 6 tháng. Các gói đầu tư trên app IBG được giới thiệu từ Silver đến Diamond, tương ứng số tiền đầu tư từ 100 - 5.000 USD; quy đổi thành điểm nhận được từ 500 - 250.000 điểm và hoa hồng trực tiếp từ 5 - 8%; hoa hồng gián tiếp từ 1 - 2,5% kèm phần trăm nhận được cho mỗi giao dịch từ 0,4 - 0,7%.

Các ứng dụng như trên chỉ là một vài ví dụ trong số cả hàng ngàn ứng dụng khác nhau đang nở rộ trên mạng với những lời hứa hẹn về mức lãi suất sinh lời "có cánh", nhằm lôi kéo người dùng sa bẫy.

Trao đổi với VietnamFinance về thực trạng này, ông Lâm Minh Chánh cho rằng các ứng dụng nêu trên là những mô hình lừa đảo đang ngày xuất hiện một nhiều tại Việt Nam hiện nay.

Do đó, trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ một ứng dụng tài chính nào, ông Chánh đưa ra 4 lời khuyên giúp người dùng tìm hiểu và nhận biết được các mô hình lừa đảo.

Cụ thể, thứ nhất, theo ông Chánh chính là tính pháp lý. Ứng dụng mà người dùng đang có ý định đầu tư thuộc doanh nghiệp nào, đăng ký kinh doanh ở nước nào. Nếu ở nước ngoài thì khi vào Việt Nam kinh doanh vẫn phải có văn phòng đại diện.

"Rất nhiều ứng dụng kêu gọi đầu tư tài chính hiện nay được quảng cáo rầm rộ, nhưng hoàn toàn không có tính pháp lý tại Việt Nam, thậm chí tài khoảng công ty cũng không có", ông Chánh nhấn mạnh.

Thứ hai, ông Lâm Minh Chánh khuyên người dùng cần tìm hiểu về độ uy tín của doanh nghiệp mà người dùng đang có ý định đầu tư. Bởi hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp lừa đảo dù đã có yếu tố pháp lý nhưng độ uy tín trên thị trường thì hoàn toàn không có, khai khống thông tin.

Thứ ba, theo ông Chánh, người dùng cần tìm hiểu kỹ về cách mà ứng dụng người dùng có ý định đầu tư "đẻ" ra tiền. Ví dụ, ngân hàng lấy tiền người gửi để đem đi cho vạy, hay cổ phiếu thì việc doanh nghiệp làm ăn thuận lợi sẽ được thị trường đánh giá...

"Đây là những cách tạo ra tiền, còn theo các lời quảng cáo của các ứng dụng lừa đảo thì họ sẽ không nói rõ cách tạo ra tiền, hoặc nói một cách bâng quơ, lòng vòng, khó hiểu...", ông Lâm Minh Chánh nhấn mạnh.

Cuối cùng, vấn đề thứ tư theo ông Chánh chính là việc các ứng dụng lừa đảo thường đưa ra các cam kết mức lãi suất cao, thậm chí có những ứng dụng cam kết 30-50% lãi suất. Đây hoàn toàn là những lời hứa bịa đặt nhằm đánh vào lòng tham của người dùng.

"Vấn đề then chốt chính là việc các mô hình lừa đảo này đưa ra mức lãi suất cực kỳ phi lý, nhằm lôi kéo người dùng. Nhưng hãy nhớ, trên đời chẳng có bữa trưa nào miễn phí. Tôi khẳng định, những mô hình đầu tư tài chính cam kết lãi suất cao một cách phi lý chính là lừa đảo", ông Lâm Minh Chánh nói.

Tin mới lên