Tài chính quốc tế

Chuyên gia Trung Quốc: Lệnh trừng phạt từ phương Tây không thể làm khó Nga

(VNF) - Nga có năng lực và khả năng phục hồi mạnh mẽ để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như EU, theo nhận định từ các chuyên gia Trung Quốc.

Chuyên gia Trung Quốc: Lệnh trừng phạt từ phương Tây không thể làm khó Nga

Nga liên tục lãnh đòn trừng phạt từ phương Tây sau khi công nhận độc lập 2 vùng ly khai ở Ukraine.

Trong một bài báo được đăng tải bởi Global Times ngày 22/2, các nhà phân tích Trung Quốc cho biết Nga sẽ không gặp khó khăn nhiều trước các đòn trừng phạt từ phương Tây, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh chính thức công nhận độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donestk (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine, khiến Mỹ và châu Âu lập tức công bố các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một lệnh hành pháp để "cấm đầu tư, thương mại và tài chính của công dân Mỹ liên quan đến cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) tại Ukraine".

Các quan chức hàng đầu của EU cũng cho biết khối sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến việc công nhận LPR và DPR.

Điều này đánh dấu làn sóng trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga từ phương Tây sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát trong nhiều tháng. Ông Biden đã cam kết rằng Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả "nhanh chóng, nghiêm trọng và thống nhất" từ Mỹ và các đồng minh.

Reuters mới đây cũng đưa tin chính quyền Biden đã đề xuất mở rộng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ mới và cắt đứt khả năng tiếp cận USD của các công ty Nga.

Đức, Anh, Canada và Nhật Bản ngay sau đó đã đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ cấm phát hành trái phiếu của Nga trong nước và sẽ đóng băng tài sản của một số cá nhân Nga được chọn, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ngày 23/2.

Anh công bố kế hoạch nhắm vào giới tinh hoa và các ngân hàng của Nga, trong khi Đức chính thức tuyên bố dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Canada sẽ cấm người Canada mua trái phiếu chủ quyền của Nga, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ngày 22/2.

Các lệnh trừng phạt đã khiến chứng khoán toàn cầu và đồng rúp lao dốc. Chỉ số RTS của Nga, theo dõi 50 cổ phiếu hàng đầu của Nga tính theo USD trên Sở giao dịch chứng khoán Moscow, đã tăng 1,59% vào ngày 22/2 sau khi ngân hàng trung ương Nga cho biết "họ đã sẵn sàng thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính", phục hồi từ mức giảm 17% vào ngày 21/2.

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt cho đến nay mang tính biểu tượng hơn là bất cứ điều gì có khả năng gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế Nga, và các động thái thị trường vốn phản ánh sự lo lắng nhất thời của nhà đầu tư.

"Đợt trừng phạt đầu tiên không nhắm vào các ngành cụ thể hoặc cốt lõi của nền kinh tế Nga, vì vậy tác động là rất nhỏ", Cui Hongjian, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói với Global Times vào ngày 22/2.

Ông Cui cho rằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo, nếu tình hình Ukraine trở nên căng thẳng hơn, có thể là các biện pháp cụ thể hơn và có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, liên quan đến các khía cạnh năng lượng, tài chính và quân sự của Nga.

Quả thực trước đó, vào ngày 20/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo rằng Nga "về nguyên tắc sẽ bị cắt khỏi thị trường tài chính quốc tế" và từ chối tiếp cận các hàng hóa xuất khẩu lớn nếu nước này "tấn công Ukraine".

Trong một số cuộc phỏng vấn, ông von der Leyen cũng ám chỉ khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga và nhắm vào đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối Nga với Đức.

Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom và Nga là một trong những nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Vì vậy, biện pháp trừng phạt đánh vào ngành dầu khí và năng lượng của Nga trong một thời gian dài gần như bất khả thi với EU, trừ khi Mỹ có thể thay thế vào phần thiếu hụt mà Nga bỏ lại.

Nga đã và đang nỗ lực đa dạng hóa để khám phá các thị trường thay thế. Ví dụ, trước đây Nga chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm sang châu Âu, nhưng giờ đây, các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng đang tăng lên về quy mô.

Vào tháng 2, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận về việc mua bán khí đốt từ vùng Viễn Đông của Nga, và theo thỏa thuận này, Nga sẽ tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc lên 48 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm.

Theo chuyên gia Cui Hongjian cho rằng rất có thể sắp tới Mỹ sẽ ra lệnh cấm xuất khẩu công nghệ, nhằm hạn chế việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho quân đội, hàng không vũ trụ và cá lĩnh vực năng lượng của Nga.

"Nhưng phương Tây đã đưa các doanh nghiệp quân sự và công nghệ cao của Nga vào danh sách đen kể từ năm 2014. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có thể tận dụng lệnh cấm vận của mình để gây áp lực lên Nga hay không", Li Jianmin, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với Global Times.

Tuy vậy, các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng Nga cần chuẩn bị cho việc bị cắt khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT), vốn được coi là "lựa chọn hạt nhân" trong các gói trừng phạt có thể tước đi 40% doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của nước này và gây ra hậu quả lâu dài với nền kinh tế, mặc dù khả năng xảy ra động thái như vậy là cực kỳ nhỏ.

Về việc liệu Mỹ có chơi “quân bài chủ” trong việc loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, ông Cui cho biết "phương Tây đang chia rẽ sâu sắc" về vấn đề này do khối lượng thương mại lớn của châu Âu với Nga.

Nhà nghiên cứu Li nói thêm rằng Nga từ lâu đã thực hiện các bước nhằm giảm thiểu tác động của việc bị loại khỏi SWIFT, bao gồm việc tránh sử dụng đồng USD trong một số khu giao dịch thương mại, và xóa các khoản nợ của Mỹ và dự trữ ngoại hối của nước này. Nga đã phát triển một hệ thống nhắn tin thay thế có tên là SPFS từ năm 2014, hệ thống này hiện xử lý khoảng 1/5 các khoản thanh toán trong nước.

"Nga đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm áp lực xem nền kinh tế của họ sẽ vận hành như thế nào trong những trường hợp cực đoan, trong đó phải kể đến việc cắt đứt các liên kết với bên ngoài. Nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, Nga vẫn có thể đảm bảo nguồn cung của chính mình vì nước này có lãnh thổ rộng lớn và nguồn cung phong phú”, ông Li giải thích.

Do Nga đang tích cực hạn chế phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, trừ lĩnh vực năng lượng và quân sự, nên phương Tây sẽ chỉ có thể thực hiện các lệnh trừng phạt một cách hết sức hạn chế, đồng thời, nền kinh tế của Nga cũng vẫn có khả năng bù đắp cho hậu quả của các lệnh trừng phạt này, các chuyên gia Trung Quốc bày tỏ.

Xem thêm >> Tài sản giới siêu giàu Nga ‘bốc hơi’ 32 tỷ USD sau loạt căng thẳng với Ukraine

Tin mới lên