Nhân vật

Chuyện về nhà thiết nội thất đầu tiên của Việt Nam - Trịnh Hữu Ngọc

(VNF) - Đầu thế kỷ XX, thương hiệu nội thất MÉMO nổi lên cùng cái tên Trịnh Hữu Ngọc, nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, cũng là người truyền cảm hứng đến thế hệ nghệ sĩ ngày nay.

Chuyện về nhà thiết nội thất đầu tiên của Việt Nam - Trịnh Hữu Ngọc

Nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiền của Việt Nam.

Ngày 26/8/1945, tại ngôi nhà lịch sử số 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam.

Ít ai biết rằng, nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam – ông Trịnh Hữu Ngọc chính là người đã thiết kế và làm toàn bộ nội thất đồ gỗ cho ngôi nhà lịch sử đó.

Không những vậy, ông còn tham gia xây dựng kỳ đài lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 cùng nhà báo Nguyễn Hữu Đang và kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh.  

Ông Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) là một người con đất Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang.

Sau khi mẹ mất vì bệnh bạch cầu, năm 10 tuổi, ông Trịnh Hữu Ngọc lên đường vào Sài Gòn tìm gặp bố.

Năm 1930, ông thi đậu ngạch công chức nhà nước Pháp và làm thư ký sở Bưu điện Sài Gòn. 3 năm sau, ông bén duyên với con đường nghệ thuật khi chính thức đỗ vào khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Được biết, trước đó, ông giúp việc cho họa sĩ Nam Sơn - một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, kỹ năng và phong cách của họa sĩ - thiền sư Trịnh Hữu Ngọc chịu ảnh hưởng của 2 họa sĩ người Pháp là Victor Tardieu (hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bấy giờ) và Joseph Inguimberty – kết hợp các tiêu chuẩn mỹ học cổ điển Hy Lạp và cách nhìn của các bậc thầy Ấn tượng Pháp.

Sau khi tốt nghiệp, ông quyết định ở lại Hà Thành và sinh sống bằng nghề trang trí nội thất, thiết kế và sản xuất đồ gỗ thay vì về một tỉnh ở Bắc Kỳ làm thanh tra mỹ thuật học vụ.

Năm 1939, ông chuyển xưởng mộc từ 47 Hàng Đậu về 78 Hàng Bông Nhuộm, nhập khẩu máy móc từ Pháp và thuê gần 20 thợ làm việc. Xưởng MÉMO Ébénisterie chính thức được thành lập.  

Được biết, MÉMO là viết tắt cho chữ “mémoire”, muốn nói rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi.

Năm 1954, xưởng MÉMO đóng cửa dưới chế độ mới. Ông Trịnh Hữu Ngọc đứng trước nguy bị đi cải tạo tư bản tư doanh và tịch biên tài sản nhưng may mắn thoát được.

Xưởng MEMO được bán cho Bộ Quốc phòng với giá “xóa hết nợ ngân hàng của Ông MÉMO”.

Năm 1959, khu xưởng MÉMO ở 78 Hàng Bông Nhuộm cũng được nhường lại cho Sở Công nghiệp Hà Nội sử dụng để đổi lấy ngôi nhà số 108 Quán Thánh.

Năm 1960, ông Trịnh Hữu Ngọc được giao phụ trách thiết kế các mặt hàng đồ gỗ của Phòng Lâm sản Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam.

Từ năm 1964 dến năm 1966, ông làm nội thất mới cho phòng khánh tiết và văn phòng thị trưởng tại ủy ban hành chính TP. Hà Nội. Trong đó, bộ sơn khắc “Tiếp quản Thủ đô” gồm 4 tấm vóc, mỗi tấm cỡ 80x200cm, có bố cục và kỹ thuật thể hiện khác hẳn phong cách sơn truyền thống do ông hoàn thành được treo tại phòng khánh tiết của ủy ban.

Bộ sơn khắc “Tiếp quản Thủ đô” cao 2m, rộng 3,4m

Giới hội họa gọi ông là họa sĩ – thiền sư. Cả cuộc đời ông Trịnh Hữu Ngọc chỉ vẽ tranh phong cảnh, vẽ thiên nhiên. Ông không bao giờ vẽ cảnh sinh hoạt xã hội của tầng lớp trung lưu, rất khác với những họa sĩ cùng thời có cùng cách vẽ theo kiểu hội họa ấn tượng như ông. 

Tranh của họa sĩ - thiền sư Trịnh Hữu Ngọc thường thể hiện những đề tài rất gần gũi, mộc mạc với cuộc sống làng quê Hà Nội bấy giờ như hoa cỏ, trái cây, làng mạc.

"Mít và chuối" - một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của họa sĩ - thiền sư Trịnh Hữu Ngọc

Con trai ông, họa sĩ – dịch giả Trịnh Lữ, là một cái tên quen thuộc với các độc giả Việt Nam qua các phẩm: cuộc đời Pi, Utopia, người trong bóng tối, đại gia Gatsby, rừng Na Uy. Con gái ông Trịnh Hữu Ngọc là bà Trịnh Thị An và Trịnh Thị Nhã cũng đã từng ra mắt nhiều buổi triển lãm với những bức tranh có chất châu Âu trong màu sắc và bố cục.

Tin mới lên