Tài chính

CIEM kiến nghị Chính phủ đặt yêu cầu cao với 'siêu ủy ban'

Doanh nghiệp nhà nước thoái vốn hoặc cổ phần hóa chậm chạp là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Không những thế, doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa doanh thu và tài sản, để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhà nước đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

CIEM kiến nghị Chính phủ đặt yêu cầu cao với 'siêu ủy ban'

Dây chuyền sản xuất của Habeco - một trong những doanh nghiệp thoái vốn Nhà nước chậm chạp.

Doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò then chốt

Đó là một trong những nhận định trong báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về thực trạng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua.

Theo đó, CIEM nhận định doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% cổ phần vốn điều lệ đang giảm mạnh về số lượng nhưng quy mô vẫn còn rất lớn, giá tài sản doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu ngày càng tăng.

Theo báo cáo số 441/BC-CP ngày 16/10/2017, có 583 doanh nghiệp, tổng tài sản là 3.053 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.398 nghìn tỷ đồng, tổng phát sinh nộp ngân sách nhà nước 251 tỷ đồng.

Trong đó, riêng 7 tập đoàn kinh tế đã nắm giữ 66% tài sản, 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước, tạo ra 61,7% doanh thu, 56,5% lợi nhuận trước thuế… Báo cáo nhận định tuy tỷ trọng trong hệ thống doanh nghiệp giảm song doanh nghiệp nhà nước vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong các ngành, lĩnh vực nền tảng của kinh tế cần thiết cho sự phát triển của xã hội.

Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% tăng trưởng kinh tế, 24,82% tổng cân đối thu ngân sách nhà nước năm 2016. Đặc biệt trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước như Viettel, PVN là những doanh nghiệp tạo nguồn thu ngân sách nhà nước lớn nhất.

Viettel là hình mẫu điển hình của khu vực doanh nghiệp nhà nước về áp dụng quản trị hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế - báo cáo của CIEM đánh giá.

Trong giai đoạn tiếp theo, CIEM vẫn đánh giá cao vai trò của khối doanh nghiệp nhà nước bởi giá trị tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu nhà nước, chất lượng lao động và nhân lực quản lý và nhiều nguồn lực quan trọng khác của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất lớn, thậm chí sẽ tiếp tục gia tăng về giá trị như thực tế đã chỉ ra trong thời gian qua.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài sản và nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế như hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, mạng truyền tải điện, mạng viễn thông, hệ thống cung cấp xăng dầu, mạng lưới cung cấp các cơ sở tài chính, tín dụng…

Bởi vậy, trong ít nhất 5 - 10 năm tới, doanh nghiệp nhà nước không chỉ đóng vai trò góp phần phát triển kinh tế và cung cấp sản phẩm nền tảng, thiết yếu mà còn đủ khả năng và cần phải được xác định là động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế.

Vai trò chủ đạo là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra rằng xét trong quan hệ giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là 3,05 triệu tỷ đồng, nếu tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1% thôi thì sẽ giúp cho GDP của nền kinh tế có khả năng tăng thêm 0,8% đến 0,9%

Từ các kết quả nghiên cứu đó, CIEM cho rằng có 4 vấn đề lớn đang tồn tại, gây hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Thứ nhất, chưa đạt được mục tiêu nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, tới năm 2020 khó hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm các dự án của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện. Thứ ba là chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt yêu cầu. Thứ tư là công tác quản lý giám sát chưa đáp ứng yêu cầu.

CIEM cũng kiến nghị để tháo gỡ những vấn đề trên, Chính phủ cần đặt ra các yêu cầu cao và cụ thể để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan đại diện chủ sở hữu nỗ lực thực hiện, trong đó cơ bản là chỉ tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Căn cứ yêu cầu của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao mục tiêu, nhiệm vụ cho 19 doanh nghiệp do mình làm đại diện chủ sở hữu thực hiện việc nâng cao hiệu quả kinh doanh…

Tin mới lên