Tài chính quốc tế

Citigroup tính dừng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại 13 quốc gia, bao gồm Việt Nam

(VNF) - "Đế chế" tài chính Citigroup thông báo về kế hoạch dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi để tập trung vào mảng quản lý tài sản, khách hàng tổ chức.

Citigroup tính dừng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại 13 quốc gia, bao gồm Việt Nam

Citigroup thừa nhận không đủ quy mô cạnh tranh, dừng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại 13 quốc gia.

Mới đây, tập đoàn Citigroup vốn tự hào là ngân hàng lớn thứ ba về giá trị tài sản của Mỹ, đã có kế hoạch dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường bao gồm Australia, Bahrain, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Ba Lan, Nga, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Citigroup quyết định chỉ kinh doanh ngân hàng bán lẻ từ 4 trung tâm tài chính là Singapore, Hong Kong, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Anh.

Bà Jane Fraser, giám đốc điều hành Citigroup, cựu giám đốc bộ phận ngân hàng bán lẻ cho biết: "Hoạt động kinh doanh tại 13 thị trường trên đều rất tốt nhưng chúng tôi không có đủ quy mô cần thiết để cạnh tranh. Những ưu tiên của chúng tôi lúc này đã được hoạch định rõ ràng là thu hẹp cách biệt lợi nhuận với các đối thủ".

Được biết, mảng ngân hàng bán lẻ tại 13 khu vực kể trên đã đóng góp 4,2 tỷ USD trong tổng số doanh thu 74,3 tỷ USD của Citigroup trong năm 2020 và không tạo ra lợi nhuận.

Theo bà Fraser, quyết định này đã được đưa ra sau hơn 1 tháng kể từ khi bà nhậm chức CEO và sau hàng loạt cuộc họp với các cổ đông lớn nhất của Citigroup.

“Chúng tôi tin rằng vốn đầu tư và các nguồn lực khác tốt hơn nên triển khai vào những cơ hội sinh lời cao hơn trong quản lý tài sản và khách hàng tổ chức ở châu Á”, bà Fraser nói thêm.

Bà Jane Fraser, cựu giám đốc bộ phận ngân hàng bán lẻ của Citigroup.

Nhà phân tích Mike Mayo mô tả quyết định của Citigroup là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiến triển của ngân hàng trong hơn một thập kỷ qua. Ngân hàng đang gấp rút giải quyết các rắc rối trong bối cảnh thị trường tài chính biến động khó lường.

"Đó dường như là bước đi chiến lược mạnh nhất kể từ khi Sandy Weill còn là CEO", ông Mayo nhận định.

Trong khi đó, ông Saul Martinez, một nhà phân tích tại UBS cũng "hoan nghênh" bước đi này của Citigroup. Theo ông, hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ của Citigroup khó thành công khi cạnh tranh trong một số thị trường nội địa. 

Chẳng hạn như tại Ấn Độ, Citi chỉ có 35 chi nhánh bán lẻ và sử dụng khoảng 4.000 nhân viên, trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ có khoảng 24.000 chi nhánh. Ở châu Á nói chung, tính đến cuối năm 2020, Citigroup có 224 chi nhánh bán lẻ và 123,9 tỷ USD tiền gửi.

Trong năm 2021, Citigroup ghi nhận thu nhập ròng 7,9 tỷ USD trong quý I, tăng từ mức 2,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ giải ngân dự trữ 3,8 tỷ USD cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn.

Trong quý đầu tiên, hoạt động kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của Citi ở châu Á chỉ tạo ra doanh thu 1,6 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước khi quyết định thu hẹp hoạt động ngân hàng bán lẻ của mình, Citigroup từng có chi nhánh hoạt động ở 101 quốc gia, xử lý các giao dịch trị giá 3.000 tỷ USD/ngày với lượng khách hàng nước ngoài chiếm hơn 50% số tài khoản tiền gửi. Các hoạt động ở nước ngoài đóng góp 60% doanh thu của Citigroup.

Xem thêm >> Toshiba - 'tượng đài' đang bên bờ vực thẳm

Tin mới lên