Ngân hàng

Cơ cấu nợ, ngân hàng cũng vướng

Phía ngân hàng thêm gánh nặng nỗi lo lợi nhuận do không được ghi nhận lãi dự thu từ các khoản nợ cơ cấu lại cho doanh nghiệp. Việc chứng minh thiệt hại do Covid-19 không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn cho chính ngân hàng.

Cơ cấu nợ, ngân hàng cũng vướng

Nhiều doanh nghiệp đề nghị NHNN có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, ngành nghề được ngân hàng hỗ trợ.

Không được dự thu lãi, thu nhập của ngân hàng sụt giảm

Trong vòng 2 tháng qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho trên 215.000 doanh nghiệp với dư nợ 130.000 tỷ đồng. Số tiền này đang hỗ trợ trực tiếp tới tài chính của các doanh nghiệp, song lại làm nguồn thu của các nhà băng sụt giảm mạnh.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, việc ngân hàng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, song không được dự thu lãi với các khoản nợ cơ cấu sẽ tác động mạnh tới doanh thu của các chi nhánh, khiến lương của nhân viên giảm theo. 

Trong công văn hướng dẫn thực hiện việc cơ cấu nợ theo thông tư số 01/2020/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành mới đây, NHNN khẳng định, đối với số lãi phải thu của số dư nợ được giữ nguyên nhóm 1 theo quy định tại thông tư 01, kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không phải hạch toán thu nhập (dự thu), mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được.   

Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, hiện tín dụng vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng, dư nợ cơ cấu lại của nhiều nhà băng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nếu không được ghi nhận vào lãi dự thu, thu nhập quý tới của ngân hàng sẽ sụt giảm rất mạnh. Đây là khó khăn lớn mà các ngân hàng mong được tháo gỡ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, NHNN nên xem xét sửa đổi thông tư 01 theo hướng cho phép các ngân hàng được hạch toán lãi dự thu đối với các khoản vay cơ cấu nợ (nhưng giữ nguyên nhóm 1) ngay sau đợt đầu khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.

Ngoài ra, các ngân hàng đang phải đối mặt với một số vướng mắc như: một khoản vay có nhiều kỳ hạn trả nợ, mỗi lần cơ cấu nợ, ngân hàng lại phải tiến hành rất nhiều thủ tục. Vì vậy, ông Lực cho rằng, NHNN nên cho phép ngân hàng thương mại chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với toàn bộ khoản vay, thay vì chỉ số dư nợ đến hạn trả nợ trong thời gian diễn ra dịch bệnh như hiện nay vì hiện tại chưa rõ khi nào sẽ thực sự chấm dứt dịch. Điều này dẫn tới một khoản nợ, nhất là nợ trung, dài hạn phải cơ cấu lại nhiều lần, làm tăng thủ tục hành chính. 

Cân nhắc lại yêu cầu chứng minh thiệt hại

Ngoài vấn đề lãi dự thu, chứng minh thiệt hại do Covid-19 là vấn đề nóng đang được nhiều doanh nghiệp đề nghị thời gian gần đây. Hầu như không có cuộc đối thoại nào với doanh nghiệp mà vấn đề này không được nêu ra.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, để được ngân hàng giãn, hoãn nợ, doanh nghiệp phải chứng minh thiệt hại bằng số liệu trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hiện nay chưa thể hiện rõ trên báo cáo, đợi đến lúc chứng minh được thì doanh nghiệp có khi đã đóng cửa. 

Tương tự, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị: “Những tác động của Covid-19 là thực tế hiện hữu. Chính sách hỗ trợ tín dụng là để doanh nghiệp tồn tại, phục hồi sau dịch chứ không phải để doanh nghiệp đóng cửa rồi mới hỗ trợ. Rất mong NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại không yêu cầu doanh nghiệp chứng minh thiệt hại trên báo cáo kế toán về ảnh hưởng của dịch làm suy giảm khả năng trả nợ”, ông Giang nói. 

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, từ khi dịch bệnh xảy ra, dòng tiền của doanh nghiệp đã bị ngưng trệ. Không chỉ các đơn hàng đã giao không được thanh toán, mà với các đơn hàng mới (nhập nguyên liệu hoặc xuất khẩu thành phẩm), doanh nghiệp cũng không thể nhận hàng về hoặc xuất hàng đi, cũng không nhận được khoản tiền bồi hoàn hợp đồng do đối tác vận dụng điều khoản bất khả kháng. Dù những điều này chưa thể hiện trên bản báo cáo tài chính quý I, song đến kỳ báo cáo quý II, quý III, con số này sẽ rõ ràng hơn. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức trụ thêm vài ba tháng nữa, nếu không có sự ứng cứu kịp thời.

Khó khăn này không chỉ của riêng doanh nghiệp, mà ngay bản thân ngân hàng cũng vướng. Ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Sở giao dịch Vietcombank thừa nhận, hiện nay, căn cứ để xem xét dựa trên việc doanh thu giảm trên sổ sách kế toán. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong quý I/2020 chưa bị ảnh hưởng doanh thu, nhưng về sau dòng tiền giảm do ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, ngân hàng kiến nghị bổ sung tiêu chí dòng tiền giảm vào đánh giá các doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.

Không thể quên lo cho sức khỏe của ngân hàng thương mại

Nhiều doanh nghiệp đề nghị NHNN có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, ngành nghề được ngân hàng hỗ trợ. Tuy nhiên, “gạch đầu dòng” càng nhiều thì ngân hàng càng khó thực hiện.

Tinh thần của NHNN là các ngân hàng phải thực hiện thông tư 01 quyết liệt, phải đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, không thể lấy lý do chủ quan để từ chối cơ cấu nợ cho khách hàng. Căn cứ vào sức khỏe nền kinh tế cũng như khả năng chịu đựng của ngân hàng, NHNN sẽ có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể chỉ lo cho doanh nghiệp mà quên sức khỏe của ngân hàng thương mại. Nếu để ngân hàng thương mại ốm yếu do nợ xấu, mất uy tín, mất thị phần thì nền kinh tế cũng sẽ không thể phát triển được.

Ông Đào Minh Tú , Phó thống đốc NHNN

Tin mới lên