Bất động sản

Cơ chế vốn đặc biệt ‘thúc’ nhanh đường vành đai 3 TP.HCM

(VNF) - Kinh phí đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, dự án đường vành đai 3 TP. HCM có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP. HCM. Trong thời gian tới, dự án sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt cả về nguồn vốn đầu tư và tổ chức thực hiện.

Cơ chế vốn đặc biệt ‘thúc’ nhanh đường vành đai 3 TP.HCM

Tuyến Vành đai 3 TP. HCM là động lực phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

“TP.HCM đặt mục tiêu, đến năm 2026 hoàn thành tuyến vành đai 3. Hiện nay, thành phố hiện đang dành rất nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch”, đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết tại Hội thảo “Thúc đẩy dự án Vành đai 3 – Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ngày 2/12.

Ông Cường cho biết thêm, xác định vai trò quan trọng của dự án, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã cho phép việc triển khai, thực hiện dự án này được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt cả về nguồn vốn đầu tư và tổ chức thực hiện. Trong buổi làm việc mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặc biệt lưu ý vai trò quan trọng của dự án, yêu cầu các bộ, ngành liên quan bố trí đủ vốn cho TP. HCM thực hiện.

Cập nhật tiến độ dự án,  ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết, cơ quan quản lý đã nghiên cứu rút ngắn thủ tục hành chính; giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường và ưu tiên tái định cư tại chỗ.

"TP. HCM đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, cố gắng hoàn thành mục tiêu gần nhất là phê duyệt Dự án đầu tư vào đầu tháng 12/2022", ông Bằng cho biết.

Theo  TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc triển khai và hoàn thành theo tiến độ dự án là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, việc chia dự án Vành đai 3 thành 8 dự án thành phần thì sẽ không thể đáp ứng thời gian theo kế hoạch.

TS Nguyễn Sĩ Dũng đề xuất giao TP. HCM là chủ đầu tư dự án, sau đó TP sẽ ký hợp đồng với các địa phương khác để triển khai các phần việc cấu thành thì sẽ không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm được sự nhất quán của các chuẩn mực và quy trình kỹ thuật.

“Mặt khác, quá trình giải phóng mặt bằng sẽ cần rất nhiều thời gian, nên chăng với dự án này, bên cạnh loại đất, thì vị trí đất cũng cần được xem xét để xác định giá đền bù cho dân. Nếu cơ chế này được giải quyết, sự đồng tình của người dân với chủ trương thu hồi đất chắc chắn sẽ cao hơn; đồng thời cần thiết cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để giải phóng mặt bằng”, TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, lợi ích kinh tế của dự án chỉ phát huy khi kết nối vành đai 3 với các tuyến cao tốc hướng tâm của TP. HCM vì vậy cần cùng lúc triển khai các dự án này để phát huy lợi ích. Đồng thời, cần tính đến yếu tố hài hòa lợi ích, trong đó những lợi ích giao thông đặt trên lợi ích phát triển bất động sản như chuẩn cao tốc, hạn chế nhà mặt đường…

Đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho việc phát triển đô thị và kinh tế.  Cho dù tận dụng những cơ hội này để hoạch định chiến lược phát triển không phải là một phần của Dự án, nhưng sẽ là điều mà các địa phương có tuyến này đi qua cần phải quan tâm ngay từ thời điểm ban đầu.

Vành đai 3 là tuyến giao thông huyết mạc liên kết 4 địa phương: TP.HCM,  Bình Dương, Đồng Nai và Long An và kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Có chiều dài toàn tuyến khoảng 76km, dự án được chia thành 8 dự án thành phần độc lập; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 02 - 03 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h; tổng mức đầu tư dự án 75.378 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự trong 5 năm, từ năm 2022- 2027. Theo thiết kế, giai đoạn 1 dự án được đầu tư 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 02 - 03 làn xe).

 

Tin mới lên