Tài chính

'Cổ đông họp đại hội mỗi năm 1 lần nhưng trái chủ đầu tư 5-10 năm lại thiếu thông tin minh bạch'

(VNF) - Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings lưu ý rằng khi đầu tư vào một công ty, nếu là cổ đông thì một năm được họp một lần và tiếp cận thông tin trên hệ thống thông tin đại chúng, còn nếu là trái chủ thì với số tiền đầu tư trong 5-10 năm mà thiếu thông tin minh bạch, chỉ nhìn vào lãi suất cao để đầu tư thì khi gặp vấn đề sẽ không biết kêu ai.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021 có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Những năm gần đây, thị trường chứng kiến sự phát triển đột phá của trái phiếu doanh nghiệp khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020 đều vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp giúp khơi thông được kênh dẫn vốn trung và dài hạn với chi phí lãi suất ổn định, doanh nghiệp từ đó có thể mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn.

Tính riêng trong năm 2020, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt mức kỷ lục 429.500 tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2019.  

Hết tháng 6/2021, tổng dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam tương đương khoảng 22,8% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp có quy mô khoảng 5,2% GDP (theo ADB). Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp cho ADB, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam khoảng 44,6% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13,9% (do bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp không niêm yết phát hành).

Về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, theo số liệu mà TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, trong năm 2018, năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 thì các công ty chứng khoán đều là trái chủ chiếm tỷ trọng lớn nhất của trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lần lượt 39,4% (năm 2018), 44,1% (năm 2019) và 44,4% (6 tháng đầu năm 2021).

Trong khi đó các tổ chức tín dụng vào năm 2018 chiếm tỷ trọng tương đối cao trong cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là 35,8% thì đến năm 2019 chỉ còn chiếm 17,4% và 6 tháng đầu năm 2021 là 25%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên. Dù đa số các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo đảm khi phát hành, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2021, chiếm 28-30% số lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành là không có tài sản đảm bảo.

'Cổ đông họp đại hội mỗi năm 1 lần nhưng trái chủ đầu tư 5-10 năm lại thiếu thông tin minh bạch'

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, khung pháp lý của trái phiếu doanh nghiệp có thể được nhìn nhận qua 3 khía cạnh là công bằng, hiệu lực và và hiệu quả.

Cụ thể, công bằng ở đây là công bằng về thông tin. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, hiện nay đang có sự mất cân đối thông tin giữa người bán và người mua, trong đó bên nắm thông tin nhiều hơn thường là người bán.

“Nếu như người bán không công bố, không minh bạch thông tin cho người mua biết thì chất lượng và giá cả của hàng hóa sẽ có sự sai lệch”, ông Độ cho biết.

Song song với đó, nếu người mua cảm thấy không nắm được chất lượng hàng hóa có tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra hay không thì người mua sẽ không tham gia vào thị trường, dẫn đến thị trường không thể phát triển được.

Ông Độ cho biết thêm, trước việc thị trường có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong thời gian gần đây và việc những nhà đầu tư này không nắm được thông tin cũng như hiểu biết hạn chế, cơ quan quản lý đã ban hành Nghị định 153, 155, 156 để tăng cường yêu cầu về việc công bố thông tin đối với tổ chức phát hành.

Về ngắn hạn, việc siết chặt khung pháp lý có thể dẫn đến chỉ số lượng ít doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu này, ảnh hưởng tới sự huy động vốn trên thị trường. Tuy nhiên, đối tượng tham thị trường trái phiếu doanh nghiệp phần lớn là có khẩu vị rủi ro không cao và cần sự đảm bảo an toàn và quản lý về rủi ro nên về mặt dài hạn, các quy định vẫn phải nghiêm ngặt thì các nhà đầu tư mới có thể tham gia thị trường lâu dài.

Về khía cạnh hiệu lực, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Nhà nước đảm bảo tính hiệu lực của quy định pháp lý bằng cách tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, quá trình thanh tra giám sát tốn nhiều chi phí, mà thị trường càng phát triển thì việc để lọt các vi phạm càng dễ xảy ra.

Để bù lại, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, có tính răn đe cao để giảm thiểu vi phạm, tăng độ an toàn và sự an tâm của nhà đầu tư khi tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cho rằng khung pháp lý hiện đang nghiêng về việc niêm yết hay không niêm yết, tuy nhiên không ai dám đảm bảo doanh nghiệp niêm yết có khả năng trả nợ tốt hơn doanh nghiệp không niêm yết.

Ông Thuân lưu ý rằng khi đầu tư vào một công ty, nếu là cổ đông thì một năm được họp một lần và tiếp cận thông tin trên hệ thống thông tin đại chúng, còn nếu là trái chủ thì với số tiền đầu tư trong 5-10 năm mà thiếu thông tin minh bạch, chỉ nhìn vào lãi suất cao để đầu tư thì khi gặp vấn đề sẽ không biết kêu ai.

Theo ông Thuân, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp giải quyết vấn đề bất đối xứng thông tin cho nhà đầu tư. 

"Tôi hy vọng sẽ giúp được nhà đầu tư yếu thế nhỏ lẻ giảm bớt rủi ro, đồng thời giúp doanh nghiệp phát hành xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng tốt hơn, hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách quy chuẩn về đầu tư trái phiếu cho hợp lý", ông Nguyễn Quang Thuân chia sẻ tại tọa đàm. 

Ngân hàng trực tiếp phân phối trái phiếu dễ gây sai lệch về nhận thức của khách hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng 2 vai trò chính của ngân hàng trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hỗ trợ về mặt kỹ thuật và hỗ trợ về mặt phân phối. Trong đó, về mặt phân phối, ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp bán trái phiếu và hưởng hoa hồng, hoặc cam kết phân phối toàn diện (bán ra đại chúng một phần, số lượng còn lại sẽ do chính ngân hàng mua lại).

Ông Hiếu cho hay một số ngân hàng đóng vai trò làm đơn vị bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu, tức là ngân hàng đứng ra thanh toán nếu tổ chức phát hành không trả được nợ. Các trái phiếu được bảo lãnh thường có lãi suất thấp, thường là tương đương với lãi suất trái phiếu do ngân hàng phát hành vì lúc này rủi ro cuối cùng thuộc về ngân hàng.

Trên thực tế, số lượng trái phiếu có bảo lãnh của ngân hàng chỉ chiếm phần ít. Trong khi đó, đóng vai trò là nhà phân phối trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng lại là đơn vị trực tiếp tiếp cận với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dễ gây nên sự sai lệch về nhận thức của nhà đầu tư khi thấy bóng dáng của ngân hàng.  

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết thêm về rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp khi một số không có tài sản đảm bảo còn một số trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của nhà phát hành. Theo ông, trên thực tế thì khi có thông tin một doanh nghiệp không có khả năng trả nợ trái phiếu thì giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Vì đây là thông tin xấu nên cổ phiếu của doanh nghiệp khả năng cao sẽ mất giá trị trên thị trường chứng khoán, dẫn đến tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng mất giá trị.

Kết thúc buổi tọa đàm, một số đề xuất của các chuyên gia được đưa ra là nên có một số định chế tài chính mới như quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng vai trò của các định chế tài chính và tổ chức xếp hạng tín nhiệm, hoàn thiện khung pháp lý (xem xét sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng).

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất đưa ra giải pháp đồng bộ về tổ chức xếp hạng tín nhiệm, cơ sở dữ liệu, minh bạch thông tin, chuẩn mực kế toán,…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; chuẩn hóa đội ngũ nhà đầu tư (trong đó giáo dục tài chính đóng vai trò quan trọng); nâng cao năng lực của cơ quan quản lý.

Cùng với đó, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng được đề cập trong các kiến nghị để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó cần phát triển thêm trái phiếu công trình, trái phiếu tổng hợp, cần phân nhóm các loại doanh nghiệp được xếp hạng, các loại trái phiếu được xếp hạng. Các chuyên gia cũng đề xuất cho phép chứng khoán hóa trái phiếu, chứng khoán hóa tài sản. 

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, việc phát triển thị trường gắn với kiểm soát rủi ro, phải tìm đc điểm trung hòa để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh hơn, vừa không thả lỏng quá cũng không bóp nghẹt quá.

Tin mới lên