Ngân hàng

Cổ đông ngân hàng ở đâu trong ‘vòng tay’ của Ngân hàng Nhà nước?

(VNF) – Quyền can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào các tổ chức tín dụng nay đã được điều chỉnh theo hướng sớm hơn và sâu hơn. Dù là can thiệp nào thì quyền lực và quyền lợi của cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cổ đông ngân hàng ở đâu trong ‘vòng tay’ của Ngân hàng Nhà nước?

Luật các TCTD sửa đổi mở đường cho NHNN can thiệp sớm và sâu hơn vào hoạt động của các TCTD

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa tiếp tục ghi thêm dấu ấn chính sách khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua hôm qua (20/11), chỉ 5 tháng sau dấu ấn "Nghị quyết 42".

Trọng tâm sửa đổi lần này của Luật các TCTD xoanh quanh ngân hàng yếu kém với các quy định mới theo hướng cụ thể hơn về kịch bản xử lý, siết chặt hơn về quản lý. Ngay cả tình huống phá sản ngân hàng cũng đã được tính toán một cách tương đối cụ thể, dù vấn đề quan trọng là chi trả tiền gửi cho người dân thế nào khi tiến hành phá sản ngân hàng vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo Luật sửa đổi, có 5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.

Cách đây hơn 2 tháng, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đã xuất hiện những ý kiến đề cập đến quyền lợi của cổ đông khi tiến hành phương án chuyển giao bắt buộc.

Phản hồi ý kiến này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng đối với quy định "Kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt" trong phương án chuyển giao bắt buộc, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của Luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến.

Sở dĩ hành động được coi là hợp hiến là do theo nhìn nhận của Thường trực Ủy ban Kinh tế, về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Thường trực Ủy ban kinh tế đánh giá, quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.

Trên phương diện quản lý nhà nước, có thể phần nào hiểu được góc nhìn của Ủy ban Kinh tế. Nhưng dưới góc nhìn của cổ đông, vẫn còn rất nhiều lăn tăn.

Một ví dụ thực tế, các cổ đông cũ của OceanBank đã không dưới một lần đòi quyền lợi của mình khi NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Mất trắng số tiền đã đầu tư là phương án "đau đớn" nhất, bởi kể cả khi tiến hành phá sản ngân hàng, cổ đông cũ của OceanBank có thể vẫn mất trắng vốn đầu tư nhưng việc mất trắng ấy là "sòng phẳng", không còn mấy lăn tăn.

Luật các TCTD sửa đổi vừa được thông qua có quy định rằng, các "ngân hàng 0 đồng" nếu bán sẽ được bán với giá thị trường. Nếu NHNN có bán thành công vốn tại OceanBank, thu được tiền về thì hẳn các cổ đông cũ của OceanBank sẽ lại càng "ấm ức". Nên chăng cần xem xét lại quyền lợi của cổ đông cũ khi bán thành công các "ngân hàng 0 đồng"? Bởi ngay từ đầu, việc mua lại đã là quyết định hành chính và bắt buộc.

Cổ đông cũ của những ngân hàng bị mua bắt buộc như OceanBank cần được xem xét lại quyền lợi nếu NHNN bán thành công OceanBank cho chủ thể khác?

Tạm không bàn thêm về quyền lợi của cổ đông khi TCTD rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, bởi dù sao khi TCTD đã rất không "bình thường" thì quyền lợi của cổ đông chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có một quy định mới của Luật các TCTD sửa đổi lần này ảnh hưởng đến cổ đông ngay cả khi TCTD đó chưa rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt, đó là Điều 130a: Áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo điều 130a, Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng lâm vào một trong ba trường hợp nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt gồm (i) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục (ii) Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục (iii) Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Rơi vào tình huống này, TCTD buộc phải áp dụng phương án khắc phục gồm một hoặc một số biện pháp gồm: (i) Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động, hạn chế các giao dịch lớn; (ii) Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; (iii) Hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận;

Cùng với đó là (iv) Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; hạn chế trả thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành; (v) Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản lý, cắt giảm nhân sự; và (vi) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận là biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đến cổ đông, nhưng các biện pháp khác cũng có ảnh hưởng gián tiếp. Chẳng hạn, thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và chiến lược phát triển, kéo theo cổ tức ngân hàng cũng bị ảnh hưởng; hay như cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, trả thù lao, lương thưởng, cắt giảm nhân sự sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến bộ máy, lợi nhuận theo đó cũng chịu ảnh hưởng lớn về lâu dài… Tóm lại, dù là can thiệp nào thì quyền lực và quyền lợi của cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Can thiệp sớm, cũng nghĩa là quyền lực của NHNN sẽ "chen" trực tiếp vào TCTD ở thời điểm mà TCTD vẫn còn có thể tự chủ vận động, tự xoay sở. Điều này có thực sự cần thiết?

Tin mới lên