Tài chính

Cơ hội mới từ IPO và thoái vốn nhà nước

(VNF) - Công ty chứng khoán Maritime (MSI) đã thực hiện báo cáo chuyên đề "IPO và thoái vốn nhà nước", theo đó nhận định việc IPO và thoái vốn nhà nước theo lộ trình cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 là một cơ hội mới cho các nhà đầu tư.

Cơ hội mới từ IPO và thoái vốn nhà nước

Báo cáo cho biết đến cuối tháng 4/2016, thị trường chứng khoán đã có 692 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX, 291 mã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, 1.457 mã cổ phiếu OTC và gần 600 loại trái phiếu niêm yết.

Doanh nghiệp niêm yết quá ít

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn còn quá ít so với tổng số lượng các doanh nghiệp và CTCP đang hoạt động, khiến đại đa số các doanh nghiệp mất cơ hội lớn để huy động vốn trên thị trường này.

Nguyên nhân được giải thích là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới khiến kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp chỉ ưu tiên duy trì sản xuất kinh doanh mà chưa có kế hoạch huy động vốn để mở rộng hoạt động.

Bên cạnh đó, một số tiêu chuẩn niêm yết được nâng cao khiến nhiều công ty không đáp ứng được các chỉ tiêu đã "lỡ hẹn" niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán .

Với số lượng các tài khoản mở mới tại các CTCK ngày càng tăng cho thấy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn bên cạnh các lựa chọn đầu tư truyền thống như vàng hay bất động sản, cùng với lượng lớn dòng tiền từ các quỹ đầu tư, tổ chức và cá nhân ở nước ngoài tiếp tục đổ về thị trường Việt Nam cho thấy nguồn cầu cũng đang tăng khá mạnh …

Hơn nữa, số lượng các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa và niêm yết còn rất lớn hứa hẹn là một nguồn cung lớn, đa dạng cho thị trường .

Chính phủ tiếp tục đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ như đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện cổ phần hóa gắn với niêm yết, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư để tăng thanh khoản, hoàn thiện các chính sách pháp lý và quy định tiêu chuẩn cho TTCK...

Nhà nước không thoái hết vốn khiến nhiều vụ IPO thất bại

Theo thống kê năm 2015, tổng số phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện trong năm là 143 phiên với tổng lượng cổ phần chào bán là 1,52 tỷ cổ phần, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2015.

Năm 2015 là năm đầu tiên cho phép đấu giá cổ phần theo lô, thế nhưng kết quả IPO thành công chỉ là 43.9% với 667.4 triệu cổ phần được bán, tổng giá trị vốn huy động được là 10.395,8 và giá trị bình quân của mỗi phiên là 72,7 tỷ đồng thấp hơn nhiều so với năm 2014 .

Lý do khiến việc IPO và thoái vốn thất bại là việc Nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát sau khi thực hiện IPO với tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 51% trở lên, khiến các nhà đầu tư nội ngoại không muốn đầu tư vào doanh nghiệp mà họ không có vai trò đủ mạnh trong việc quản trị, cũng như sự e ngại khả năng tăng hiệu quả kinh doanh thấp, khó chuyển sang mục tiêu kinh doanh khác.

Ngoài ra, chính các doanh nghiệp IPO chưa cung cấp một cách kỹ lưỡng thông tin toàn diện về mình khiến giới đầu tư thiếu thông tin, một số công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ, đầu tư ngoài ngành có hiệu quả kém, không có tiềm năng tăng trưởng và chiến lược phát triển… khiến cổ phần không hấp dẫn nhà đầu tư.

Cơ hội mới cho nhà đầu tư giai đoạn 2016-2020

Theo MSI, dự kiến sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp thực hiện IPO trong giai đoạn 2016-2020 với tổng số vốn huy động cho ngân sách Nhà nước ước tính vào khoảng 40.000 tỷ đồng, việc IPO được thực hiện theo lộ trình với mục tiêu gắn liền cổ phần hóa doanh nghiệp với niêm yết cổ phiếu.

Trong giai đoạn này, TP. HCM sẽ tiến hành cổ phần hóa 14 Tổng công ty, công ty mẹ-con.

Đây cũng là giai đoạn mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước trước năm 2020 như: CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP FPT (FPT), CTCP Nhựa Thiếu niên tiền Phong (NTP)… đều là những công ty đầu ngành và kinh doanh rất phát đạt.

Từ đầu năm 2016 đến nay, tổng số lượng IPO và thoái vốn thành công ở tất cả các hình thức đấu giá là 58 doanh nghiệp, có 32 doanh nghiệp trên sàn HOSE và 26 doanh nghiệp trên sàn HNX.

Cũng theo MSI, nếu như trước đây, số lượng NĐT cá nhân nhỏ lẻ chiếm phần lớn trong cơ cấu nhà đầu tư tham gia hoạt động đấu giá thì nay số lượng các nhà đầu tư tổ chức đã tăng lên đáng kể và cải thiện tỷ trọng của bộ phận này trong cơ cấu chung.

Ưu thế vượt trội toàn diện so với các NĐT cá nhân nhỏ lẻ khiến các nhà đầu tư tổ chức có khả năng mua cổ phần doanh nghiệp thành công cao hơn.

TTCK Việt Nam đang tiếp nhận một lượng vốn rất lớn đến từ các NĐT nước ngoài, phần lớn từ Hàn Quốc (Lotte, CJ Group, Samsung), Nhật Bản (Aeon, Honda, Kirin Holding, Sumitomo), Thái Lan (Berli Jucker BJC, Central Group, Saha Group), Singapore (Dairy Farm)… cùng với sự tham gia tích cực của các tập đoàn trong nước như MASAN, VinGroup…

Đây là kênh nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Việt Nam, hoặc mở rộng thị phần và quy mô hiện hữu, cũng như khai thác các lợi thế kinh tế mà Việt Nam đang có.

Kể từ khi chính phủ cho phép các doanh nghiệp nâng room cho khối ngoại lên 100%  tùy theo ngành nghề kinh doanh đăng ký hiện đã có tổng cộng 19.016 nhà đầu tư nước ngoài có mã số giao dịch chứng khoán, theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).

Thay vì việc quan tâm và đầu tư vào thị trường niêm yết thì giờ đây họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp IPO và nhà nước thoái vốn, bởi quy định về niêm yết sau IPO sẽ khiến doanh nghiệp sớm xuất hiện trên sàn chứng khoán, tạo ra sự minh bạch và an tâm cho nhà đầu tư.

Với việc chỉ đạo quyết liệt của chính phủ hiện hành, hàng loạt doanh nghiệp lớn và các Tổng công ty tiêu biểu sẽ phải thực hiện IPO hoặc thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020, đây là yếu tố rất tích cực giúp kích thích đầu tư làm gia tăng dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán.

Tin mới lên