Công nghệ

Cơ hội nào giữa 'cơn khát' chip toàn cầu?

(VNF) - Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu đã làm gián đoạn sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới có kế hoạch tăng cường đầu tư sản xuất chip. Ngay cả nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang tận dung cơ hội này để góp “dấu chân” trên bản đồ sản xuất chip trên thế giới.

Cơ hội nào giữa 'cơn khát' chip toàn cầu?

Giải mã “cơn khát” chip toàn cầu

Thiếu chip là cụm từ được giới công nghệ nhắc đến nhiều nhất trong năm vừa qua. Thiếu chip ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, ngay cả lĩnh vực sản xuất ô tô, lĩnh vực vốn chỉ chiếm khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ chip toàn cầu cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Sự thiếu hụt này nghiêm trọng tới mức đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ra thông báo cam kết có hành động thúc đẩy tăng sản lượng sản xuất chip.

Vậy vì sao thế giới lại thiếu chip? Các đánh giá cho rằng sự bùng phát của Covid-19 trên toàn thế giới đã khiến sản lượng sản xuất chip giảm, đặc biệt là ở các nước châu Á, bao gồm cả nguồn cung chip điện tử giảm mạnh. Khi đại dịch bắt đầu, các nhà sản xuất ô tô đã đóng cửa các nhà máy và tạm ngừng sản xuất xe. Trong khi đó, việc cách ly cộng đồng và làm việc/học online đã khiến nhu cầu tăng vọt về các thiết bị điện tử. Khi nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử tăng lên, đồng nghĩa với việc nhu cầu về chip nhiều hơn. Các nhà sản xuất chip bắt đầu cung cấp thêm chip để đáp ứng nhu cầu và chuyển sang tập trung sản xuất nhiều hơn các loại chip mới, mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Khi đại dịch từng bước được kiểm soát, các nhà sản xuất ô tô bắt đầu mở cửa trở lại nhà máy và bắt đầu tăng cường sản xuất. Lúc này, các nhà sản xuất chip không thể cung cấp đủ chip cho họ vì chúng đều được ưu tiên cho các công ty điện tử. Thêm vào đó, các nhà sản xuất chip đã không sản xuất nhiều chip legacy (thường được sử dụng trên ô tô, máy bay…) và hầu hết các xe ô tô chưa được thiết kế để ứng dụng các loại chip tiên tiến hơn.

Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho chip và đầu tư vào các hợp đồng mua chip thế hệ mới với số lượng lớn. Điều này dẫn đến việc các nhà sản xuất chip không “mặn mà” với việc quay trở lại sản xuất các loại chip thế hệ cũ ít lợi nhuận.

Sự thiếu hụt chip cũng bị ảnh hưởng bởi thực tế là các sản phẩm mới hơn yêu cầu nhiều chip hơn các sản phẩm cũ. Khi nhu cầu về sản phẩm điện tử tăng vọt vào đầu đại dịch, nhiều công ty đã tung ra các sản phẩm mới và cập nhật hơn. Cùng với đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc trong năm qua cũng khiến “cơn khát” chip toàn cầu ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trước bối cảnh này, Chính phủ nhiều quốc gia đã và đang gấp rút tăng cường năng lực sản xuất chip của họ. Có thể kể đến như Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ 451 tỷ USD trong nỗ lực trở thành “gã khổng lồ” bán dẫn, trong khi Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua 52 tỷ USD trợ cấp cho các nhà máy chip. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách tăng gấp đôi thị phần năng lực sản xuất chip của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt?

Theo các chuyên gia công nghệ, chip là thiết bị xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm đời sống, từ các loại thẻ điện tử đến các thiết bị khác như tivi, tủ lạnh, camera, ô tô... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gần như chưa có doanh nghiệp trong nước nào làm ra đầy đủ được một con chip, từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất… Các sản phẩm đều phải nhập khẩu từ các nước. Điều này khiến cho hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ trong nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu.

Thiếu chip tác động tới nhiều ngành, điều này các doanh nghiệp biết rất rõ và cũng đã có những doanh nghiệp có toan tính riêng trước cơ hội này. “Phát súng” đáng chú ý đầu tiên đến từ Viettel khi doanh nghiệp này chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu. Trước đó, từ năm 2018, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để tiến hành việc nghiên cứu và sản xuất chip.

Theo ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech), việc thiết kế và sản xuất chip mang thương hiệu Viettel là một bước đi quan trọng trong hành trình tiến tới làm chủ toàn bộ công nghệ của Viettel. Ngoài ra, Viettel cũng đặt quyết tâm vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip Make in Vietnam. Để thực hiện điều này, ngoài việc hợp tác với các công ty quốc tế để chuyển giao công nghệ, Viettel cũng kết hợp với những chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất chip trong và ngoài nước, cùng đội ngũ nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu tại các trường đại học.

Không lâu sau khi Viettel đề nghị được tham gia sản xuất và xuất khẩu chip, FPT Semiconductor (thành viên thuộc Tập đoàn FPT) công bố ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Sản phẩm được thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam và được chuyển tới nhà máy tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, Giám đốc điều hành FPT Semiconductor Nguyễn Vinh Quang cho biết việc thành lập FPT Semiconductor là một bước tiếp nối hoài bão và ước mơ của nhiều thế hệ người Việt. Có thể nhiều người chưa biết, chúng ta đã từng có nhà máy bán dẫn Việt Nam, vào năm 1979, được biết đến với cái tên nhà máy Z181, cung ứng rất nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu. Với tiêu chí chip Make in Vietnam, FPT có kế hoạch thiết kế và thương mại hóa sản phẩm chip, đưa những dòng chip đến với thị trường trong nước, cũng như nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc…

Lãnh đạo FPT Semiconductor cũng tự tin khẳng định trong 2 năm tiếp theo sẽ cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác trong năm 2023, phục vụ hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng... Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip Make in Vietnam đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 – 2025.

Mặc dù vậy, có không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về khả năng tự sản xuất chip của doanh nghiệp Việt Nam, bởi đây là ngành sản xuất cực kỳ tốn kém, đòi hỏi trình độ rất cao và là công nghệ tối mật. Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng tự tin đánh giá Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip. Theo TS. Majo George, giảng viên đại học RMIT, quyết định sản xuất chip tại Việt Nam đã được đưa ra đúng thời điểm, khi thế giới đang thiếu chip còn Việt Nam thì đang triển khai công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm chuyển đổi sang chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tuy vậy, để xây dựng được một nền công nghiệp bán dẫn cạnh tranh không chỉ cần có vốn đầu tư. Tiếp cận công nghệ phù hợp, xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định cũng sẽ là những bài toán mà doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng. Các chuyên gia cho rằng để tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn, không có cách nào khác, Việt Nam phải gia công, làm thuê, tiến tới sản xuất chip Make in Vietnam, sau đó mới phát triển công nghệ lõi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tham gia vào những công đoạn R&D, nỗ lực đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, từ đó tiến tới tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất.

Tin mới lên