Tài chính

Có một Coteccons ngày càng 'teo tóp'

(VNF) - Có một Coteccons đang dần "teo tóp", thể hiện qua sự suy giảm ở những chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất.

Có một Coteccons ngày càng 'teo tóp'

Có một Coteccons ngày càng 'teo tóp'

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với tín hiệu rất kém khả quan, đặc biệt nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Công ty mẹ - Coteccons.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2019, việc doanh thu quý vừa qua giảm tới 27% đã khiến doanh thu nửa đầu năm 2019 của Công ty mẹ - Coteccons giảm 21% xuống còn 7.775 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh, từ mức 6,68% nửa đầu năm ngoái xuống còn 3,81% nửa đầu năm nay - một chỉ báo cho thấy vị thế cạnh tranh của "ông trùm" xây dựng này đã giảm đáng kể.

Việc doanh thu và biên lợi nhuận gộp "teo tóp" khiến lợi nhuận của Công ty mẹ - Coteccons cũng "teo tóp" theo. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2019 của công ty này chỉ đạt 276 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái (riêng quý II/2019 giảm tới 74%).

Những tín hiệu kém khả quan này tiếp nối xu hướng suy giảm xảy ra từ năm 2018, khi doanh thu, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ - Coteccons lần lượt giảm 0,6%, 1,08 điểm% (từ mức 7,15% của năm 2017 xuống mức 6,07% của năm 2018) và 15%. Riêng quý IV/2018 giảm lần lượt 16%, 1,64 điểm% và 41%.

Một điểm rất đáng chú ý khi đánh giá tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng là biến động của khoản mục "Phải trả người bán ngắn hạn". Đây là tiền mà doanh nghiệp xây dựng "chiếm dụng" được của người bán (đa phần là các chủ thầu khác và các nhà cung cấp) - phần nào khẳng định vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời là một nguồn vốn rất quan trọng.

Tại Công ty mẹ - Coteccons, khoản mục "Phải trả người bán ngắn hạn" đã giảm mạnh 1.180 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, từ mức 5.066 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 3.886 tỷ đồng thời điểm 6 tháng sau đó, tương đương giảm 23%. Diễn biến này trái ngược với xu hướng tăng đều đặn của khoản mục này trong 4 năm gần đây (2015 - 2018).

Đi sâu hơn, phần lớn sự suy giảm khoản mục này tại Công ty mẹ - Coteccons đến từ sự suy giảm các khoản phải trả cho Ricons - công ty liên kết mà ban lãnh đạo Coteccons từng muốn sáp nhập nhưng bất thành. Số liệu cho thấy, chỉ riêng đối với Ricons, khoản mục "Phải trả người bán ngắn hạn" đã giảm tới 931 tỷ đồng.

Diễn biến này có lợi cho Ricons.

Việc khoản mục "Phải trả người bán ngắn hạn" suy giảm là nguyên nhân quan trọng khiến dòng tiền kinh doanh của Công ty mẹ - Coteccons tiếp tục "teo tóp". Nửa đầu năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của "ông trùm" xây dựng này bị âm (-) 237 tỷ đồng - một tín hiệu kém khả quan về sức khỏe kinh doanh.

Năm 2018, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ - Coteccons cũng âm với mức (-) 629 tỷ đồng. Ba năm trước đó (2015 - 2017), chỉ tiêu này đều ở mức dương (+), lần lượt 1.056 tỷ đồng, 912 tỷ đồng và 704 tỷ đồng.

Việc dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm, trong khi vẫn nhất quán với chiến lược không vay nợ khiến Công ty mẹ - Coteccons buộc phải trang trải một phần dòng tiền bằng nguồn tiền tiết kiệm.

Nửa đầu năm 2019, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến không quá 1 năm của Công ty mẹ - Coteccons giảm 222 tỷ đồng. Năm 2018, trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh âm, tiền gửi có kỳ hạn như trên cũng giảm 829 tỷ đồng. Như vậy, sau một năm rưỡi, mức giảm lên đến trên 1.000 tỷ đồng.

Doanh thu giảm, biên lợi nhuận gộp giảm, lợi nhuận giảm, khoản mục phải trả quan trọng giảm (kéo theo tổng tài sản giảm khoảng 900 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019), dòng tiền kinh doanh âm, tiền gửi ngân hàng giảm, có thể thấy Công ty mẹ - Coteccons đang dần "teo tóp".

Tin mới lên