Xe

Có nên chuyển Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch lái xe?

Ngày 25/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ. Hội nghị tập trung 2 nội dung chính là tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Các chuyên gia cho rằng, tác thành 2 Luật, tên không tương thích với nội dung Luật.

Có nên chuyển Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch lái xe?

Có nên chuyển Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch lái xe?

Sửa sao cho phù hợp

Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), bà Hoàng Hồng Hạnh, thực hiện Nghị quyết số 106/2020 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) đã xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (Luật GTĐB).

Đồng thời, Bộ Công an xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ (Luật TTATGT), được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) gồm 3 chính sách gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ. Đối với quy tắc giao thông đường bộ và quản lý người điều khiển phương tiện được quy định tại dự thảo Luật TTATGT.

Ngày 2/12/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 4152 gửi Chính phủ về việc báo cáo giải pháp xử lý đối với 3 luật. Trong đó thông tin ý kiến của đại biểu Quốc hội về 3 nội dung liên quan đến 2 dự thảo luật. Kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho thấy, có 63,79% đại biểu không đồng ý tách thành 2 luật và 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Trong báo cáo giải trình Quốc hội về việc tách Luật GTĐB, Bộ GTVT cho rằng, với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GTVT, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan tham mưu trình để xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Quyết định thực hiện xây dựng 1 luật hay 2 luật không phải thẩm quyền ở Bộ GTVT mà thuộc về sự phân công của Chính phủ.

Liên quan đến việc chuyển đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an, Bộ GTVT thừa nhận, quá trình lấy ý kiến có nhiều quan điểm khác nhau nhưng không nói rõ quan điểm công việc này nên giao cho cơ quan nào.

Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an), Luật TTATGT hướng tới con người, quyền bảo vệ con người. Theo ông Bình, việc để xảy ra mất an toàn hạ tầng có nhiều nguyên nhân, đang tập trung quản lý quá tải nhưng chỉ quản lý ngọn. Bao nhiêu xe cơi nới thành thùng xử lý hay cứ để thành thùng chở ra ngoài đường. Biển báo cấm, biển báo che mờ, thanh tra GTVT phạt, dân bức xúc kiến nghị CSGT. Do đó, cần có cơ chế phối hợp, khi xảy ra tai nạn quản lý con người thì công an chịu trách nhiệm, còn chất lượng an toàn phương tiện và hạ tầng do Bộ GTVT chịu trách nhiệm.

“Việc tách luật cần tính toán trên cơ sở phân công trách nhiệm rõ ràng, phân vai đúng. Chúng tôi đặt lợi ích con người, lợi ích quốc gia lên trên hết” - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay.

Có nên tách?

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi có nên tách thành 2 luật không, nếu tách thành 2 thì Luật GTĐB không còn nội hàm của luật mà Luật TTATGT cũng không bảo đảm nội hàm. Vì công tác bảo đảm ATGT là sự nghiệp toàn đảng, toàn dân, mọi cấp mọi ngành. Hạ tầng, đăng kiểm phương tiện, vận tải đều liên quan đến an toàn. Trong nội dung của giao thông và an toàn không thể thách được vì đan xen vào với nhau. Vì sự nghiệp chung, có sự phối hợp các cấp các ngành mới phải có Ủy ban ATGT Quốc gia để phối hợp giữa các cấp, các ngành.

Khẳng định quan điểm không nên tách thành 2 luật, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền - cho rằng, nếu tách thành 2 luật thì Luật GTĐB sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Tương tự, Luật TTATGT cũng không đảm bảo nội hàm của luật này. Chủ trương của Đảng đã nêu rõ, việc đảm bảo ATGT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ cũng có nhiều công việc liên quan đến đảm bảo ATGT. Trong quản lý nhà nước có nhiều nội dung về ATGT, đan xen, không thể tách rời.

Các điều kiện trong quản lý hạ tầng, vận tải, xử lý vi phạm chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là pháp luật về ATGT phải được thực thi một cách nghiêm minh, kịp thời, thực hiện cho bằng được một nguyên tắc trong Luật GTĐB năm 2008 là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Cũng là người Việt Nam nhưng ra nước ngoài thì chấp hành tốt nhưng về nước thì lại vi phạm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn, uống rượu bia lái xe. Nguyên nhân là do chúng ta xử lý không nghiêm.

Theo ông Quyền, muốn xử lý nghiêm vi phạm cần phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để xử “phạt nguội. Do đó, phải làm triệt để theo hướng này, việc tách thành 2 luật chỉ làm rối thêm chứ không giải quyết được vấn đề trong đảm bảo ATGT.

Đề cập đến việc có chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ông Quyền cho biết, sau 25 năm ngành GTVT quản lý, công tác này có bước tiến dài, đã hoàn thiện nội dung chương trình theo hướng tiếp cận các nước tiên tiến. Các quy chuẩn, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được ứng dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, tương đương với các nước phát triển.

Bên cạnh đó, giấy phép lái xe (GPLX) của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp GPLX quốc tế. Việc đổi GPLX cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 được người dân đánh giá cao. Cũng theo ông Quyền, lực lượng quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX không nhiều, mức lương dân sự thấp. Nếu để ngành Công an làm thì các chi phí, mức lương, chế độ chính sách sẽ cao hơn dân sự.

“Việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX ở hầu hết các nước trên thế giới đều do dân sự quản lý. Khi tách giữa bên thực hiện công tác này với lực lượng kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hiệu quả kiểm tra giám sát sẽ cao hơn. Nếu gộp chung vào một chỗ, vừa làm vừa kiểm tra, giám sát sẽ làm yếu đi công tác kiểm tra giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Quan điểm của Hiệp hội này không nên chuyển chức năng này từ Bộ GTVT sang Bộ Công an”, ông Quyền cho biết.

Xem thêm: Nghiên cứu tích hợp GPLX trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử

Tin mới lên