Diễn đàn VNF

Có nên giảm thấp thuế xăng dầu?

(VNF) - Nguồn cung dầu thô vẫn được các nước OPEC+ duy trì ở mức tăng thấp đã hỗ trợ giá xăng tăng mạnh trong nhiều tuần liên tiếp. Điều này đã khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng tăng cao và dự báo tiếp tục tăng.

Có nên giảm thấp thuế xăng dầu?

Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 45% - 48%.

Cần nhìn nhận đúng về đà tăng giá xăng

Cùng với việc nhiều quốc gia về cơ bản đã khống chế được sự bùng phát của đại dịch Covid -19 và phục hồi kinh tế trong điều kiện sống chung với dịch, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh thời gian qua.

Giá dầu thô trên thế giới tăng cao trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Nếu nhìn vào yếu tố cầu thì đó là do đà phục hồi kinh tế và việc mở cửa trở lại trên thị trường thế giới đã đẩy nhu cầu giao thông tăng cao, kéo theo nhu cầu tiêu dùng xăng tăng trưởng.

Thứ hai, việc thiếu than đá, thiếu khí đốt cho nhu cầu sản xuất điện và dự trữ sưởi ấm mùa đông sắp tới (vốn được dự báo rất khắc nghiệt) đối với các quốc gia châu Âu và Bắc bán cầu đã tăng thêm tâm lý tích trữ và tiêu thụ dầu thô. Giá khí đốt ở châu Âu từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng đến 500% nên người tiêu dùng cũng chuyển sang dùng dầu.

Thứ ba, trong khi cầu tiêu dùng tăng mạnh thì nguồn cung tăng chậm hơn. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng ổn định và dần dần ở mức 400.000 thùng/ngày vào tháng 11.

Thứ tư, các cơn bão liên tục xảy ra ở vịnh Mexico đã làm giảm sút sản lượng khai thác và cung cấp dầu thô của nước Mỹ, quốc gia sử dụng xăng dầu hàng đầu trên thế giới, càng làm trầm trọng hơn sự khan hiếm về dầu thô trên thế giới.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ngành xăng dầu Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và toàn diện với thị trường xăng dầu thế giới nên diễn biến giá xăng dầu thế giới tác động mạnh đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước là điều khó tránh khỏi.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu dầu thô để thực hiện lọc hoá dầu và chế biến và có khoảng 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường được nhập để tiêu dùng. Từ năm 2020, công thức giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam đã được kết cấu theo giá quốc tế, nên giá xăng dầu quốc tế tăng sẽ làm giá xăng dầu trong nước tăng theo.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 45% - 48%. Tuy nhiên, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) rất hiệu quả, linh hoạt bằng việc xả quỹ để bù giá và trích lập quỹ với mức thấp hoặc không trích quỹ BOG, vì vậy mà giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng từ 35% - 38%, thấp hơn mức tăng chung của thế giới.

Giá xăng dầu tăng cao sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân. Giá xăng tăng sẽ khiến giá chi phí nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng, cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát trong các tháng cuối năm.

Có nên hạ thấp thuế xăng dầu?

Trên thực tế, câu chuyện giá xăng dầu tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid – 19 đã nằm trong dự tính của các nhà kinh tế. Trước sự tăng giá của giá xăng dầu và với mong muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục sau đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã có những đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu. Đây là một đề xuất cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trước hết, việc sử dụng quỹ BOG chỉ nên thực hiện khi có những đợt tăng giá đột xuất, chưa dự đoán được. Trong thời gian qua, mặc dù xu hướng tăng giá của xăng dầu là ổn định lâu dài, nhưng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vừa ra khỏi đợt giãn cách quyết liệt hồi phục và phát triển thì Liên bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh linh hoạt để kìm giữ giá xăng dầu tăng chậm hơn mức tăng của thị trường thế giới.

Thứ hai, theo bảng xếp hạng của trang Global Petrol Prices vào ngày 25/10/2021, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí 65 từ thấp đến cao trong tổng số 168 quốc gia (thấp hơn 103 quốc gia và vùng lãnh thổ) và thấp hơn giá xăng trung bình trên thế giới là 1,23 USD/l. Nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Na Uy... có giá bán lẻ xăng cao hơn so với Việt Nam mặc dù có trữ lượng dầu lớn và khai thác, lọc hoá dầu và kinh doanh thương mại lớn hơn Việt Nam.

Việc hạ thấp thuế xăng dầu sẽ tạo sự cách biệt về giá với các quốc gia chung biên giới và tạo ra tình trạng buôn lậu, trốn thuế của các đầu nậu xăng dầu, gây thiệt hại cho nguồn thu của chính phủ.

Thứ ba, theo các số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam (vào ngày 04/10/2021) khoảng 42% và với dầu diesel từ mức khoảng dưới 30% (tùy loại), đang ở mức thấp so với nhiều nước và tiếp tục thấp đi (Do Thuế BVMT tính cố định 4.000đ/l mà giá xăng tăng ở mức cao khoảng 35% thì tỷ lệ thuế trong giá cơ sở càng thấp).

Thứ tư, nếu hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng. Do các doanh nghiệp càng sử dụng nhiều xăng dầu, nhiều điện càng được nhận khoản hỗ trợ lớn hơn từ việc Chính phủ giảm giá xăng dầu. Điều này vô hình chung lại hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng bừa bãi nhiên liệu, năng lượng, xăng dầu, các DN sử dụng các phương tiện, máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

Thứ năm, hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Chỉ những người có thu nhập cao mới có điều kiện sử dụng các phương tiện hiện đại, tiêu tốn nhiều xăng dầu, còn những người lao động bình dân và lao động tự do, bán vé số, buôn thúng bán bưng sử dụng rất ít nhiên liệu xăng dầu. Càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, người có thu nhập thấp được hỗ trợ ít hơn.

Thứ sáu, thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho NSNN, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm khí thải, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên không thể tái tạo và điều tiết thu nhập trong nền kinh tế. Giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của NSNN, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội.

Việc giảm thuế xăng dầu chỉ để nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế là một chính sách trong giai đoạn trước mắt của Chính phủ, nhưng cần được Chính phủ, Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong thời gian tới.

Tin mới lên