Ngân hàng

Cổ phần hóa Agribank: Thời cơ tốt đã qua?

(VNF) – Thời cơ tốt để cổ phần hóa Agribank dường như đã qua khi Agribank giờ đây đã trở thành "em út" khi so về tiềm lực tài chính với Vietcombank, VietinBank và BIDV, trong khi vẫn giữ vị thế "anh cả" về nợ xấu. Nếu thời điểm cổ phần hóa được diễn ra sớm hơn, tại thời điểm mà Agribank còn thực sự ở vị thế "anh cả" thì hoạt động bán vốn Nhà nước tại Agribank hẳn sẽ thu về nhiều tiền hơn.

Cổ phần hóa Agribank: Thời cơ tốt đã qua?

Đã qua thời cơ tốt để cổ phần hóa Agribank?

Agribank: "Anh cả" nợ xấu

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) từ lâu đã được mệnh danh là "anh cả" trong ngành ngân hàng. Tạm chưa bàn đến chuyện vị thế này có còn thực sự tồn tại nữa hay không, chỉ xét riêng về nợ xấu, Agribank vẫn "xứng đáng" được mệnh danh là "anh cả".

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Agribank cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2015, tổng nợ xấu sổ sách của Agribank ở mức 17.138 tỷ đồng, chiếm 2,73% tổng dư nợ tín dụng. Mức nợ xấu này của Agribank cao hơn nhiều con số 10.053 tỷ đồng cùng kỳ của BIDV, 4.942 tỷ đồng cùng kỳ của VietinBank và 7.137 tỷ đồng của Vietcombank.

Ngay cả so với mức nợ xấu kỷ lục và cao nhất toàn hệ thống thuộc về BIDV thời điểm hết ngày 30/09/2016 là 13.682 tỷ đồng, nợ xấu năm 2015 của Agribank vẫn cao hơn nhiều.

Cổ phần hóa Agribank

Agribank là "anh cả" về nợ xấu trong giới ngân hàng

Đi sâu hơn về cơ cấu nợ xấu, có thể thấy, tình trạng nợ xấu của Agribank có phần trầm trọng hơn đáng kể so với BIDV – "quán quân" nợ xấu trong số các ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu như nợ có khả năng mất vốn của BIDV, dù xét ở thời điểm hết ngày 31/12/2015 hay ở thời điểm hết ngày 30/09/2016, luôn chỉ chiếm khoảng dưới 55% tổng nợ xấu, thì với Agribank, con số này lên tới khoảng 65%. Năm 2014 thậm chí còn tồi tệ hơn khi nợ có khả năng mất vốn của Agribank lên tới 19.924 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nợ xấu được ghi nhận.

Nhưng lượng nợ xấu trên vẫn chưa nhằm nhò gì khi so với lượng nợ xấu mà Agribank đã bán cho VAMC. Tính đến hết ngày 31/12/2015, tổng nợ xấu mà Agribank đã bán cho VAMC lên tới 46.089 tỷ đồng, trong khi mới chỉ trích lập dự phòng được 6.197 tỷ đồng. Năm 2015, mặc dù được mệnh danh là "quán quân" bán nợ cho VAMC nhưng tổng nợ xấu mà BIDV đã bán cho VAMC tính đến hết ngày 31/12/2015 chỉ là 20.836 tỷ đồng, bằng khoảng một nửa con số của Agribank, đủ cho thấy lượng nợ xấu của Agribank "nằm tạm" tại VAMC lớn đến mức nào.

Đã qua thời cơ tốt để cổ phần hóa?

Mặc dù thông tin Agribank sẽ cổ phần hóa trong vòng vài năm tới đã xuất hiện cách đây một thời gian, tuy nhiên, thông tin chính thức chỉ mới được hé lộ gần đây thông qua Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, Nhà nước sẽ cổ phần hóa và nắm giữ trên 65% vốn điều lệ của Agribank trong giai đoạn 2016 – 2020, nghĩa là tương đồng với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Hồi năm 2012, trao đổi tại phiên thảo luận về đề án tái cơ cấu kinh tế vào chiều ngày 8/6, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chương trình tiếp tục cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng riêng Agribank kiên quyết trong vòng 5 năm tới không đặt vấn đề cổ phần hóa.

NHNN muốn hướng Agribank trở thành một trụ cột của phát triển nông nghiệp và nông thôn với  mục tiêu là đến 2015, dư nợ cho vay đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn của Agribank phải đạt mức không dưới 80% tổng dư nợ. Tổ chức tín dụng nào không có điều kiện cho vay nông nghiệp và nông thôn thì chuyển nguồn vốn tương ứng đó cho Agribank để cho vay nông nghiệp.

Việc Agribank phải (hoặc được) trở thành trụ cột trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gây ra 2 hệ quả nhìn thấy ngay. Thứ nhất, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thế mà hàng năm Agribank phải trích lập dự phòng với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Chẳng hạn năm 2015, tỷ lệ trích lập dự phòng của Agribank lên tới 78,5%, trong khi con số này ở BIDV chỉ là 41,7%, ở Vietcombank chỉ là 47,1% và ở VietinBank chỉ là 38,9%.

Thứ hai, việc được chỉ định thành trụ cột lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khiến hoạt động cho vay trong lĩnh vực này trở thành một nhiệm vụ bắt buộc đối với Agribank, khiến ngân hàng này có "lý do khách quan" để rộng tay hơn trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, từ đó phát sinh nợ xấu. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ trích lập dự phòng cũng như nợ xấu của Agribank luôn ở mức rất cao.

Cả 2 hệ quả này đều là nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận của Agribank thấp hơn nhiều các ngân hàng từng được coi là "đàn em" như Vietcombank, VietinBank và BIDV. Năm 2015, Agribank chỉ ghi nhận mức lãi trước thuế 3.183 tỷ đồng, trong khi mức lãi trước thuế thấp nhất năm 2015 trong số 3 ngân hàng "đàn em" thuộc về Vietcombank cũng đã lên tới 6.827 tỷ đồng. Mức chênh ở các năm khác thậm chí còn lớn hơn.

Cổ phần hóa Agribank

Đã qua thời cơ tốt để cổ phần hóa Agribank?

Việc bị tụt lại hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm khiến Agribank từ vị thế là "anh cả" trong ngành ngân hàng với vốn chủ sở hữu lớn hơn nhiều so với Vietcombank, VietinBank và BIDV, nhưng đến năm 2015, vốn chủ sở hữu của Agribank đã thấp hơn Vietcombank và VietinBank, đồng thời tương đương với BIDV. Gần như chắc chắn, thời điểm kết thúc năm 2016, Agribank sẽ thực sự trở thành "em út" trong số 4 ngân hàng bởi lợi nhuận chắc chắn sẽ tiếp tục chênh hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian càng dài, Agribank sẽ ngày càng bị tụt lại.

Tiềm lực tài chính "em út", nợ xấu khổng lồ, rõ ràng sức hấp dẫn của Agribank đã giảm sút rất nhiều so với thời điểm vài năm trước kia. Nếu như Agribank cũng cổ phần hóa, niêm yết và bán vốn Nhà nước cùng thời điểm với Vietcombank, VietinBank và BIDV, rõ ràng Nhà nước sẽ thu về nhiều tiền hơn so với thời điểm khá muộn màng này. Bản thân Agribank cũng không gặp quá nhiều khó khăn như thời điểm hiện tại trong vấn đề tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II.

Vì sao Agribank không bù lỗ lũy kế?

Một trong những vấn đề khá đáng chú ý trong báo cáo tài chính của Agribank, đó là vấn đề lỗ lũy kế. Suốt từ năm 2012, bảng cân đối kế toán của Agribank luôn ghi nhận tình trạng lỗ lũy kế. Nếu như năm 2012, con số lỗ lũy kế của Agribank chỉ là 877 tỷ đồng thì một năm sau đó đã tăng vọt lên mức 2.304 tỷ đồng. Sang năm 2014, số lỗ lũy kế của Agribank là 2.931 tỷ đồng và tăng lên mức 3.058 tỷ đồng vào năm 2015.

Vấn đề là nhiều năm trở lại đây, Agribank vẫn ghi nhận mức lãi đều đặn hàng năm hàng nghìn tỷ đồng, riêng trong năm 2015, ngân hàng này đã lãi sau thuế 2.387 tỷ đồng. Vậy vì sao Agribank không bù lỗ lũy kế?

Theo Nghị định số 57/2012/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lợi nhuận sau thuế đối với các tổ chức tín dụng là công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu phải được lấy để bù đắp khoản lỗ của các năm trước trước khi trích lập các quỹ.

Như vậy, nhiều khả năng, số lỗ lũy kế của Agribank phát sinh là do các công ty con thua lỗ và không liên quan đến Công ty mẹ - Agribank. Agribank chỉ có nghĩa vụ bù đắp lỗ lũy kế của Công ty mẹ.

Còn về vấn đề tại sao Agribank vẫn liên tục trích lập dự phòng các quỹ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, câu trả lời vẫn nằm ở Nghị định số 57/2012/NĐ-CP. Theo nghị định này, lợi nhuận sau thuế của các tổ chức tín dụng là công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu sau khi trừ đi các khoản trích quỹ, sẽ được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ. Điều này giải thích tại sao, khoản mục "Quỹ của TCTD" của Agribank tính đến hết ngày 31/12/2015 lên đến 15.329 tỷ đồng.

Tin mới lên