Tài chính

Cổ phần hóa bước vào chặng đường mới

(VNF) - Việc cổ phần hóa các “ông lớn” DNNN, gắn liền với việc đưa doanh nghiệp hậu cổ phần hóa lên sàn, sẽ tạo ra nguồn hàng hấp dẫn cho giới đầu tư, từ đó tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Cổ phần hóa bước vào chặng đường mới

Cổ phần hóa VNPT là một trong những thương vụ được giới đầu tư mong chờ

Nhiều DNNN đang khiến giới đầu tư “thèm thuồng”

Trải qua nhiều giai đoạn từ thay đổi nhận thức, thí điểm từng phần rồi mở rộng và bùng nổ, những năm gần đây, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã chậm lại rõ rệt.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù số lượng DNNN chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2020 trong cả nước, nhưng các DNNN vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên cả nước, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh, 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Sở dĩ số lượng DNNN còn ít nhưng lại chiếm nguồn lực lớn là bởi nhiều DNNN chưa cổ phần hóa là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có thể kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)...

Thống kê của Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn cho thấy tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản của các DNNN là 2,96 triệu tỷ đồng, trong đó tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con chiếm tới 92%. Tổng vốn chủ sở hữu là 1,44 triệu tỷ đồng, trong đó tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con chiếm 89%. Tổng nợ phải trả là 1,49 triệu tỷ đồng, trong đó tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con chiếm 94%.

Song song với tiềm lực tài chính lớn, quy mô kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng khiến giới đầu tư “thèm thuồng”.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2020, tổng doanh thu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con là 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 107.047 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2016. Trên thực tế, năm 2020 là một năm các doanh nghiệp gặp khó vì dịch Covid-19.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản giai đoạn 2016 – 2020 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 4,77%, cao hơn hẳn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu giai đoạn 2016 – 2020 ở mức 10,37%, cao hơn lãi suất ngân hàng cùng giai đoạn.

Tập trung cổ phần hóa các “ông lớn” DNNN

Chặng đường mới của tiến trình cổ phần hóa DNNN sắp tới sẽ tập trung vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”, Chính phủ sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được phê duyệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên/chủ tịch công ty/chủ tịch hội đồng quản trị/người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Cùng với đó là xác định lộ trình phù hợp để cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đánh giá chính xác, xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu; không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Theo nhận định của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn tới, trong đó có trình tự, thủ tục, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị tham gia để cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp.

Một động lực quan trọng khác thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN thời gian tới là việc sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

“Quá trình cơ cấu lại vốn nhà nước theo hình thức chuyển đổi sở hữu (cổ phần hóa) đang có chiều hướng chậm lại; việc cổ phần hóa chỉ được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ vì vậy tính pháp lý chưa cao. Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp, trong đó cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp với hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, đảm bảo chặt chẽ thì cần được luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất nguyên tắc chung”, Bộ Tài chính cho biết.

Một số nội dung cần luật hóa có thể kể đến như: (i) rà soát phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về tài sản công; (ii) giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm; (iii) việc bán cổ phần, thoái vốn phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tối đa lợi ích kinh tế - xã hội cho nhà nước;

(iv) doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; (v) có chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp về mua cổ phần và hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư; (vi) quy định quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật đất đai.

Đồng thời, Luật số 69/2014/QH13 cũng cần sửa đổi theo hướng thể chế hóa cụ thể nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó: “Đối với các doanh nghiệp nhà nước đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi cổ phần hóa, nhà nước tiến hành kiểm soát theo nguyên tắc: nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng, doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng; việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ”.

Việc cổ phần hóa các “ông lớn” DNNN, gắn liền với việc đưa doanh nghiệp hậu cổ phần hóa lên sàn, sẽ tạo ra nguồn hàng hấp dẫn cho giới đầu tư, từ đó tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Tin mới lên