Tài chính

Cổ phần hóa DNNN: Từ 'người nhà' tới 'người dưng'

(VNF) - Điều quan trọng nhất khi tiến hành cổ phần hóa DNNN là phải đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch, tránh tình trạng thỏa thuận ngầm để trục lợi cá nhân, tránh thất thoát vốn nhà nước.

Cổ phần hóa DNNN: Từ 'người nhà' tới 'người dưng'

Không ít DNNN hậu cổ phần hóa “về tay” chính lãnh đạo doanh nghiệp

Đã có nhiều quan điểm, thậm chí tranh luận về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải là tư nhân hóa DNNN hay không suốt từ khi xây dựng chính sách cổ phần hóa trong những năm 90 của thế kỷ trước đến hiện nay.

Có quan điểm cho rằng cổ phần hóa DNNN nếu không trở thành tư nhân hóa thì không dẫn đến thay đổi sở hữu, từ đó khó có thể tạo ra động lực để DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng cổ phần hóa DNNN là tiến đến đa sở hữu, doanh nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường, tránh tình trạng tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người.

Dẫu cho quan điểm có khác nhau, nhưng không thể phủ nhận nhiều DNNN đã trở thành doanh nghiệp tư nhân và hoạt động tương đối hiệu quả.

Từ “người nhà”…

Đầu tiên phải kể đến Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE). Đây là một trong những DNNN cổ phần hóa sớm nhất, từ năm 1993 đồng thời cũng là một trong những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sớm nhất Việt Nam.

Tên tuổi của REE gắn liền với nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh. Trước khi cổ phần hóa, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã là Giám đốc Xí nghiệp Cơ điện lạnh từ năm 1987 đến năm 1993. Sau cổ phần hóa, bà giữ cương vị Chủ tịch HĐQT REE suốt từ năm 1993 đến nay. Con trai bà Thanh là ông Nguyễn Ngọc Thái Bình đảm nhiệm cương vị thành viên HĐQT REE từ năm 2007 lúc 25 tuổi và làm Giám đốc Tài chính từ năm 2009.

Số liệu cuối năm 2021 cho thấy, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cùng những người có liên quan (gồm chồng, con trai và con gái) trực tiếp nắm giữ khoảng gần 21% cổ phần của REE. Lượng cổ phiếu này chỉ xếp sau tổ chức nước ngoài là Platinum Victory Pte. Ptd với tỷ lệ sở hữu trên 31%.

Từ năm 2000 đến nay, kết quả kinh doanh của REE giữ xu hướng tăng trưởng rõ rệt. Cứ sau một giai đoạn khoảng 4, 5 năm liên tục tăng trưởng, lợi nhuận của REE lại chững lại trong khoảng 1, 2 năm rồi tiếp tục một pha tăng tiếp theo. Tựu trung, từ mức 37 tỷ đồng năm 2000, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đã đạt mức 2.400 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp 64 lần.

Đáng chú ý, một trong những chiến lược phát triển của REE trong giai đoạn hậu cổ phần hóa là… đi mua cổ phần của các DNNN đã thực hiện cổ phần hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, nước.

Bên cạnh REE, một cái tên không thể không nhắc đến là Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ). Đây cũng là doanh nghiệp gắn liền tên tuổi với một nữ doanh nhân, đó là bà Cao Thị Ngọc Dung.

PNJ tiền thân là cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý quận Phú Nhuận, được thành lập vào ngày 28/4/1988, trực thuộc UBND quận Phú Nhuận; sau đó được nâng cấp thành Công ty Mỹ nghệ Kiều hối Phú Nhuận trực thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy TP. HCM; đến năm 1992 thì đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận và tham gia sáng lập Ngân hàng Đông Á.

PNJ chính thức trở thành công ty cổ phần vào tháng 1/2004. Trước khi cổ phần hóa, bà Cao Thị Ngọc Dung làm Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận suốt từ năm 1988 đến năm 2003. Sau khi cổ phần hóa, bà Dung tiếp tục nắm cương vị cao nhất tại doanh nghiệp này là Chủ tịch HĐQT từ năm 2004 đến nay.

Số liệu cuối năm 2021 cho thấy, Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và người có liên quan trực tiếp sở hữu lượng cổ phần tương đương tỷ lệ sở hữu trên 16%, cao hơn đáng kể nhóm xếp sau của Dragon Capital (sở hữu khoảng trên 9%).

Trong giới đầu tư, PNJ từ lâu đã được đánh giá cao về năng lực sản xuất, lợi thế cạnh tranh cũng như tiềm năng tăng trưởng. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của PNJ đạt mức 1.279 tỷ đồng, gấp 29 lần năm 2005. Trên thực tế, PNJ đạt đỉnh lợi nhuận 1.507 tỷ đồng trong năm 2019 nhưng do tác động nặng nề của Covid-19 nên lợi nhuận năm 2020 và 2021 đã suy giảm.

Một doanh nghiệp khác sau cổ phần hóa cũng về tay “người nhà” là Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG).

DIG tiền thân là nhà nghỉ Xây dựng Vũng Tàu trực thuộc Bộ Xây dựng, sau được đổi tên thành Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng. Năm 2008, DIG chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và năm 2009 chính thức lên sàn chứng khoán.

Chủ tịch HĐQT DIG hiện nay là ông Nguyễn Thiện Tuấn. Theo bản cáo bạch DIG năm 2009, ông Tuấn là Chủ tịch HĐQT của DIG từ năm 1990 đến nay và năm 2009 vẫn còn là đại diện phần vốn nhà nước tương đương tỷ lệ sở hữu 32,5% tại DIG.

Số liệu đến hết năm 2021 cho thấy nhà nước không còn sở hữu cổ phần tại DIG, đồng thời, ông Nguyễn Thiện Tuấn cùng những người có liên quan trực tiếp nắm giữ lượng cổ phần tương đương tỷ lệ sở hữu trên 24%, cao nhất trong các bên.

Đáng chú ý, 2 người con ruột của ông Tuấn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền đều đang là Phó chủ tịch HĐQT DIG.

Về kết quả kinh doanh, suốt từ năm 2006 đến năm 2016, lợi nhuận trước thuế của DIG khá trồi sụt, giai đoạn 2008 – 2011 thăng hoa khi dao động trong khoảng 148 – 696 tỷ đồng, các năm còn lại chỉ biến động ở mức dưới 100 tỷ đồng, có năm chỉ đạt 8 tỷ đồng nhưng không năm nào bị lỗ. Kể từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận trước thuế của DIG thay đổi rõ rệt khi liên tục tăng, từ 255 tỷ đồng lên 428 tỷ đồng năm 2018, 471 tỷ đồng năm 2019, 900 tỷ đồng năm 2020 và 1.282 tỷ đồng trong năm 2021.

Một kiểu “người nhà” khác hoàn toàn, hết sức đặc biệt, là trường hợp của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) khi tổ chức công đoàn của chính công ty này trở thành cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất với tỷ lệ sở hữu lên đến trên 41%.

RAL tiền thân là nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được thành lập năm 1961 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 2004, RAL chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với tỷ lệ sở hữu chỉ còn 51% và tiếp tục giảm xuống chỉ còn 21% vào năm 2006. Đến năm 2015, cổ đông nhà nước là SCIC hoàn tất thoái toàn bộ vốn tại RAL.

Tương tự như nhiều DNNN thực hiện cổ phần hóa khác, cán bộ công nhân viên là đối tượng được hưởng quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi. Năm 2007, giá cổ phiếu RAL tăng cao, không ít cổ đông là cán bộ công nhân viên đua nhau bán cổ phiếu để hiện thực hóa lợi nhuận. Công đoàn RAL ra sức khuyên người lao động dừng bán cổ phiếu nhưng không hiệu quả, vì vậy, công đoàn RAL trở thành bên mua cổ phiếu của cán bộ công nhân viên, hoạt động như một quỹ đầu tư của chính người lao động, từ đó nâng sở hữu lên mức trên 41% như hiện nay.

Hiện tượng này là hiếm có trong tiến trình cổ phần hóa DNNN. Trong nhiều trường hợp khác, việc người lao động bán ra chính là cơ hội để một số cá nhân, tổ chức mua vào nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu, tiến tới chi phối doanh nghiệp.

Sở hữu lượng lớn cổ phiếu cho phép công đoàn RAL nhận nguồn thu đều đặn từ cổ tức, từ đó có nguồn chia cho người lao động. Trong một chia sẻ năm 2017, phía RAL có tiết lộ về việc người lao động RAL được chia cổ tức, người hệ số 1 được chia cổ tức 9,3 triệu đồng/người để ăn Tết.

… tới “người dưng”

Việc cá nhân thâu tóm DNNN hậu cổ phần hóa là “chuyện thường ngày ở huyện” và sẽ chẳng có gì đáng đề cập nếu như không có những điểm đặc biệt, chẳng hạn như yếu tố “người nhà”. Với “người dưng”, cũng có những hiện tượng khá đặc biệt hậu cổ phần hóa DNNN.

Trường hợp của doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn là một ví dụ điển hình khi có rất nhiều mối liên hệ giữa vị doanh nhân sinh năm 1984 này với các DNNN hậu cổ phần hóa.

Đầu tiên phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (HoSE: GEX), nơi ông Nguyễn Văn Tuấn đang là Tổng giám đốc và là cá nhân nắm giữ trực tiếp nhiều cổ phiếu nhất với tỷ lệ sở hữu trên 22%.

GEX tiền thân là Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2010. Đến năm 2015, phần vốn nhà nước còn lại tại GEX tương đương 78,74% vốn điều lệ, được đại diện bởi Bộ Công Thương.

Ngày 25/12/2015 chứng kiến phiên giao dịch lịch sử trên sàn UPCoM khi chỉ trong vòng 30 phút sau khi mở phiên giao dịch, cổ đông nhà nước là Bộ Công Thương đã bán xong toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ, theo phương thức khớp lệnh. Trong phiên, GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700 – 17.800 đồng/cổ phiếu.

Đây là một sự kiện hi hữu, không chỉ bởi tốc độ thoái vốn mà còn bởi phương thức thoái vốn nhà nước. Thông thường, để sở hữu lượng cổ phần chi phối tại doanh nghiệp, nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền cao hơn giá thị trường, số tiền chênh lệch gọi là phần bù (premium). Premium trong các thương vụ thâu tóm có thể lên đến 30%, tức là nhà đầu tư phải bỏ giá cao hơn 30% so với giá thị trường.

Cũng có trường hợp giá thâu tóm không cao hơn giá thị trường quá nhiều, chẳng hạn như trường hợp ThaiBev thâu tóm Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 7% so với thị giá cùng ngày thâu tóm. Tuy nhiên, trước khi ThaiBev thâu tóm, giá cổ phiếu Sabeco đã được đẩy lên rất cao (tăng gấp hơn 2 lần sau khoảng 1 năm) với hệ số định giá P/E lên đến trên 40 lần và P/B trên 10 lần ở thời điểm đó; trong khi đó, GEX được thâu tóm không lâu sau khi lên sàn với P/E chỉ khoảng 10 lần và P/B khoảng trên 1 lần, giá cổ phiếu GEX không tăng đáng kể trước khi nhà nước thoái vốn.

Trên nền tảng của GEX, một thương vụ thâu tóm DNNN hậu cổ phần hóa đình đám diễn ra và lần này, Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) trực thuộc Bộ Xây dựng là đối tượng. Tính đến cuối năm 2021, GEX đã hoàn tất thâu tóm VGC với tỷ lệ sở hữu trên 50%. Ông Nguyễn Văn Tuấn ngồi vững ở vị trí Chủ tịch HĐQT Viglacera.

Một doanh nghiệp rất lớn khác có liên quan nhất định tới hệ sinh thái GEX là Tổng công ty IDICO (trước đây trực thuộc Bộ Xây dựng). Trước ngày diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT IDICO là ông Lê Bá Thọ. Được biết, ông Lê Bá Thọ đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (UPCoM: PXL); thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đường Sông Miền Nam (UPCoM: SWC) và thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải đa phương thức Vietranstimex (UCPoM: VTX). Cả PXL, SWC và VTX đều là những doanh nghiệp trong hệ sinh thái GEX.

Thêm vào đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX – cùng thuộc hệ sinh thái liên quan ông Nguyễn Văn Tuấn – nắm giữ lượng cổ phiếu IDICO trị giá 348 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, cũng cho thấy mối liên hệ giữa IDICO và ông Nguyễn Văn Tuấn. Hiện, Bộ Xây dựng đã thoái xong toàn bộ phần vốn nhà nước tại IDICO.

Trường hợp “người dưng” như ông Nguyễn Văn Tuấn không phải cá biệt. Chẳng hạn như doanh nhân Trần Tuấn Lộc từng gắn liền với các thương vụ mua cổ phần DNNN như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) hay đình đám nhất là Tổng công ty Tín Nghĩa (TID).

Có thể có nhiều góc nhìn khác nhau về việc cổ phần hóa DNNN hay tư nhân hóa DNNN, nhưng điều quan trọng nhất khi tiến hành cổ phần hóa DNNN là phải đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch, tránh tình trạng thỏa thuận ngầm để trục lợi cá nhân, tránh thất thoát vốn nhà nước, đồng thời sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tốt hơn vào sự phát triển của nền kinh tế.

Tin mới lên