Tài chính

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vướng mắc lớn nhất nằm ở đất đai

Một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Cổ phần hóa làm sao không gây ra mất đất, chuyển quyền mục đích sử dụng đất như thế nào trong từng trường hợp là bài toán nan giải.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vướng mắc lớn nhất nằm ở đất đai

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vướng mắc lớn nhất nằm ở đất đai.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88 trên tổng số 405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng trên như: Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Đặc biệt, một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Cổ phần hóa làm sao không gây ra mất đất, chuyển quyền mục đích sử dụng đất như thế nào trong từng trường hợp là bài toán nan giải.

Trao đổi tại tọa đàm “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, vướng mắc nhất hiện nằm ở phương án sử dụng đất.

Những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn có phạm vi hoạt động rất rộng khắp tất cả các địa phương, thậm chí có những doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc xuống đến các cấp quận, huyện và như vậy công tác thống kê đất đai, công tác đo đạc, công tác hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải hoàn thành trước thời điểm quyết định phê duyệt cổ phần hóa, quả thực gây lúng túng và gây khó khăn cho các đơn vị. Chưa kể doanh nghiệp quốc phòng an ninh cũng gặp phải trường hợp tương tự liên quan đến vấn đề đất đai. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào quy hoạch đất đai của địa phương, khá nhiều địa phương chưa có hoặc chưa được phê duyệt về quy hoạch đất đai.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nói rõ thêm, doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua đang tập trung vào khâu rà soát đất đai trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, do đất đai của khu vực doanh nghiệp nước có phạm vi lớn, việc rà soát, chấp hành bị chậm.

Quá trình rà soát cũng cho thấy một số doanh nghiệp không làm đúng theo quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn về sắp xếp nhà đất. Điều này đặt ra câu hỏi doanh nghiệp phải làm sao trả lời cho người dân thấy cơ sở nhà đất đó có sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả không, nếu không thì phải trả lại cho chính quyền địa phương để đấu giá giao đất cho những thành phần kinh tế khác.

Trong quá trình triển khai, Bộ tài Chính có đề nghị tất cả các cơ quan phải chủ động trên cơ sở rà soát của doanh nghiệp để phê duyệt theo đúng quy luật. Cơ quan, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất đai và gửi về cơ quan đại diện sở hữu, thống nhất và ra quyết định đất đai được công bố quy hoạch để tiến hành việc chuyển đổi cổ phần hóa hay tiếp tục sử dụng cho doanh nghiệp bao nhiêu nếu doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa.

Bất cập hiện nay là phối hợp giữa cơ quan đại diện sở hữu với các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chưa được nhuần nhuyễn. Thậm chí là có sự vênh nhau ở nơi này, nơi khác giữa các cơ quan liên quan với các địa phương trong quá trình phê duyệt Phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn.

Ngay chỉ ở riêng một cấp như thành phố, nếu đồng chí Chủ tịch đại diện chủ sở hữu không quyết liệt thì các sở, ban, ngành cũng chậm theo. Thực tế cho thấy, rất nhiều hồ sơ đất đai liên quan nhiều đến các sở, ban, ngành.

Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến độ, vai trò của cấp chính quyền địa phương cần phải thay đổi. Nếu tháo gỡ được vấn đề này, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ về phê duyệt đất đai.

“Tôi cho rằng cơ chế chính sách đã đủ, cần thêm tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Làm tốt vấn đề sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp chủ động triển khai, nhưng trong quy trình làm có nhiều thủ tục, nhiều quy trình, nếu chưa thống nhất thì gây ra tiến độ chậm. Nhưng nếu quyết liệt làm, doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như lãnh đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết tâm thì sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa”, ông Tiến nhận định.

Chính phủ đang tích cực rà soát

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa trong thời gian tới, theo ông Long, Chính phủ đã cho ra những văn bản để xử lý. Tại văn bản số 249 ngày 17/7/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo: Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 126/2017, Nghị định số 167/2017, Nghị định số 32/2018 và các Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai, tài sản công của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong quý III năm 2019.

Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định liên quan đến việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; đôn đốc các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính làm tốt công tác này; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017 trong tháng 7 năm 2019.

Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, nghiêm túc rà soát, cho ý kiến, phê duyệt Phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn; chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai, tài sản công của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong quý III năm 2019.

Những văn bản trên sẽ cơ bản tháo gỡ các vướng mắc hiện nay về thể chế, nhưng bên cạnh đó thì phải cần đến sự quyết liệt, tinh thần trách nhiệm rất là cao của các cấp quản lý và các tập đoàn, tổng công ty và đặc biệt là trong này cũng phải nhấn mạnh là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM cần đẩy nhanh tiến độ việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn; triển khai các công việc cần thiết để triển khai ngay kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn điều chỉnh.

Tin mới lên