Diễn đàn VNF

Cổ phần hóa: 'Số lượng không quan trọng bằng đóng góp thực chất'

(VNF) - Chuyên gia nói vấn đề quan trọng không nằm ở số lượng doanh nghiệp chuyển đổi, mà là đóng góp thực sự tích cực và hiệu quả của cổ phần hóa và cải cách DNNN vào tái cơ cấu kinh tế.

Cổ phần hóa: 'Số lượng không quan trọng bằng đóng góp thực chất'

VietnamFinance trích giới thiệu ý kiến của Ths. Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về thực trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam hiện nay.

Ông Hiếu viết:

"Nhìn lại tiến trình cổ phần hóa từ năm 1992 đến nay, lòng tin về việc chuyển 137 DNNN thành công ty cổ phần trong một thời gian ngắn là có cơ sở. Từ năm 2003 đến hết năm 2006, cả nước đã từng cổ phần hóa gần 2.700 doanh nghiệp, đạt trung bình 670 doanh nghiệp/năm.

Khi đó, bên cạnh sự phát triển của thị trường chứng khoán, việc đổi mới cơ chế cổ phần hóa đã tác động rất lớn đến kết quả thực hiện, trước hết là việc đặt ra yêu cầu công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường, khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp, gắn với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Thời gian gần đây đã có nhiều động thái bày tỏ sự quyết tâm hoàn thành kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt hơn công tác cổ phần hóa từ phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.

Khung khổ thể chế và pháp luật về doanh nghiệp nhà nước nói chung, cổ phần hóa nói riêng có thể có những thay đổi quan trọng. Các bộ ngành đã tích cực, gấp rút hoàn thành quá trình soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản liên quan, tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho các giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa.

Cách thức thực hiện là một trong những biện pháp có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Qua đó, những doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định; những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay thì có thể chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, SCIC, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược hoặc các cổ đông tự nguyện khác.

Nói cách khác, có thể chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần một cách nhanh chóng nếu không đòi hỏi quá nghiêm ngặt vấn đề thu hút vốn của các nhà đầu tư tư nhân bên ngoài.

Bối cảnh tổng thể nêu trên cho phép hy vọng về một kết quả khả quan trong thực hiện kế hoạch cổ phần hóa 2016-2020 xét về số lượng doanh nghiệp chuyển đổi.

Trên khía cạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cải thiện quản trị công ty, việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần như định hướng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII cũng là một bước khởi đầu cần thiết, tốt hơn so với mô hình doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước.

Vấn đề quan trọng không nằm ở số lượng doanh nghiệp chuyển đổi, mà là đóng góp thực sự tích cực và hiệu quả của cổ phần hóa và cải cách DNNN vào tái cơ cấu kinh tế cũng như sự phát triển chung của đất nước.

Do đó, trong giai đoạn 2016-2020 cần có các giải pháp căn bản hơn như cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn mực quốc tế, áp đặt kỷ luật thị trường và kỷ luật tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước; thay đổi căn bản cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước, loại bỏ những ưu đãi, lợi thế của doanh nghiệp nhà nước, xác định lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân và đảm bảo một cơ cấu hợp lý của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế theo thông lệ kinh tế thị trường…"

Tin mới lên