Tài chính

Cổ phần hóa TKV gặp khó, có thể phải lùi đến năm 2022

(VNF) - Có thể phải đến hết năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới có thể hoàn tất cổ phần hóa.

Cổ phần hóa TKV gặp khó, có thể phải lùi đến năm 2022

Tiến trình cổ phần hóa TKV gặp khó

Trong văn bản gửi đến ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gần đây, ban lãnh đạo TKV đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác cổ phần hóa TKV.

Đầu tiên phải kể đến các công nợ khó đòi.

Tại thời điểm kết thúc ngày 30/6/2020, TKV đang có khoản khó đòi 13,26 tỷ đồng là cổ tức của Công ty Cổ phần than Cọc Sáu.

Phía TKV cho biết tập đoàn đã thực hiện lưu ký chứng khoán của Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An từ năm 2007. Theo đó ngày 6/6/2012, Công ty Cổ phần Than Cọc 6 đã chuyển 13,26 tỷ đồng tiền cổ tức năm 2011 của TKV vào tài khoản của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (chi nhánh Hà Thành) để Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An chuyển trả TKV theo quy định.

Tuy nhiên đến nay, TKV chưa thu hồi được khoản cổ tức này do Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An lâm vào tình trạng phá sản. TKV đã có các văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị xem xét quyền lợi của TKV và nghĩa vụ của các đơn vị liên quan trong việc TKV không nhận được khoản cổ tức 13,26 tỷ đồng nói trên.

Ngày 30/11/2018, Bộ Tài chính có Công văn số 14973/BTC-TCDN trả lời TKV: “Do cơ quan cảnh sát điều tra chưa có kết luận liên quan đến đối tượng phải thanh toán cho TKV khoản cổ tức được nhận từ Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu, vì vậy Bộ Tài chính chưa có cơ sở để hướng dẫn TKV hạch toán khoản nợ phải thu khó đòi cũng như việc trích lập dự phòng của khoản nợ phải thu khó đòi nêu trên”.

Đến nay, vụ việc của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An vẫn đang trong quá trình xử lý, TKV chưa thu được khoản cổ tức trên.

Tiếp đó là khoản công nợ phải thu khó đòi Công ty đầu tư thương mại và phát triển Hà Nội - Chi nhánh Đà Nẵng (HAPEXCO Đà Nẵng) được chuyển về TKV từ Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ (TMS) năm 2007. Số công nợ phải thu đến nay là 61,48 tỷ đồng.

Năm 2001, Chi nhánh Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ (MTS) thực hiện ký 3 hợp đồng ủy thác nhập khẩu phôi thép cho Công ty Đầu tư và phát triển Hà Nội (HAPEXCO).

Thực hiện các Hợp đồng trên, MTS đã giao hàng cho HAPEXCO nhưng chỉ thu được 7.982.886.327 đồng, còn lại 62.782.439.166 đồng không đòi được. Tính đến năm 2007, công ty đã trích lập dự phòng công nợ khó đòi toàn bộ số tiền trên.

MTS đã nhiều lần làm việc với HAPEXCO nhưng việc thu hồi công nợ không tiến triển được. Ngày 2/10/2012, MTS đã gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội đơn khởi kiện HAPEXCO, đồng thời MTS tiến hành các thủ tục pháp lý và công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp giải quyết.

Tại Quyết định số 09/TĐC-KTST ngày 21/7/2003, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế xử lý tranh chấp giữa Công ty MTS và HAPEXCO do Giám đốc 2 chi nhánh Công ty là Phạm Công Ngà và Lê Việt Dũng đều bỏ trốn ra nước ngoài.

Hiện nay, tòa án vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. TKV đã thuê tư vấn luật để bảo vệ quyền lợi của tập đoàn và cho biết sẽ cập nhật kết quả vụ án khi có diễn biến mới, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh các khoản công nợ khó đòi, tiến trình cổ phần hóa TKV cũng đang vướng ở một số dự án đang dừng triển khai.

Thứ nhất là chi phí thực hiện Dự án đầu tư Cảng Kê Gà Bình Thuận 88,7 tỷ đồng.

Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2006, đến năm 2014 dự án dừng đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó đến nay, TKV và tỉnh Bình Thuận cùng phối hợp để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp liên quan do dừng dự án đầu tư theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Trong giá trị 88,7 tỷ đồng, bao gồm 65,1 tỷ đồng chi phí TKV đã tạm ứng cho tỉnh Bình Thuận để chi trả cho các doanh nghiệp trong năm 2018.

Ngày 22/4/2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có Công văn số 441/UBQLV-NL báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ dừng dự án Cảng Kê Gà - Bình thuận. Ngày 29/5/2019, Bộ Tư pháp có văn bản số 1953/BTP-PLDSKT báo cáo Chính phủ về việc ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ dừng dự án cảng Kê Gà. Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất giao UBND tỉnh Bình Thuân phê duyệt phương án và phối hợp với TKV tổ chức thực hiện.

Ngày 20/6/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4970/VPCP-NN gửi Bộ Tư pháp thống nhất theo đề xuất của Bộ Tư pháp tại văn bản số 1953/BTP- PLDSKT ngày 29/5/2019.

Thứ hai là chi phí dở dang Dự án Đầu tư di chuyển, mở rộng, nâng cấp cơ sở đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy Công ty TNHH MTV cơ khí đóng tàu - Vinacomin số tiền 157 tỷ đồng được bàn giao về TKV.

Ngày 26/12/2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản số 2138/UBQLV-NL gửi TKV về việc xử lý tài sản dở dang, theo đó, Ủy ban chỉ đạo TKV thực hiện kiểm điểm việc dừng dự án theo văn bản của Bộ Tài chính, làm rõ việc tiếp tục thực hiện hay dừng dự án, hoàn thiện phương án xử lý tài sản theo quy định pháp luật.

Hiện nay TKV đang đã tiến hành kiểm điểm xong để triển khai thực hiện các bước tiếp theo và cho biết sẽ báo cáo Ủy ban trong thời gian tới.

Thứ ba là Dự án Khu lấn biển hình thành cụm Công nghiệp Cẩm Phả 107,4 tỷ đồng.

Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2005, chi phí thực hiện chủ yếu là chi phí san lấp mặt bằng, giá trị thực hiện Dự án theo Báo cáo kiểm toán đến nay là 107,4 tỷ đồng.

Ngày 15/1/2018, TKV có Quyết định số 71/QĐ-TKV về việc phê duyệt chủ trương dừng triển khai đầu tư Dự án và có Văn bản số 288/TKV-ĐT giao Ban quản lý dự án chuyên nghành mỏ Than - TKV thực hiện quản lý và quyết toán các chi phí đã thực hiện Dự án làm cơ sở xác định giá trị thu hồi. TKV đã ban hành Quyết định số 2099/QĐ-TKV ngày 9/12/2019 thành lập Tổ công tác thực hiện thẩm tra các chi phí thực hiện dự án do dừng đầu tư để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Ngoài ra, TKV cũng gặp một số vướng mắc khác liên quan đến tài sản hình thành từ nguồn Quỹ phúc lợi và nguồn xã hội hóa.

Đề xuất lùi thời hạn hoàn tất cổ phần hóa đến hết năm 2022

Phía TKV cho biết theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, để cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quyết định cổ phần hóa thì trước đó phải có phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Vì vậy, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV hoàn toàn phụ thuộc vào Phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của TKV đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Các cơ sở nhà, đất của TKV là rất lớn, nằm ở nhiều địa phương, tỉnh thành khác nhau, vì vậy theo tính toán của TKV dự kiến phải hết tháng 10/2020 mới hoàn thiện việc lập các biên bản hiện trang các cơ sở nhà đất. Trên cơ sở các biên bản hiện trạng đó, Ủy ban Quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp cần có thời gian để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính. Vì vậy, thời gian phê duyệt được Phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của TKV dự kiến hoàn thành trong quý II/2021", báo cáo của TKV cho hay.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì việc sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Nếu Nghị định được sửa đổi theo hướng đối tượng thực hiện sắp xếp các cơ sở nhà, đất đến tận doanh nghiệp cấp II (công ty con của các tập đoàn, tổng công ty) thì việc phê duyệt Phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của Công ty mẹ - TKV không thể hoàn thành trong quý II/2021.

Do đó, ban lãnh đạo TKV đề xuất lùi thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp về ngày 1/10/2021; thời điểm chuyển thành công ty cổ phần lùi về ngày 31/12/2022.

Đến hết năm 2022 mới có thể hoàn tất cổ phần hóa TKV
Tin mới lên