Tài chính

Cổ phiếu HVG của 'vua cá tra' Dương Ngọc Minh bị HNX 'tuýt còi'

(VNF) - Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với Công ty Cổ phần Hùng Vương (UPCoM: HVG), doanh nghiệp của Chủ tịch Dương Ngọc Minh.

Cổ phiếu HVG của 'vua cá tra' Dương Ngọc Minh bị HNX 'tuýt còi'

Cổ phiếu HVG của 'vua cá tra' Dương Ngọc Minh bị hạn chế giao dịch

Từ 13/8/2020, toàn bộ hơn 227 triệu cổ phiếu của HVG chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Giá trị cổ phiếu bị hạn chế theo mệnh giá là hơn 2.270 tỷ đồng.

Lý do được HNX đưa ra là HVG có chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết và vẫn chưa khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do đó thuộc trường hợp bị hạn chế giao dịch chứng khoán.

Sau khi HVG khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định, HNX sẽ cho phép cổ phiếu HVG được giao dịch trở lại bình thường.

Điều đáng nói, cổ phiếu HVG vừa được HNX chính thức cho lên sàn UPCoM từ ngày 13/8/2020, với giá tham chiếu khởi điểm là 5.400 đồng/cổ phần.

Động thái này diễn ra sau khi HVG bị Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) quyết định hủy niêm yết bắt buộc, từ ngày 5/8/2020. Nguyên nhân hủy niêm yết là do HVG đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác, mà xét thấy cần hủy niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư.

Hồi tháng 4/2020, HoSE đã có thông báo nhắc nhở HVG về việc chậm công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I. Sau đó 1 tháng, HoSE tiếp tục có công văn nhắc nhở lần thứ 2 - 3 và đề nghị HVG khẩn trương công bố thông tin. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6, HVG vẫn chưa công bố 2 báo cáo này.

Theo giải trình từ phía HVG, việc chậm nộp các báo cáo tài chính là do số lượng nhân sự kế toán và thống kê của doanh nghiệp đang thiếu hụt. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 4/2020, một số nhân sự kế toán và thống kê của doanh nghiệp đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác qua các công ty mới.

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác cũng làm gián đoạn việc cung cấp số liệu cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính.

Trong quá khứ, HVG từng được mệnh danh là "vua cá tra" ngành thủy sản, khi sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, với trang thiết bị hiện đại, công suất 400.000 tấn/năm. Thế nhưng, kể từ khi rơi vào "biển nợ", HVG đã rao bán hàng loạt công ty con cũng như nhiều tài sản khác để gồng gánh qua cơn bĩ cực.

Có thông tin cho rằng HVG đã sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, trong khi tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi nên phát sinh ra khoản lỗ sâu này. Việc vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài trợ cho các hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đã khiến cho "vua cá tra" phải trả giá đắt.

Đỉnh điểm, năm 2016, nợ phải trả của HVG ghi nhận hơn 13.300 tỷ đồng, cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Và kể từ đó tới nay, tình hình kinh doanh của HVG liên tục trượt dài trong thua lỗ.

Năm 2017, HVG lỗ ròng hơn 700 tỷ đồng. Riêng năm 2018, doanh nghiệp có lãi, tuy nhiên chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng.

Đến năm 2019, HVG ôm khoản lỗ hơn 1.120 tỷ đồng, con số lỗ cao nhất từ khi niêm yết. Cùng đó, vốn chủ sở hữu giảm còn 916 tỷ đồng, chỉ bằng 13% so với số nợ phải trả, ghi nhận ở mức 7.100 tỷ đồng tại ngày 30/9/2020.

Tin mới lên