Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/3): VNM, MWG, DXG

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 11/3, bao gồm: VNM, MWG, DXG.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/3): VNM, MWG, DXG

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/3): VNM, MWG, DXG

VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường VNM, giá mục tiêu 108.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, công ty Nhật Bản Sojitz vừa thông báo về việc Sojitz và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (UPCoM: VLC) - công ty con gián tiếp của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) đã đi đến thỏa thuận về việc thành lập liên doanh mới với tên dự tính là Japan Vietnam Livestock Co., Ltd.

Pháp nhân mới này kinh doanh trong ngành nhập khẩu, chế biến và bán sản phẩm từ thịt bò tại Việt Nam. VCSC cho biết thêm, bộ phận quan hệ đầu tư của VNM cũng đã xác nhận về việc thành lập liên doanh này, tuy nhiên hiện chưa có thêm thông tin nào được cung cấp.

Được biết, Sojitz tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm sản xuất phân bón, thịt, chế biến bột mì, sản xuất và bán sỉ thực phẩm, vận hành cửa hàng tiện lợi và chuỗi cung ứng lạnh.

Trong khi đó, VLC gần đây cũng thông báo kế hoạch đầu tư vào một trang trại bò với quy mô 20.000 con/năm. Tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 1.700 tỷ đồng và thời gian đầu tư trong 3- 4 năm.

Do đó, VCSC hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho VNM với giá mục tiêu 108.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 11,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,0%, dựa theo giá đóng cửa ngày 10/3.

Phú Hưng: Khuyến nghị giữ MWG, giá mục tiêu 140.600 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (Phú Hưng) nhận định, lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu gần 21.550 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Như vậy, doanh số của MWG tăng trưởng cho dù đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này có gần 100 cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy xanh nằm trong các khu vực bị phong tỏa, hoặc thực hiện giãn cách xã hội phải đóng cửa, cũng như hạn chế số lượng khách hàng được phục vụ.

Được biết, tổng doanh số của riêng Thế giới Di động và Điện Máy xanh lũy kế 2 tháng đầu năm vẫn xấp xỉ cùng kỳ năm trước đó, đạt khoảng 17.530 tỷ đồng.

Đến nay, chuỗi Điện Máy xanh Supermini đã có 388 cửa hàng và đang theo đúng tiến độ để đạt mốc 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay; chuỗi Bách hóa xanh ghi nhận doanh thu khoảng 3.900 tỷ cho 2 tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, MWG sẽ duy trì tốc độ mở mới trung bình khoảng 30 cửa hàng/tháng để tập trung nâng cấp cửa hàng 500m2 và cải thiện biên lợi nhuận.

Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng chuỗi Điện Máy xanh thông qua những kế hoạch cụ thể, đã được ban lãnh đạo chia sẻ, đơn cử như tập trung mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh Supermini thêm 700 cửa hàng trong 10 tháng tiếp theo để hoàn thành mục tiêu 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2021.

Mục tiêu cuối năm 2022, thị phần điện thoại của MWG ở mức 50% - 55%, điện máy 55% - 60%. Doanh nghiệp cũng cố gắng cân đối để đưa thêm nhiều nhóm hàng điện thoại và điện máy, sắp xếp lại layout để có thể kinh doanh thêm nhiều sản phẩm khác. Mặt khác, nỗ lực tối giản chi phí ở mức thấp nhất có thể và tìm thấy cơ hội gia tăng lợi nhuận, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho 2 chuỗi, ước tính biên lợi nhuận gộp của 2 chuỗi trong 2021 có thể đạt hơn 23%.

MWG cũng đặt mục tiêu hòa vốn EBITDA chuỗi BHX ở cấp độ công ty trong cuối năm 2021. Theo đó, ban lãnh đạo MWG sẽ chú trọng cải thiện biên lãi gộp trong năm nay nhờ khả năng thương lượng mua hàng từ các nhà cung cấp đang ngày càng được nâng cao do tầm quan trọng của Bách hóa xanh với nhà cung cấp ngày càng lớn; Bách hóa xanh cũng đang đẩy nhanh việc phát triển các mặt hàng có thương hiệu riêng.

Cuối năm 2020, trong khoảng 3.000 – 3.500 nhãn hàng trong cửa hàng Bách hóa xanh thì đã có tới 500 - 600 nhãn hàng là mang thương hiệu riêng - đây là những sản phẩm có biên lãi gộp tốt. Doanh nghiệp phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 1.000 nhãn hàng riêng.

Trên cơ sở đó, Phú Hưng kỳ vọng MWG vẫn có thể trở lại đà tăng trưởng hai chữ số trong năm 2021, bất chấp việc thị trường bán lẻ còn nhiều rủi ro tiềm ẩn tới từ tình hình dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt. Công ty chứng khoán này dự phóng kết quả của MWG trong năm 2021 là 130.836 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.546 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20,5% và 16% so với năm trước đó.

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, Phú Hưng cho rằng mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG khoảng 140.600 đồng/cổ phiếu (cao hơn 7% so với thị giá).

BSC: Khuyến nghị mua DXG với giá mục tiêu 30.200 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, lợi nhuận năm 2021-2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) phục hồi mạnh nhờ bàn giao một loạt dự án cũng như mảng môi giới và mức nền lợi nhuận thấp trong năm 2020.

Bên cạnh đó, tổng giá trị sản phẩm mở bán của DXG giai đoạn 2020-2023 ghi nhận bình quân khoảng 6.000-7.000 tỷ/năm. Cùng với đó là kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ pháp lý tại TP. HCM từ năm 2021, qua đó mở khóa tài sản tích lũy như Gem Riverside, Gem Premium...

Năm 2021, BSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của DXG ước đạt 7.860 tỷ đồng (tăng 172% so với năm ngoái) và 1.521 tỷ đồng so với mức lỗ 432 tỷ năm 2020. BSC cho rằng, kết quả lạc quan này được củng cố bằng việc DXG bàn giao các dự án Opal Boulevard, Gem Sky World, ST-Mortiz và sự hồi phục của mảng dịch vụ môi giới trong năm nay.

Do đó, BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu DXG và nâng giá mục tiêu lên 30.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất sinh lời 28% so với mức giá đóng cửa ngày 9/3, dựa trên phương pháp RNAV do thay đổi một số giả định như cập nhật thêm dự án, điều chỉnh mức chiết khấu WACC và chiết khấu rủi ro và nâng triển vọng mảng môi giới.

Tin mới lên