Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/12): DPM, BID và IDC

(VNF) - BID đã chủ động trích lập dự phòng 100% cho nợ Covid trong các quý trước đó. MBS cho rằng, việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm với 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, là một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng mạnh trong quý III.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/12): DPM, BID và IDC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/12): DPM, BID và IDC

DPM: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 46.300 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3,9 nghìn tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ) và 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ).

Lũy kế, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2022 của DPM lần lượt đạt 14,7 nghìn tỷ đồng (tăng 91% so với cùng kỳ) và 5,37 nghìn tỷ đồng (tăng 200% so với cùng kỳ), hoàn thành 85% và 130% mục tiêu năm.

Chi phí khí đầu vào tăng lên 8,2 USD/mmbtu (tăng 9% so với cùng kỳ), mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng giá bán bình quân của urê và NPK. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện từ 36,9% trong quý III/2021 lên 38,3% trong quý III/2022.

Thu nhập tài chính thuần tăng từ 28 tỷ đồng trong quý III/2021 lên 76 tỷ đồng trong quý III/2022 nhờ thu nhập lãi cao hơn. Điều này là do số dư tiền mặt ròng của công ty tăng và lãi suất tăng. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu giảm từ 11% trong quý III/2021 xuống còn 9,3% trong quý III/2022 do doanh thu cao hơn.

Công ty Chứng khoán SSI điều chỉnh giảm lần lượt 9% và 11% dự báo lợi nhuận ròng năm 2022 và 2023 xuống 5 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ) và 4 nghìn tỷ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ) – với lợi nhuận ròng quý IV/2022 dự kiến sẽ giảm 64% so với cùng kỳ

Trong bối cảnh phải đối mặt với những yếu tố khó khăn về thị trường, DPM mới đây đã công bố sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 27/12/2022 để xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh giá cước vận chuyển khí giai đoạn 2014-2018; và tăng cổ tức năm 2022 từ 50% (tương ứng với tỷ suất cổ tức 11,8%) lên 70% (tương ứng với tỷ suất cổ tức 16,5%) mệnh giá.

Trong ĐHCĐ năm nay, ban lãnh đạo đã đề xuất xử lý hồi tố tăng phí vận chuyển khí giai đoạn 2014-2018, điều này có khả năng dẫn đến chi phí sản xuất tăng 18 triệu USD (hay 430 tỷ đồng).

SSI cho biết, mặc dù đề xuất này trước đó đã bị các cổ đông đủ điều kiện biểu quyết phủ quyết, nhưng DPM dự kiến sẽ xem xét lại vấn đề này trong ĐHCĐ bất thường sắp tới. Nếu các cổ đông chấp thuận, khoản DPM phải thanh toán sẽ chiếm 9% lợi nhuận trước thuế năm 2023 theo dự phóng của SSI- một rủi ro giảm giá đáng kể đối với cổ phiếu.

SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM do mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn của công ty. Giá mục tiêu 1 năm mới cho cổ phiếu DPM là 46.300 đồng/cổ phiếu (giảm từ mức 53.000 đồng/cổ phiếu).

BID: MBS khuyến nghị mua nắm giữ với giá mục tiêu 40.900 đồng/cổ phiếu

Trong quý III, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) ghi nhận gần 6.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 150% so với cùng kỳ. Trong đó, khoản thu nhận lãi thuần tăng 15,5%, lên hơn 14.000 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi tăng 13,6% so với cùng kỳ, đạt gần 3.500 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 30/9/2022, BID ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17.700 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 65% so với cùng kỳ, và hoàn thành hơn 86% kế hoạch đã đề ra cho năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm tăng 15,5% so với cùng kỳ, đạt trên 41.500 tỷ đồng.

Về mảng thu nhập ngoài lãi, 9 tháng đầu năm ghi nhận gần 10.400 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 11,6% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước diễn biến không thuận lợi từ thị trường chứng khoản Việt Nam từ đầu năm nay, ngân hàng ghi nhận khoản lỗ lũy kế khoảng hơn 60 tỷ đồng đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh. Chi phí hoạt động cũng tăng 13% so với cùng kỳ, gần 15.000 tỷ đồng.

Điểm nổi bật là chi phí trích lập dự phòng của doanh nghiệp. Trong quý III đầu năm nay, ngân hàng trích lập 5.400 tỷ đồng, giảm 27,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng được trích lập 19.200 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), điều này phù hợp với nhận định và chia sẻ đến từ phía BID từ trước đó. Được biết, BID đã chủ động trích lập dự phòng 100% cho nợ Covid trong các quý trước đó. Việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm với 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, là một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng mạnh trong quý III.

MBS dự phóng TOI của BID trong năm 2022 và 2023 sẽ đạt lần lượt là gần 70.336 tỷ đồng (tăng 13%) và 76.520 nghìn tỷ đồng (tăng 9%). Lợi nhuận trước thuế dự phóng năm 2022 đạt 22.700 tỷ đồng (tăng 68%) và năm 2023 đạt 32.564 tỷ đồng (tăng 43%).

Chi phí dự phòng rủi ro năm 2022 dự phóng đạt 27 nghìn tỷ đồng (giảm 8%) và năm 2023 đạt 22.120 tỷ đồng (giảm 18%). Thu nhập từ lãi dự tính đạt 76% tổng thu nhập hoạt động trong năm 2022 và 2023. Chi phí hoạt động dự phóng đạt 20.540 tỷ đồng trong năm 2022 (tăng 5,5%) và 21.835 tỷ đồng trong năm 2023.

Trước áp lực của việc tăng lãi suất huy động, MBS cho rằng tỷ lệ CASA của BID trong năm 2022 và 2023 sẽ ở mức 17%/năm. Tăng trưởng tín dụng của BID được công ty chứng khoán này dự tính sẽ đạt mức 11,5% trong năm 2022. Tính đết hết quý III năm 2022, tăng trưởng tín dụng của BID đạt 10,1%. Như vậy, ngân hàng vẫn còn 1.4% tín dụng trong quý 4, tương đương với hơn 18.560 tỷ đồng.

Tại mức giá hiện tại 39.000 đồng/ cổ phiếu, MBS khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu BID, với giá mục tiêu sau 12 tháng là 40.900 đồng/ cổ phiếu theo phương pháp kết hợp R/I và P/B.

IDC: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 50.300 đồng/cổ phiếu

Doanh thu thuần quý III/2022 của Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) đạt 2.053 tỷ đồng (tăng 128%so với cùng kỳ), trong đó doanh thu cho thuê đất KCN tăng trưởng mạnh đạt 1,032 tỷ đồng (473%so với cùng kỳ) nhờ ghi nhận 456 tỷ đồng từ doanh thu chưa thực hiện của KCN Mỹ Xuân B1 và doanh thu cho thuê đất từ các KCN Phú Mỹ II và Hựu Thạnh (2)

Doanh thu kinh doanh điện đạt 714 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 422 tỷ đồng (tăng 150%so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp đạt 39%, tăng 19 điểm % so với cùng kỳ do tỷ trọng đóng góp cao hơn của mảng KCN với biên lợi nhuận gộp cao nhờ giá cho thuê tăng trưởng tốt.

Trong quý III/2022, IDC đã cho thuê được 38,3ha phần lớn tại KCN Hựu Thạnh và KCN Phú Mỹ mở rộng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, IDC đã cho thuê được 129.7ha. Ban lãnh đạo tự tin rằng IDC sẽ đạt kế hoạch cho thuê cả năm là 160ha nhờ nhu cầu thuê đất duy trì tích cực.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của IDC năm 2022 đạt lần lượt 8,123 tỷ đồng (tăng 89% so với cùng kỳ) và 2.267 tỷ đồng (tăng 399%). Trong đó, doanh thu mảng KCN trong năm 2022 đạt 4.490 tỷ đồng (550%so với cùng kỳ) từ việc ghi nhận 1.450 tỷ đồng và 456 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện tại KCN Nhơn Trạch 5 và KCN Mỹ Xuân B1 trong 9 tháng năm 2022.

Diện tích cho đất KCN cho thuê ghi nhận doanh thu một lần đến từ các KCN Hựu Thạnh, Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng đạt 85ha. Giá cho thuê đất KCN Hựu Thạnh là 135USD/m2 /chu kỳ thuê, 2 KCN Phú Mỹ II là 125USD/m2 /chu kỳ thuê.

Doanh thu mảng kinh doanh năng lượng dự kiến đạt 2.822 tỷ đồng (tăng 5%so với cùng kỳ). Doanh thu mảng BOT dự kiến đạt 324 tỷ đồng (tăng 5%so với cùng kỳ).

KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của IDC năm 2023 đạt lần lượt 8. 589 tỷ đồng (tăng 6%so với cùng kỳ) và 2.433 tỷ đồng (tăng 7%). Doanh thu mảng KCN năm 2023 dự phóng đạt 4.791 tỷ đồng (tăng 7%so với cùng kỳ) từ việc ghi nhận 650 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện tại KCN Mỹ Xuân B1 và diện tích cho thuê đất KCN mới đạt 145ha đến từ các KCN Cầu Nghìn, Hựu Thạnh, Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng.

Giá cho thuê đất KCN Cầu Nghìn năm 2023 dự phóng đạt 62USD/m2 chu kỳ thuê KCN Hựu Thạnh là 142USD/m2/chu kỳ thuê, 2 KCN Phú Mỹ II là 131USD/m2 /chu kỳ thuê. Doanh thu mảng kinh doanh năng lượng dự kiến đạt 2,963 tỷ đồng (tăng 5%so với cùng kỳ).

Sử dụng phương pháp định giá từng phần SOTP, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu là 50.300 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu của công ty chứng khoán này thay đổi so với báo cáo trước do thay đổi số dư tiền và nợ vay vào thời điểm cuối quý III/2022 và điều chỉnh tăng tỷ suất chiết khấu theo xu hướng tăng của lãi suất.

KBSV  đánh giá tích cực đối với cổ phiếu IDC nhờ vào quỹ đất KCN lớn và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và phát triển KCN. Công ty chứng khoán này kỳ vọng các KCN đang triển khai như KCN Hựu Thạnh, Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng với vị trí thuận lợi sẽ nhanh chóng được lấp đầy trong các năm tới với giá cho thuê tăng trưởng tốt giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị nua đối với cổ phiếu IDC.

Tin mới lên