Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/7): KHG, DBC và PVS

(VNF) - Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) dự báo trong 6 tháng đầu năm, KHG ghi nhận doanh thu gần 503 tỷ đồng (tăng 65% so với năm trước), chủ yếu đến từ hoạt động môi giới cho các sản phẩm của T&T. Với bối cảnh thị trường bất động sản đang chịu nhiều áp lực về lãi suất và tín dụng, thời gian sắp tới sẽ là giai đoạn thử thách cho KHG.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/7): KHG, DBC và PVS

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/7): KHG, DBC và PVS

MASVN: Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu KHG

Kết thúc quý I, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (HoSE: KHG) ghi nhận doanh thu tăng 148,2% so với cùng kỳ lên 198,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 6, tiến sát ngưỡng 50 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động môi giới. Với kết quả này, KHG đã hoàn thành hơn 6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết, các dự án lớn của KHG đang được triển khai và "điểm rơi" lợi nhuận vào các quý còn lại của năm.

Chẳng hạn, doanh nghiệp dự kiến tung ra thị trường các dự án "trọng điểm" như dự án căn hộ cao cấp T&T Phạm Ngọc Thạch (trung tâm TP. Hà Nội); dự án T&T Phước Thọ (TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); dự án T&T Long Xuyên (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang); dự án Sunset Sanato giai đoạn 2 - Phân khu Seladon Boutique Hotel quy mô 27,4ha và hàng loạt các dự án sắp ra mắt khác.

KHG cũng đang tập trung tăng mạnh đội ngũ kinh doanh K.I.S (Khải Hoàn Investment Specialist) chất lượng cao trải dài từ Bắc vào Nam và thực hiện hóa chiến lược luôn nằm trong số doanh nghiệp phân phối bất động sản hàng đầu trên thị trường; đồng thời, đáp ứng quy mô tăng trưởng không ngừng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, KHG "rục rịch" triển khai 4 dự án bất động sản trong miền Nam, ở các khu vực đắc địa như Nhà Bè, Vũng Tàu, Long An và cả thành phố du lịch Phú Quốc. Dự kiến các dự án này sẽ được bắt đầu ghi nhận doanh thu trong tương lai gần.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, các dự án của KHG cũng có những chuyển biến tích cực về pháp lý trong thời gian vừa qua.

Tiêu biểu là dự án La Partenza đã chuẩn bị thi công phần móng, cọc. Dự án Helios Coastal City hiện đã xong quy hoạch 1/500 hay dự án Gò Găng đã duyệt xong quy hoạch 1/2000. MASVN nhận thấy tốc độ triển khai pháp lý của KHG tích cực hơn trong khoảng thời gian gần đây

Tính đến hết quý I, KHG hiện có 811,5 tỷ đồng dư nợ trái phiếu, chiếm 82% tổng cơ cấu nợ vay và đạt 25% vốn chủ sở hữu. Hầu hết trái phiếu đều có tài sản đảm bảo với lãi suất quanh 12%/năm, tương đương trung bình ngành.

Gần đây, KHG đã phát hành thêm và trả cổ tức cho cổ đông với tổng mức 39%.

KHG sẽ tiếp tục huy động vốn để tập trung phát triển dự án và phục vụ hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng liên tục của doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm nhấn được nhà đầu tư quan tâm của KHG.

Dự kiến trong 6 tháng đầu năm, KHG sẽ ghi nhận doanh thu gần 503 tỷ đồng (tăng 65% so với năm trước), chủ yếu đến từ hoạt động môi giới cho các sản phẩm của T&T.

Với bối cảnh thị trường bất động sản đang chịu nhiều áp lực về lãi suất và tín dụng, MASVN cho rằng thời gian sắp tới sẽ là giai đoạn thử thách cho KHG.

Tuy nhiên, về tầm nhìn trung và dài hạn, MASVN cho rằng KHG có nhiều tiềm năng khi các dự án đang triển khai có “điểm rơi” lợi nhuận vào năm 2023 trở đi. Hiện nay, KHG đang được giao dịch ở mức P/E 4 – 5 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành.

SSI: Khuyến nghị khả quan DBC với giá mục tiêu 29.900 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, Tổng cục thống vừa công bố số liệu trong 6 tháng đầu năm 2022, trong đó ghi nhận sản lượng heo hơi đạt 2,1 triệu tấn (tăng 5,7% so với cùng kỳ; quý I tăng 4,3% và quý II tăng 7% cùng kỳ).

Mặc dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa kiểm soát hoàn toàn dịch ASF, nhưng việc này không ảnh hưởng đáng kể đến tổng nguồn cung heo hơi. Việc triển khai tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.

Trong khi đó, giá heo hơi đã giảm 25% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022 và bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều, tuy nhiên không đáng kể trong giai đoạn quý II mặc dù các trường học, nhà máy, nhà hàng và các hoạt động du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn. Giá heo hơi hiện tại đạt khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg (tăng 10-15% so với đầu năm).

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành tăng lần lượt 26%/18%/25% so với đầu năm. Chi phí thức ăn đã tăng 20% so với đầu năm, không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng đến các trang trại thương mại vì thức ăn chiếm 75% tổng chi phí chăn nuôi.

Mặc dù chính phủ đã giảm thuế MFN đối với lúa mì và ngô kể từ tháng 12/2021, nhưng vẫn không đủ để giữ lạm phát ở mức thấp trước những thách thức do xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Chi phí chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính khoảng 55.000-60.000 đồng/kg, trong khi chi phí của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. Với giá heo hơi chỉ khoảng 39.000-55.000 đồng/kg từ quý III/2021 đến quý II/2022, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không có lãi.

Về triển vọng trong tương lai, SSI cho rằng kể từ khi mở cửa trở lại, nhu cầu chưa tăng mạnh. Dữ liệu của OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam dự kiến giảm trước dịch Covid, từ 31,4kg/đầu người trong năm 2018 xuống còn 26,8kg/người trong năm 2022.

Trong khi đó, với tổng số 28,2 triệu con heo dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn heo hơi trong năm nay, nguồn cung heo hơi khó có thể thiếu hụt.

SSI dự báo giá heo hơi sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết, đồng thời ước tính giá heo hơi sẽ đạt khoảng 65.000-70.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022 (tăng 30% so với cùng kỳ vì nửa cuối năm 2021 có mức nền thấp). Về phía nguồn cung, giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành đã giảm so với mức đỉnh.

SSI ước tính chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong quý IV/2022. Do đó, chi phí chăn nuôi sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022, trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm đến cuối năm. SSI cũng kỳ vọng các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022.

Trong đó, "ông lớn" ngành thịt heo như Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) được SSI dự báo tạo ra gần 13.000 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2022, lần lượt tăng 19% và giảm 16% so với năm trước, chủ yếu do năm 2020 và 2021 đều ghi nhận mức nền cao. 

Năm 2023, SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBC lần lượt đạt 13.900 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) và 900 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ), với giả định giá heo hơi bình quân sẽ đạt 60.400 đồng/kg trong năm 2022 và 61.600 đồng/kg trong năm 2023.

Trên thị trường, tại mức giá 26.650 đồng/cổ phiếu, DBC đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 9,1 lần và 7,1 lần. Từ đó, SSI đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu DBC là 29.900 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 13,7%), và lặp lại khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu này.

ACBS: Khuyến nghị tích lũy PVS khi giá tiến gần đến hỗ trợ tại 20.500-21.500 đồng/cổ phiếu

Ba tháng đầu năm 2022, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận doanh thu 3.770 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đóng góp từ các hợp đồng EPC được ký kết trong nửa cuối 2021.

Lợi nhuận gộp chỉ tăng 7,8% so với quý I/2021 do các dự án này đang trong giai đoạn đầu. Cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, thu nhập từ công ty liên kết tăng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 216 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Trước đó trong quý IV/2021, PVS không có thu nhập từ công ty liên kết, thậm chí còn âm do doanh nghiệp ghi nhận chi phí dự phòng cho FPSO Lam Sơn vì chưa chốt được hợp đồng gia hạn sau ngày 30/06/2022.

Trong năm 2022, PVS đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu là 10.000 tỷ đồng (giảm 30% so với kết quả năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 488 tỷ đồng (giảm 28%).

Giới phân tích cho rằng PVS sẽ dễ dàng vượt kế hoạch này và có thể đạt mức tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 26,7% trong các năm 2022-2024, nhờ đóng góp vững chắc của các liên doanh FSO/FPSO, và triển vọng được cải thiện của mảng M&C từ năm 2022. Ngoài ra, PVS dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8% và 7% mệnh giá cho năm 2021-2022.

Phân tích về yếu tố kỹ thuật, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết trong 3 tháng gần nhất, đã chứng kiến lần thứ 4 giá cổ phiếu PVS chạm ngưỡng hỗ trợ 20.500 đồng/cổ phiếu và tăng mạnh ngay sau đó. Điều này có thể cho thấy ngưỡng hỗ trợ này trở nên quan trọng trong thời điểm gần đây.

Giá cổ phiếu PVS tăng mạnh trong hai ngày liên tiếp khi vừa chạm giá 20.500 đồng/cổ phiếu đã hình thành lên tổ hợp mẫu hình nến "Tweezers Bottom" trong phiên giao dịch ngày 11/7 và 12/7, một điểm nhấn củng cố cho sự bền vững của vùng hỗ trợ hiện tại. Đồng thời, đường xu hướng đi lên dài hạn của PVS vẫn được giữ vững từ tháng 3/2020 cho đến nay.

Khối lượng giao dịch trong nhịp giảm gần đây về gần đến đường xu hướng đã suy giảm khá mạnh, cùng với diễn biến giá thu hẹp dần, không còn giảm sâu cho thấy lực cung đã có phần cạn kiệt khi càng gần đến hỗ trợ mạnh. Khung giá vận động hiện tại của PVS vẫn nằm trong vùng từ 20.500 đến 26.000 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh xu hướng dài hạn vẫn đi lên, diễn biến của xu hướng trung và ngắn hạn rõ ràng trong hiện tại, thanh khoản duy trì ở mức thấp, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư tích lũy PVS khi giá tiến gần đến hỗ trợ tại 20.500-21.500 đồng/cổ phiếu và bán khi PVS đạt mục tiêu ngắn hạn tại 26.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất lợi nhuận là 26.8%.

Đồng thời, công ty chứng khoán này cho rằng nên cắt lỗ khi PVS đóng cửa dưới 18.500 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ cắt lỗ là 9,8%. Tỷ trọng PVS cân đối ở mức thấp khi xu hướng ngắn hạn chưa đảo chiều tăng. Bên cạnh vùng hỗ trợ là 20.500 đồng/cổ phiếu, vùng kháng cự được thiết lập ở mức 26.000 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên