Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/4): PLX, DGC và MWG

(VNF) - Với giả định giá dầu sẽ dao động quanh vùng 100 USD/thùng, BVSC dự báo doanh thu năm 2022 của PLX đạt 225.198 tỷ đồng, tăng 33,16% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ - không tính đến lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi PG Bank, đạt 4.233 tỷ đồng, tăng trưởng 49,58%.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/4): PLX, DGC và MWG

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/4): PLX, DGC và MWG

BVSC: Khuyến nghị khả quan PLX với giá mục tiêu 65.663 đồng/cổ phiếu

Ngày 29/3 vừa qua, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HoSE: PLX) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 để bầu ra thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2026. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, ban chủ tọa đã có những chia sẻ trong phần hỏi đáp, hé lộ một số thông tin về định hướng và hoạt động của tập đoàn trong năm 2022.

Theo đó, bắt đầu từ quý II, PLX sẽ tăng cường nhập khẩu xăng dầu để bù đắp lượng dầu thiếu hụt do việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm hiệu suất lọc hóa dầu. Tuy nhiên, hội đồng quản trị kỳ vọng rắc rối về tài chính mà nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp phải có thể được giải quyết trong tháng 5/2022.

Khi được hỏi về tiến độ thoái vốn của PLX tại 2 doanh nghiệp là PG Bank (PGB) và Pjico, ban chủ tọa có 1 số chia sẻ, trong đó đối với trường hợp của PGB, tuần trước, nhóm đại diện vốn của tập đoàn đã họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Minh Khái để đưa ra các lộ trình và giải pháp thoái vốn tại PGB.

Hiện tại tập đoàn đang chờ văn bản chỉ đạo từ phía Ủy ban trước khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước để thực hiện việc thoái vốn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thành viên ban chủ tọa thể hiện sự lạc quan về khả năng PLX sẽ hoàn tất thoái vốn tại PGB trong năm 2022.

Còn đối với trường hợp của Pjico thì ban lãnh đạo tập đoàn cũng đang chờ đợi văn bản chỉ đạo từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Năm 2022, cùng với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, BVSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của PLX nhìn chung sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của PLX sẽ tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2021, do nền kinh tế nhiều khả năng sẽ không phải chịu rủi ro giãn cách xã hội như thời điểm quý III/2021 dẫn đến nhu cầu đi lại phục hồi mạnh.

Thêm vào đó, việc nối lại hoàn toàn hoạt động bay quốc tế kể từ ngày 15/3, cũng sẽ giúp cho sản lượng tiêu thụ nhiên liệu bay Jet A1 hồi phục trong năm nay.

Việc giá dầu hồi phục mạnh và neo ở vùng 100 USD/thùng đã và đang có tác động tích cực lên doanh thu của doanh nghiệp. Với những bất ổn chính trị thế giới hiện nay, BVSC kỳ vọng giá dầu trong năm 2022 sẽ có biến động mạnh trong vùng từ 100 - 130 USD/thùng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PLX.

Với giả định giá dầu sẽ dao động quanh vùng 100 USD/thùng, BVSC dự báo doanh thu năm 2022 của PLX đạt 225.198 tỷ đồng, tăng 33,16% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ - không tính đến lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi PG Bank, đạt 4.233 tỷ đồng, tăng trưởng 49,58%.

Ước tính quý I, PLX có thể thu về 52.576 tỷ đồng, tăng 37,47% cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.381 tỷ đồng, tăng 116,61% cùng kỳ.

Hiện BVSC khuyến nghị khả quan đối với PLX, với giá mục tiêu được xác định bằng phương pháp DCF là 65.663 đồng/cổ phiếu, triển vọng tăng giá 26%.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu DGC

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 vào ngày 29/3, trong đó, đại hội đã thông qua phương án chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 127%, bao gồm 10% bằng tiền và 117% bằng cổ phiếu.

Hồi cuối năm ngoái, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền, do đó phần cổ tức tỷ lệ 117% bằng cổ phiếu còn lại sẽ được chi trả nốt trong năm nay, sau khi được cơ quan có thầm quyền chấp thuận. Với hơn 171 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DGC dự kiến phát hành thêm hơn 200 triệu cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại hội cũng thông qua kế hoạch phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP dành cho người lao động, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 5%, dự kiến thực hiện trong năm 2022. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Như vậy, sau khi hoàn tất các đợt phát hành này, vốn điều lệ của DGC sẽ tăng từ 1.710 tỷ đồng lên gần 3.800 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, đại hội giao chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 39% so với thực hiện năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức dự định là 30%, thấp hơn đáng kể so với năm 2021.

Thêm vào đó, ban lãnh đạo cũng chia sẻ về kết quả kinh doanh sơ bộ quý I, với 1.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 7% so với quý liền kề, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại năm 2021, DGC ghi nhận doanh thu tăng 53% cùng kỳ, đạt 9.550 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 165%, đạt mức kỷ lục 2.513 tỷ đồng, vượt 128% kế hoạch đề ra.

Trên thị trường, Công ty Cổ phần Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định mức stock rating của DGC ở mức 97 điểm, cho thấy đánh giá mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực. Đồ thị giá của DGC đóng cửa tăng 1,5% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ trên mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, các chỉ báo xung lực giảm nhẹ trong vùng quá mua và cảnh báo rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu tăng nhẹ, nhưng dấu hiệu này vẫn chưa đáng ngại khi đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.

Trước đó, Yuanta đã khuyến nghị mua DGC vào phiên 21/2/2022 với lợi nhuận tạm tính là 53,44%, cho nên công ty chứng khoán khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này.

SSI: Khuyến nghị mua MWG, mức sinh lời dự kiến 19,3%

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 2 tháng đầu năm, với doanh thu thuần 25.383 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 1.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 18% và 17% kế hoạch cả năm.

Về mảng ICT, tính đến tháng 2/2022, MWG có 976 cửa hàng Thế giới Di động (tăng 6 cửa hàng so với đầu năm) và 2.038 cửa hàng Điện máy Xanh (tăng 46 cửa hàng so với đầu năm, trong đó 39 cửa hàng mới là Điện máy Xanh Supermini) và 22 cửa hàng Topzone (tăng 12 cửa hàng so với đầu năm).

Trong đó, doanh thu online tăng trưởng 160% cùng kỳ, đạt 4.000 tỷ đồng. Kết quả này có được trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng nhanh trong thời gian gần đây, khiến người tiêu dùng ngày càng lựa chọn phương thức mua hàng online để tránh đám đông. Để duy trì tính cạnh tranh so với các đối thủ thương mại điện tử (e-commerce), MWG đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Bên cạnh đó, do thu nhập hộ gia đình vẫn ở mức thấp, nên việc giảm giá sâu để thu hút nhiều khách hàng là điều cần thiết thay vì chỉ tập trung vào khả năng sinh lời ngắn hạn. Doanh thu online hiện chiếm 19% tổng doanh thu ICT (so với mức 14% trong năm 2021).

Về mảng bách hóa, tính đến tháng 2/2022, MWG có 2.122 cửa hàng Bách hóa Xanh (tăng 16 cửa hàng so với đầu năm). Công ty Chứng khoán SSI (SSI) ước tính, doanh thu/tháng/cửa hàng trong 2 tháng đầu năm đạt khoảng 900 triệu đồng, tương đương với quý IV/2021.

MWG đang tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng và các quy trình vận hành, đồng thời kỳ vọng những điều này sẽ giúp thúc đẩy doanh thu từ quý II/2022.

Ngày 15/3/2022, MWG công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để mở chuỗi Era Blue, bán hàng điện tử tiêu dùng tại Indonesia, và dự kiến cửa hàng Era Blue đầu tiên sẽ được mở vào giữa năm 2022.

Được biết Tập đoàn Erajaya điều hành hơn 1.200 cửa hàng ở Indonesia, bao gồm chuỗi điện thoại di động (Erafone) và chuỗi cửa hàng của hãng Apple, Samsung, Xiaomi, cũng như các chuỗi viễn thông và các chuỗi khác (The Face Shop, Urban Republic, Paris Baguette). Năm 2011, Erajaya trở thành nhà bán lẻ hiện đại số 1 về các sản phẩm ICT tại Indonesia tính theo thị phần (không bao gồm điện tử tiêu dùng).

Thị trường bán lẻ điện tử tiêu dùng ở Indonesia vẫn còn phân mảnh, với kênh thương mại hiện đại chỉ chiếm chưa đến 15% thị phần. Với chuyên môn của MWG trong lĩnh vực bán lẻ điện tử tiêu dùng và khả năng vận hành hơn 5.000 cửa hàng trên toàn quốc, năng lực đã được chứng minh cùng với sự am hiểu thị trường địa phương của Erajaya có thể là động lực vững chắc để liên doanh cùa 2 bên trở thành nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng hàng đầu ở Indonesia trong 5 năm tới.

Hiện SSI duy trì ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 của MWG là 6.875 tỷ đồng (tăng 40% so với năm ngoái) và lặp lại khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 174.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời dự kiến 19,3%.

Tin mới lên