Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/6): NT2, VHC và ACB

(VNF) - SSI cho rằng, 200 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá giữa NT2 và EVN có thể được ghi nhận trong nửa cuối năm 2022 và 140 tỷ đồng còn lại có thể được thanh toán trong năm 2023. Do đó, khoản chênh lệch tỷ giá có thể sẽ giúp lợi nhuận sau thuế năm 2022 của NT2 đạt 746 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/6): NT2, VHC và ACB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/6): NT2, VHC và ACB

SSI: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu NT2

Hết quý I, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) chứng kiến sự hồi phục mạnh, trong đó doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 39% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện thương phẩm gần như đi ngang trong quý này, đạt 994,7 triệu kWh (tăng nhẹ 4,3% cùng kỳ), tuy nhiên giá bán trung bình tăng mạnh bù đắp cho việc sản lượng đi ngang, dẫn tới doanh thu có mức hồi phục tương đối đáng kể trong quý I.

Tại đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, NT2 đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 khá thận trọng với 468 tỷ đồng, thấp hơn 12% so với thực hiện năm ngoái, chưa bao gồm khoản hoàn nhập chênh lệch tỷ giá từ EVN.

Được biết, khoản chênh lệch tỷ giá giai đoạn 2015-2019 khoảng 200-340 tỷ đồng có thể được EVN thanh toán trong nửa cuối năm 2022. Theo ban lãnh đạo, NT2 và EVN đã đàm phán xong và có thể thanh toán trong nửa cuối năm 2022.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) giả định khoảng 200 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá có thể được ghi nhận trong nửa cuối năm 2022 và 140 tỷ đồng còn lại có thể được thanh toán trong năm 2023. Do đó, khoản chênh lệch tỷ giá có thể sẽ giúp lợi nhuận sau thuế năm 2022 của NT2 đạt 746 tỷ đồng (tăng 41,5% so với cùng kỳ).

Nếu loại trừ khoản này, lợi nhuận sau thuế cốt lõi năm 2022 có thể tăng 4% đạt 546 tỷ đồng nhờ giá bán trên thị trường cạnh tranh tăng cao (tăng 30% cùng kỳ), điều này sẽ bù đắp cho giá khí tăng cao 8,96 USD/mbtu (14,4% so với cùng kỳ).

Thông tin tại đại hội, NT2 cho biết đang nghiên cứu các dự án giảm công suất tối thiểu và làm mát không khí đầu vào tuabin khí. Trong đó, dự án giảm công suất tối thiểu có thể giúp giảm số lần lên/xuống khởi động tổ máy khi huy động sản lượng điện thay đổi đột ngột và từ đó có thể giúp giảm chi phí khởi động tổ máy.

Mặt khác, dự án làm mát không khí đầu vào tuabin có thể giảm suất hao nhiệt và cải thiện hiệu suất phát điện. Ngoài ra, nguồn cung khí cho NT2 có thể được PVGAS đảm bảo đến năm 2035, theo ban lãnh đạo.

SSI nhận định, cổ phiếu của NT2 đã vượt giá mục tiêu đưa ra trước đó là 26.800 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 16/6 ở mức 27.800 đồng/cổ phiếu). Và SSI điều chỉnh ước tính ước tính lợi nhuận theo khoản chênh lệch tỷ giá giai đoạn 2015-2019 và đưa ra mức giá mục tiêu mới là 29.300 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 5,4%).

Tỷ suất cổ tức năm 2022 là 6,5% trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện tại là khoảng 5-5,2% tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Trong 12 tháng tới, SSI ước tính lãi suất tiền gửi có thể tăng 100 điểm cơ bản và tỷ suất cổ tức của NT2 có thể không hấp dẫn bằng. Với tổng mức sinh lời là 12% bao gồm cả tỷ suất cổ tức, công ty chứng khoán này khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu NT2.

AGR: Khuyến nghị tăng tỷ trọng cho cổ phiếu VHC

Gần đây, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 5 khả quan với doanh thu tăng trưởng ở mức 96% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 91% cùng kỳ.

Trong đó, mảng đóng góp lớn nhất vẫn là cá tra với doanh thu tháng 5 đạt 1.036 tỷ đồng (tăng gấp đôi); thị trường Mỹ đóng góp lớn nhất vào đà tăng trưởng khi ghi nhận 812 tỷ đồng doanh thu (tăng 159% cùng kỳ).

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho biết, bên cạnh nhu cầu xuất khẩu có sự phục hồi tốt hậu đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine cũng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của VHC. Nga là quốc gia xuất khẩu cá Minh Thái và cá Tuyết lớn trên thế giới, chiếm 20% thị phần cá thịt trắng toàn cầu. Việc quốc gia này bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu mở ra cơ hội cho cá tra Việt Nam trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng.

Cũng theo AGR, việc Trung Quốc bình thường hóa nền kinh tế là động lực để thị trường này tăng trưởng mạnh trở lại trên mức nền thấp của năm 2021. Mặc dù ảnh hưởng bởi đợt phong tỏa vừa rồi, xuất khẩu của VHC sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng 11% riêng trong tháng 5 và 15% trong 5 tháng đầu năm

Mới đây, VHC đã được cấp phép để xuất khẩu cá tra vào Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Các mặt hàng được phép xuất khẩu bao gồm cá tra đông lạnh, phi lê cá... Trước đó, xuất khẩu cá tra sang khối này còn nhiều hạn chế, với thông tin kể trên, VHC kỳ vọng có thể khai phá thị trường mới này.

Doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá cá tra. Hiện giá cá tra nguyên liệu gần đây đã tăng mạnh lên mức 32.000 đồng/kg, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, bởi nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu xuất khẩu đang tăng mạnh.

Giá cá tra xuất khẩu của VHC đã tăng lên hơn 4,5 USD/kg trong tháng 4/2022, trong khi cùng kỳ chỉ ở mức 2,9 USD/kg. AGR cho rằng, giá cá tra có thể tiếp tục tăng với việc nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu ở mức cao trong khi nguồn cung cá nguyên liệu đang bị hạn chế.

Nhìn chung, công ty chứng khoán này dự báo VHC có thể tăng trưởng tích cực trong năm 2022 khi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính khả quan.

Đồng thời, VHC được hưởng lợi và có thể chiếm lĩnh thị phần cá thịt trắng bởi Nga đang chịu các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu. Giá cá tra cũng đang trong chu kỳ tăng tốt và hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, AGR đánh giá khả quan và nâng giá mục tiêu lên 120.000 đồng/cổ phiếu (triển vọng tăng giá là 20%) và khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu VHC ở vùng giá hiện tại.

VND: Khuyến nghị khả quan ACB với giá mục tiêu 41.700 đồng/cổ phiếu

Quý I, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp bởi tăng trưởng cho vay lành mạnh, thu nhập ngoài lãi và đặc biệt là việc hoàn nhập dự phòng. Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cho vay tăng 5% so với hồi đầu năm (tăng 17% so với cùng kỳ), trong đó cho vay bán lẻ vẫn là động lực chính (tăng 6% so với đầu năm; chiếm 63% tổng dư nợ).

Trong quý này, thu nhập ngoài lãi tăng 36% cùng kỳ nhờ thu nhập từ phí tăng 18% cùng kỳ và việc thu nợ từ nhóm G6. Đáng chú ý, dựa trên việc trích lập dự phòng mạnh mẽ trước đó trong năm 2021, ACB đã có thể hoàn nhập dự phòng trong quý I (3 tỷ đồng), chủ yếu đến từ việc hoàn nhập dự phòng nợ tái cơ cấu.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu quý I tăng 11,4% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì thấp với 0,82% (so với 0,77% vào cuối 2021); tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) ở mức 188% (so với 209% vào cuối 2021).

Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, việc Chính phủ có những bước đầu giám sát chặt chẽ hơn về hoạt động của thị trường vốn Việt Nam đã dẫn đến hiệu ứng bán tháo trên thị trường chứng khoán và ngành ngân hàng cũng không là ngoại lệ kể từ tháng 4/2022.

Tuy nhiên, ACB lại ghi nhận mức giảm giá thấp nhất so với toàn ngành (chỉ giảm 4% so với mức giảm chung là 16,6%). ACB là một trong những ngân hàng bán lẻ tốt nhất tại Việt Nam và là một ngân hàng có chiến lược thận trọng với danh mục tài sản không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), do đó ACB đã không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ gần đây lên thị trường này.

Mặt khác, cho vay bất động sản chiếm 18% danh mục của ACB tuy nhiên chủ yếu đến từ cho vay mua nhà (15%), vì vậy ACB sẽ không chịu tác động đáng kể trước động thái kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vay đổ vào lĩnh vực bất động sản gần đây.

Trước những diễn biến mới, VND vẫn kỳ vọng lợi nhuận ròng của ACB sẽ tăng trưởng lần lượt 25% và 18% so với cùng kỳ trong các năm 2022-2023. Sự điều chỉnh của thị trường vừa qua đã đẩy định giá của ACB xuống mức đáy 3 năm: chỉ 1,23 lần P/BV dự phóng 2022, tương đương giảm 2 độ lệch chuẩn.

Với khả năng sinh lời mạnh mẽ và bảng cân đối kế toán lành mạnh, công ty chứng khoán này cho rằng ACB xứng đáng được định giá ở mức P/BV 1,9 lần và đây sẽ là thời điểm để các nhà đầu tư bắt đầu mua vào và nắm giữ 1 ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt như ACB.

Giá mục tiêu đưa ra là 41.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên sự kết hợp phương pháp P/BV năm 2022 là 1,9 lần và phương pháp định giá thu nhập thặng dư. Rủi ro đối với khuyến nghị bao gồm việc lạm phát cao hơn dự kiến và nợ xấu của ACB tăng cao hơn dự kiến.

Tin mới lên