Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/11): DGW, BMP và NHT

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 17/11, bao gồm DGW, BMP và NHT.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/11): DGW, BMP và NHT

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/11): DGW, BMP và NHT

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho DGW

Kết thúc quý III, Công ty Cổ phần Thế giới Số (HoSE: DGW) ghi nhận doanh thu đạt 3.868 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 107 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DGW ở mức 13.277 tỷ đồng và 331 tỷ đồng, cao hơn 55% và 97% so với mức thực hiện cùng giai đoạn năm 2020. Với kết quả này, DGW đã hoàn thành 87% kế hoạch doanh thu và vượt 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Doanh nghiệp cho biết, doanh thu quý III tiếp tục tăng trưởng nhờ mảng máy tính xách tay và máy tính bảng khả quan hơn trong bối cảnh Covid-19 khiến nhu cầu học tập, làm việc online tăng lên. Theo đó, hai mảng này đã mang về cho DGW 1.854 tỷ đồng doanh thu trong quý, tăng 46%. Mặt khác, lợi nhuận cải thiện là nhờ biên lợi nhuận gộp cao hơn, đồng thời phát sinh thêm doanh thu tài chính tăng đột biến (hơn 130% cùng kỳ) nhờ tỷ giá và chiết khấu - được hưởng từ nhà sản xuất.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định, trong ngắn hạn, quý IV thường là mùa cao điểm, đóng góp khoảng 30-40% lợi nhuận cả năm của DGW. Ban lãnh đạo đã đặt mục tiêu doanh thu cho quý IV/2021 là 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 177 tỷ đồng.

Trong đó, mảng thiết bị văn phòng dự kiến có doanh thu đến từ Microsoft (hiện tại là software và từ 2022 sẽ phân phối thêm các sản phẩm hardware). DGW cũng tự tin về tăng trưởng thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam cho năm sau.

Yuanta kỳ vọng mảng điện thoại di động sẽ hồi phục theo đà kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách từ quý IV/2021 và sang 2022. Đồng thời, xu hướng học và làm việc online vẫn sẽ tiếp tục và DGW sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này.

Dự kiến từ năm 2022, DGW sẽ bắt đầu phân phối thêm các sản phẩm thiết bị gia dụng (TV, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt...) của 2 nhãn hàng đến từ Mỹ và Trung Quốc. Đây sẽ là các động lực tăng trưởng trong trung hạn của DGW.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DGW đang được giao dịch tại mức P/E dự phóng là 23 lần (tương ứng EPS là 4.738 đồng), thấp hơn mức trung bình ngành 25,5 lần. Mức stock rating của DGW ở mức 92 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, đồ thị giá của DGW vượt đường trung bình 20 và 50 phiên với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn nâng lên mức tăng.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức tối ưu là 30,38% khi rủi ro thị trường có chiều hướng giảm.

BVSC: Khuyến nghị khả quan dành cho BMP, giá mục tiêu 68.700 đồng/cổ phiếu

Quý III vừa qua, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh tới 59% so với cùng kỳ, xuống 10.800 tấn - thấp hơn 64% so với quý liền trước.

Kéo theo đó, doanh thu giảm mạnh 53% cùng kỳ, còn 527 tỷ đồng. Do không đủ nguồn thu để trang trải các chi phí cố định (chi phí khấu hao) và chi phí hoạt động, BMP đã lỗ trước thuế trên 32 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo BMP mới đây đã công bố một số thông tin cho thấy triển vọng khả quan hơn trong giai đoạn kế tiếp. Theo BMP, qua cuộc khảo sát nội bộ đã chỉ ra trên 95% tổng số nhân viên sẵn sàng quay trở lại làm việc sau nới lõng giãn cách xã hội. Đáng chú ý, 92% người lao động được tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh đó, công suất hiện tại của BMP đang ở mức 75% và từ tháng 11, nếu dịch bệnh kiểm soát tốt hơn thì công suất có thể phục hồi hoàn toàn. Cũng theo ban lãnh đạo, doanh thu thời điểm đầu tháng 10 đang tăng nhanh chóng với hơn 21 tỷ đồng, cao hơn rõ rệt với mức 5 tỷ đồng và 11 tỷ đồng trong tháng 7-9, nhờ nhu cầu dồn nén và các hoạt động vận chuyển và bán hàng tốt lên sau các nới lõng giãn cách xã hội.

Trong khi đó, giá PVC gần đây cũng đạt mức cao mới với 1.800 USD/tấn, cao hơn mức trung bình tháng 7 là 1.270 USD/tấn và mức trung bình trong năm 2020 là 1.000 USD/tấn. Do đó, BMP đã có lần tăng giá bán thứ ba trong năm nay, thêm 12% vào ngày 25/10, sau cho hai lần tăng trước đó khoảng 7% mỗi lần trong quý I/2021, với nỗ lực chuyển giá đầu tăng cho khách hàng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc tăng giá bán có vẻ hỗ trợ cho cả triển vọng ngắn hạn và dài hạn của BMP và cắt giảm hoạt động linh hoạt có thể vẫn duy trì để hỗ trợ lợi nhuận. Mức giá tốt hơn cùng với lượng hàng tồn kho chi phí thấp là yếu tố hỗ trợ cho triển vọng hồi phục trong quý IV của BMP.

BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của BMP ở mức 6.354 tỷ đồng và 396 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 100% so với cùng kỳ. Sang năm 2023, BMP được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng với doanh thu đạt 6.472 tỷ đồng (tăng 2%) và lợi nhuận sau thuế đạt 456 tỷ đồng (tăng 15% cùng kỳ).

Điểm đáng lưu tâm, đó là với nền tảng tài chính vững chắc, kế hoạch đầu tư khiêm tốn và lợi nhuận kỳ vọng phục hồi, BVSC dự báo BMP sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022-2023 trong khoảng 4.800 đồng-5.500 đồng/cổ phiếu, trong khi mức ước tính cổ tức của năm 2021 là 2.200 đồng/cổ phiếu.

Do đó, BVSC đưa ra mức giá mục tiêu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền cho BMP là 68.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng 18,2% so với thị giá hiện tại, bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%. Đồng thời, khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu này.

MASVN: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với NHT

Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (HoSE: NHT) là doanh nghiệp khá lâu đời, thành lập vào năm 1993 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất đồ gỗ nội thất và đèn trang trí. Sau năm 1995, NHT bắt đầu xuất khẩu sản phẩm tới các thị trường lớn Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ. Đặc biệt, thị trường Mỹ và châu Âu hiện đang chiếm tới 88% doanh số bán hàng hợp nhất của NHT trong năm 2020.

NHT cũng là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi bằng gỗ dành cho trẻ em tại Việt Nam, một thị trường khá hấp dẫn và đang có tín hiệu phát triển mạnh.

Trước đó, năm 2019, NHT đã tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy thứ 2 tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi với tổng công suất 3 triệu sản phẩm/năm (tăng 300% tổng công suất), được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại, ra mắt hai dòng sản phẩm mới mang thương hiệu Namhoa Furniture (nội thất an toàn) và Namhoa Design (đồ trang trí).

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) dự phóng nhà máy mới sẽ đem về hơn 230 tỷ doanh thu cho NHT vào năm 2023, gấp đôi so với hiện nay (không tính doanh thu hợp nhất của công ty Miền Quê).

Tuy nhiên, năm 2021 là năm không thuận lợi cho NHT bởi nhiều yếu tố khách quan. Đặc biệt ở quý III vừa rồi, TP. HCM đã phải thực hiện giãn cách triệt để trong suốt 4 tháng, điều này đã làm tăng chi phí sản xuất của NHT lên khá nhiều vì cả 2 nhà máy sản xuất của NHT đều đặt tại TP. HCM (quận 12 và Củ chi).

Bên cạnh đó dịch bệnh cũng tác động làm chi phí nguyên vật liệu và vận tải biển tăng trong năm 2021, làm giảm biên lợi nhuận gộp của tất cả các mảng kinh doanh của NHT. Theo đó, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của NHT giảm 25,5% xuống còn 36,8 tỷ đồng.

MASVN kỳ vọng biên lãi gộp của NHT sẽ bắt đầu cải thiện từ quý IV/2021 và tiến dần về mức trước dịch trong năm 2022 và 2033 - khi tỷ lệ viêm chủng đã đạt mức cao và các chi phí vận tải biển hạ nhiệt. Hiện công ty chứng khoán này khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu NHT với giá mục tiêu 48.600 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền.

Tin mới lên