Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/5): CTG, PVT và REE

(VNF) - ĐHĐCĐ thường niên 2022 của CTG đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 15% và tổng tài sản tăng 5-10% so với thực hiện năm ngoái; tăng trưởng tín dụng đạt 10-12% tùy vào hạn mức Ngân hàng Nhà nước cấp. Ngân hàng cũng dự định phát hành gần 570 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tương đương 11,85% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/5): CTG, PVT và REE

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/5): CTG, PVT và REE

KBSV: Khuyến nghị mua CTG, giá mục tiêu 38.400 đồng/cổ phiếu

Kết thúc quý I, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) ghi nhận thu nhập lãi thuần 10.146 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 5.822 tỷ đồng, giảm 28% cùng kỳ nhưng cải thiện hơn so với quý liền kề (tăng 58%). Tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh sau ba tháng đầu năm, đạt 9,1%.

Tỷ lệ nợ xấu không có nhiều thay đổi, đạt 1,25%, giảm 1 điểm cơ bản so với quý trước đó; tuy nhiên, nợ nhóm 5 tăng mạnh từ 0,46% lên 0,58%. Trong quý, CTG tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng 4.426 tỷ đồng, tăng mạnh 228% so với cùng kỳ; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 197,3%, cao thứ 4 hệ thống ngân hàng.

Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, tại đại hội cổ đông thường niên 2022, CTG đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 15% cùng kỳ; tổng tài sản tăng 5-10%; tăng trưởng tín dụng đạt 10-12% tùy vào hạn mức từ Ngân hàng Nhà nước cấp;

Trong khi đó, tăng trưởng huy động mục tiêu 8-10%; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,8%; trích lập dự phòng dự kiến 12.000-15.000 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là gần 570 triệu cổ phiếu, tương đương 11,84% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2022 là 38.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 56% so với giá đóng cửa phiên 16/5.

VCSC: Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) đã công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi lần lượt tăng 17,8% và 16,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đóng góp từ các tàu chở dầu mới đã mua trong giai đoạn cuối năm 2021 và nhu cầu vận tải phục hồi.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo chỉ tăng 11,8% so với năm trước, do không có lợi nhuận bất thường từ việc thanh lý tàu chở dầu trong quý I. PVT cũng đã đầu tư vào 2 tàu chở hóa chất mới với vốn đầu tư 361 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, doanh thu và lợi nhuận ròng của PVT trong quý I đã hoàn thành 22,8% và 18,7% dự báo cả năm của công ty chứng khoán này.

Các quý tiếp theo, VCSC kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao hơn nhờ doanh nghiệp ghi nhận trước chi phí bảo trì; kỳ vọng tăng giá thuê tàu chở dầu thô/hóa chất cho một số hợp đồng vận tải nước ngoài trong quý II khi giá thuê tàu chở dầu thô/hóa chất quốc tế đã phục hồi kể từ tháng 3.

Năm 2022, nhiều dự báo cho thấy giá cước vận tải sẽ cải thiện nhờ nhu cầu tiêu thụ hồi phục và động lực từ xung đột Nga-Ukraine. Cụ thể, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), cung/cầu sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2022, từ đó thúc đẩy nhu cầu tàu chở dầu và giá cước vận tải năng lượng cải thiện đáng kể.

Xung đột giữa Nga-Ukraine cũng trở thành một chất xúc tác tốt cho sự phục hồi của ngành vận chuyển năng lượng, việc thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga sẽ dẫn tới việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu dầu khí, từ đó giúp tăng giá cước vận tải ở các tuyến hoạt động của PVT và tác động tích cực đến giá cho thuê tàu của doanh nghiệp.

VCSC đang khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVT, cùng mức giá mục tiêu 26.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng giá 50%.

KBSV: Khuyến nghị mua cổ phiếu REE

KBSV cho biết, với tình trạng quá tải sân bay ở khu vực Nam Bộ, sẽ dẫn tới nhu cầu đầu tư mở rộng mới các sân bay và Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) với tư cách nhà thầu cơ điện hàng đầu sẽ có khả năng trúng thầu các dự án sân bay lớn như dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.

Ngoài ra, thị trường Bất động sản phục hồi sẽ là tín hiệu tích cực cho mảng M&E. KBSV ước tính tăng trưởng CAGR của mảng này sẽ đạt 21,5%/năm nhờ vào những triển vọng hồi phục tích cực.

Công ty chứng khoán này cho rằng, mảng cho thuê văn phòng của REE sẽ giữ được tăng trưởng doanh thu ổn định với CAGR 2022-2026 đạt 10,8%/năm, nhờ tỷ lệ lấp đầy sẽ tiếp tục duy trì ở mức trung bình 98-100%; giá cho thuê văn phòng tiếp tục có xu hướng tăng trong trung và dài hạn và E.town 6 hoạt động trong năm 2023 sẽ góp phần tăng diện tích cho thuê của REE với giá thuê trung bình cao hơn, đạt khoảng 27 USD/m2/tháng.

Mặt khác, mảng thuỷ điện sẽ không còn thuận lợi như năm 2021 do quý III tới được dự báo sẽ kết thúc giai đoạn La Nina, tuy nhiên VSH với thuỷ điện Thượng Kon Tum sẽ là động lực chính của mảng thuỷ điện với giá PPA được đàm phán lại cao hơn, khoảng 1.310 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, KBSV kỳ vọng 3 dự án điện gió hoạt động cả năm sẽ bù đắp lại sản lượng thiếu hụt của nhiệt điện than và thuỷ điện. KBSV cũng tin rằng triển vọng tích cực của kế hoạch phát triển điện mặt trời của REE nhờ vào trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ trong Quy hoạch điện VIII.

Dựa trên định giá SOTP, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu REE, giá mục tiêu 111.600 đồng/cổ phiếu, mức sinh lời dự kiến 48% so với thị giá hiện tại.

Tin mới lên