Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/6): SBT, MSB và PHR

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 18/6, bao gồm SBT, MSB và PHR.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/6): SBT, MSB và PHR

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/6): SBT, MSB và PHR

MASVN: Khuyến nghị mua SBT, giá mục tiêu 1 năm là 31.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, năm tài chính từ 1/7/2020 – 30/6/2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) đạt 10.760 tỷ (tăng 18%) và 479 tỷ (tăng 225% cùng kỳ).

Trong kỳ, sản lượng tiêu thụ đạt 877.000 tấn, tăng 26% cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ mức 9,7% lên mức 14%; doanh thu tài chính giảm mạnh từ 642 tỷ xuống còn 298 tỷ do không còn ghi nhận lãi chuyển nhượng quyền mua cổ phần.

SBT là doanh nghiệp sản xuất mía đường lớn nhất tại Việt Nam với mức thị phần đạt hơn 46% trong nước với tổng sản lượng tiêu thụ năm 2020 đạt hơn 1,1 triệu tấn đường. SBT sở hữu gần 64.000 ha vùng nguyên liệu tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngoài ra, SBT đang sở hữu 9 nhà máy trong đó 8 nhà máy được đạt tại Việt Nam và 1 nhà máy được đặt tại Lào.

Tổng công suất thiết kế của 9 nhà máy đạt 4.250 tấn đường/ngày và 37.500 tấn mía ép/ ngày. Trong đó, công suất sản xuất đường tinh luyện ước đạt 2.000 tấn/ngày.

Niên độ 2019-2020, sản lượng đường sản xuất trên thế giới ghi nhận mức 174,5 triệu tấn, giảm 4,4% so với năm trước đó. Trong khi, sản lượng đường sản xuất của Việt Nam chỉ đạt 0,75 triệu tấn, giảm khoảng 37% cùng kỳ do diện tích trồng mía giảm mạnh hơn 40% từ 255.000 ha xuống còn khoảng 150.000 ha.

Nguyên nhân do nhiều khó khăn từ biên lợi nhuận thấp, thời tiết bất lợi, đường nhập lậu. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chỉ 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt khoảng 5,3 triệu tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường. Trong khi nhu cầu của thị trường ở mức 2 triệu tấn/năm và mục tiêu tăng lên mức 2,5 triệu tấn vào năm 2025.

Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương vừa có Quyết định 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với tổng mức thuế đạt 47,64%. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước có lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm đường nhập khẩu.

Doanh thu thuần dự phóng cho niên độ 2020-2021 của SBT ước đạt 14.673 tỷ (tăng 13,8%) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 417 tỷ (tăng 13,4% cùng kỳ). Doanh thu thuần dự phóng cho niên độ 2021-2022 ước đạt 17.608 tỷ đồng (tăng 20%) và lợi nhuận sau thuế thuộc công ty mẹ ước đạt 708 tỷ đồng (tăng 69%).

Trong đó, doanh thu bán đường đạt 16.199 tỷ (tăng 22,7%); giá bán cải thiện giúp biên lợi nhuận tăng từ 14% lên mức 15,6%; sản lượng bán kỳ vọng bứt phá khi nhu cầu ở Bắc Mỹ và các nước quay trở lại sau đại dịch Covid- 19 và chi phí bán hàng ghi nhận mức tăng 15%, thấp hơn mức tăng 20% trong niên độ 2020-2021.

EPS dự phóng niên độ 2021-2022 ước đạt 1.109 đồng, tương ứng với mức P/E đạt 19 lần, đây là mức thấp nhất trong trung bình 5 năm đối với cổ phiếu này (P/E trung bình 30,4). Vì vậy, MASVN đánh giá khả quan về dài hạn với SBT do sản lượng tiêu thụ sẽ phục hồi sau đại dịch, riêng thị trường trong nước sẽ có sức cạnh tranh với đường nhập khẩu nhờ vào chính sách mới; giá bán tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao...

SSI: Khuyến nghị trung lập đối với MSB

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu MSB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam) và tăng giá mục tiêu 1 năm thêm 25,1%, lên 29.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng giá là 7,7%.

SSI cho rằng, MSB có thể bán vốn ít nhất 50% FCCOM với giá 1.000 tỷ đồng hoặc nhiều hơn, nếu điều này xảy ra giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu có thể tăng lên.

Với kết quả lợi nhuận quý I/2021 tăng mạnh, SSI nâng dự báo lợi nhuận trước thuế của MSB thêm 10,3% trong năm 2021 lên 3.860 tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ). Trong quý, lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng (tăng 296% so với cùng kỳ), hoàn thành 35% kế hoạch năm 2021 (3.300 tỷ đồng).

Nếu không bao gồm khoản lợi nhuận bất thường 200 tỷ đồng từ việc bán danh mục cổ phiếu (MBB), mảng hoạt động cốt lõi của MSB tăng 227% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng từ thu nhập lãi ròng (NII) (tăng 58,8% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi (tăng 20,4% so với cùng kỳ) và CIR giảm rõ rệt.

Hơn nữa, MSB hiện nằm trong nhóm 3 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng hàng đầu trong 3 năm qua và chúng tôi nhận thấy chưa có dấu hiệu thay đổi chu kỳ phát triển của ngân hàng. MSB cũng đã xử lý hết trái phiếu VAMC vào năm trước, điều này giúp chi phí tín dụng dài hạn có xu hướng giảm.

SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MSB đạt 4.900 tỷ đồng (tăng 26,7% so với cùng kỳ), dựa trên mức tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 23,7% và 22,2% so với cùng kỳ. NIM và chi phí tín dụng lần lượt ở mức 4,32% và 1,05%.

VCSC: Khuyến nghị mua PHR với giá mục tiêu 68.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại tỉnh Bình Dương vào ngày 15/6/2021.

Ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 của công ty mẹ là 865 tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm ngoái. Mặc dù PHR chưa công bố kế hoạch lợi nhuận hợp nhất năm 2021, nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ năm 2021 tương ứng 81% dự báo hợp nhất cả năm của VCSC.

Dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VCSC cao hơn kế hoạch lợi nhuận công ty mẹ của PHR. Công ty chứng khoán này cho rằng là do mảng khu công nghiệp của PHR (khu công nghiệp Tân Bình, tỉnh Bình Dương).

Mảng khu công nghiệp của PHR được ghi nhận trên cơ sở hợp nhất của PHR nhưng không được ghi nhận trong báo cáo tài chính riêng khi công ty con do PHR nắm giữ 80% vốn là chủ đầu tư khu công nghiệp Tân Bình.

VCSC cho rằng công ty mẹ của PHR là công ty đóng góp chính vào lợi nhuận hợp nhất do công ty trực tiếp quản lý đất cao su, sẽ tạo ra thu nhập từ đền bù do việc chuyển đổi đất sang phát triển khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt 4.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2020 - tương ứng với lợi suất cổ tức là 7,9%, cao hơn mức giả định hiện tại của VCSC là 4.000 đồng/cổ phiếu. PHR đã trả tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt là 2.500 đồng/cổ phiếu vào quý 1/2021. Thời gian chi trả cụ thể cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu còn lại sẽ được quyết định sau.

Đại hội cổ đông cũng đã thông qua mức cổ tức tiền mặt tối thiểu 40% mệnh giá (tức 4.000 đồng/cổ phiếu) cho năm 2021, tương đương với lợi suất cổ tức 7,1% và phù hợp với dự báo hiện tại của VCSC.

Cổ đông đã thông qua khoản đóng góp quỹ khen thưởng và phúc lợi năm 2020 là 75 tỷ đồng (giảm 27% cùng kỳ), tương ứng 7,9% lợi nhuận ròng công ty mẹ năm 2020 của PHR so với kỳ vọng 20% của VCSC.

Cùng với đó, cổ đông đã thông qua việc bổ nhiệm ông Mai Hữu Tín làm thành viên HĐQT độc lập mới thay cho thành viên HĐQT độc lập trước đó là ông Bùi Đức Vinh. Ông Mai Hữu Tín hiện là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) và phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (UPCoM: KLB).

Tin mới lên